Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2002/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 2 năm 2002

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC SẮP XẾP, ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX về Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước góp ý kiến bằng văn bản cho các dự thảo: Nghị định thay thế Nghị định số 44/1998/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần; Nghị định về quản lý và xử lý nợ tồn đọng đối với doanh nghiệp nhà nước; Nghị định về chính sách đối với lao động dôi dư trong sắp xếp và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, Tổng công ty nhà nước và gửi về Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trước ngày 15 tháng 02 năm 2002.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan và địa phương tại hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, để hoàn chỉnh các văn bản nêu trên trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2002. Riêng đối với việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cần thể hiện được các nội dung sau:

- Trước mắt, vẫn áp dụng việc cho thuê và giao đất cho doanh nghiệp sử dụng theo các quy định hiện hành. Đối với những vị trí thuận lợi có giá trị sinh lợi cao cần tính lại giá cho thuê cho phù hợp. Chỉ tổ chức thí điểm việc đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá.

- Về cổ phần bán theo giá ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp: không chỉ áp dụng biện pháp hành chính, mà cần có sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và sự trợ giúp của tổ chức công đoàn để người lao động nghèo giữ được cổ phần, gắn bó với doanh nghiệp.

- Nghiên cứu việc sử dụng một phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo nguyên tắc kết hợp hài hoà 3 lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động để hình thành cổ phần không chia cho người lao động nhưng được hưởng cổ tức.

- Cần quy định rõ, doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, nếu Nhà nước giữ từ 51% cổ phần trở lên thì vẫn là doanh nghiệp nhà nước, nếu là thành viên của Tổng công ty nhà nước thì vẫn duy trì là thành viên của Tổng công ty nhà nước.

2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ khẩn trương chuẩn bị và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án liên quan đến sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước theo nhiệm vụ và thời hạn được giao tại Quyết định số 183/2001/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá IX.

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, trong tháng 02 năm 2002 có hướng dẫn việc thực hiện Quyết định số 180/2001/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về nhân sự Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Giám đốc các đơn vị thành viên các Tổng công ty có 100% vốn nhà nước đảm bảo đúng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Trong quý I năm 2002 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn và nhân sự cụ thể của Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty nhà nước.

3. Các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty nhà nước:

- Quán triệt đầy đủ Nghị quyết Trung ương 3 trong lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc.

- Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng công ty 91 chịu trách nhiệm xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp để thông qua cấp ủy và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30 tháng 4 năm 2002.

4. Về thí điểm các mô hình tổ chức quản lý mới:

Các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty nhà nước lựa chọn một số doanh nghiệp để chỉ đạo điểm chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Cuối năm 2002 sơ kết, đánh giá kết quả để triển khai thực hiện cho tất cả các doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thống nhất với các Bộ, các địa phương và Tổng công ty trình Thủ tướng Chính phủ quyết định số doanh nghiệp cần tiến hành thí điểm thực hiện hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.

Sau khi sơ kết việc thực hiện thí điểm, tất cả các Tổng công ty nhà nước đủ điều kiện duy trì là Tổng công ty sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con như tinh thần Nghị quyết Đại hội IX.

Thí điểm thành lập tập đoàn kinh doanh dầu khí, viễn thông, điện lực, xây dựng.

Kết thúc việc thí điểm mô hình Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc là một người. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các thành phố có Tổng công ty nhà nước kiện toàn bộ máy Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc theo Nghị quyết Trung ương 3.

5. Các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91 kiện toàn ngay Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Bộ, ngành, địa phương và Tổng công ty để giúp lãnh đạo cơ quan xây dựng, hướng dẫn và theo dõi thực hiện các đề án sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước của đơn vị mình.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tổng công ty nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)