Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2005/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 01 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA BẾN KHÁCH NGANG SÔNG, KÊNH, RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị số 14/2003/CT-BGTVT ngày 30 tháng 5 năm 2003 và Công văn số 4563/GTVT-PC ngày 09 tháng 10 năm 2003 của Bộ Giao thông vận tải về tăng cường quản lý an toàn giao thông đối với bến khách, bến thủy nội địa và tăng cường quản lý trật tư an toàn giao thông đối với phương tiện vận chuyển khách ngang sông và phương tiện gia dụng; Công văn số 2665/UB-ĐT ngày 10 tháng 5 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổng kiểm tra phương tiện thủy hoạt động trên địa bàn đã có kết quả bước đầu trong chấn chỉnh tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy tại các bến khách ngang sông và an toàn kỹ thuật của các phương tiện thủy.

Tuy nhiên, kết quả tổng kiểm tra các bến khách ngang sông và  phương tiện thủy đang hoạt động vừa qua cho thấy tình hình tổ chức quản lý và điều hành vận chuyển trên sông vẫn chưa tốt, không đáp ứng yêu cầu trật tự, an toàn; nhiều bến tàu, bến khách ngang sông hoạt động không có  giấy phép hoặc giấy phép không phù hợp, hầu hết phương tiện hoạt động trên sông không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật và trang bị cứu sinh đầy đủ theo quy định.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông đường thủy và hoạt động các bến tàu, bến khách ngang sông, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các sở-ngành thành phố và  Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính như sau :

1. Về hoạt động của bến khách ngang sông, kênh, rạch :

Mọi hoạt động tại bến khách ngang sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh phải tuân thủ quy định pháp luật hiện hành và những quy định cụ thể sau đây :

1.1- Số lượng phao cứu sinh và áo phao trang bị trên phương tiện thủy :

Tất cả phương tiện thủy chở khách ngang sông, kênh, rạch đều phải trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh còn trong thời hạn sử dụng và bố trí đúng

nơi quy định, dễ thấy và dễ sử dụng khi có tai nạn xảy ra. Số lượng trang bị theo quy định tại Mục 4.4.2 của Quy phạm 22 TCN 265-2000 Giám sát kỹ thuật và đóng tàu cỡ nhỏ :

- Số phao trang bị theo định mức : 01 phao tròn/03 hành khách.

- Số lượng áo phao tương ứng với số lượng người trên phương tiện thủy được phép chở.

1.2- Cách quy đổi xe 02 bánh trên phương tiện thủy :

Số lượng xe 02 bánh quy đổi tương đương với hành khách trên phương tiện thủy chở khách ngang sông, kênh, rạch (Theo Điểm c, d Mục 1.2.17 của

Quy phạm 22 TCN 265-2000 Giám sát kỹ thuật và đóng tàu cỡ nhỏ) :

a. 01 xe đạp : tương đương 01 hành khách.

b. 01 xe gắn máy : tương đương 02 hành khách.

1.3- Đối với bến khách ngang sông, kênh, rạch :

- Nghiêm cấm các loại phương tiện thủy hoạt động cho các mục đích khác neo đậu trong phạm vi hoạt động của bến khách ngang sông, kênh, rạch.

- Bến khách ngang sông, kênh, rạch phải xây dựng cầu bến, tùy thuộc vào điều kiện vị trí bến mà lựa chọn dạng cầu bến phù hợp (dạng cầu chùi,

cầu dẫn, cầu bậc tam cấp). Cầu bến phải đảm bảo an toàn, chắc chắn và có kích thước phù hợp cho hành khách lên, xuống tại bến được thuận tiện,

dễ dàng. Sở Giao thông Công chánh có chức năng xét duyệt các thiết kế mẫu về dạng cầu bến xây dựng tại bến khách ngang sông, kênh, rạch.

- Tại mỗi đầu bến đều phải có bảng bố cáo công khai về nội quy,

giá cước và thời gian hoạt động trong ngày của bến, danh sách, số hiệu và

tên người điều khiển phương tiện thủy và giấy phép hoạt động.

2. Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về điều kiện an toàn bến, đăng ký-

đăng kiểm phương tiện thủy hoạt động, về chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn của người điều khiển phương tiện thủy và thủ tục mở bến khách ngang sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn hoạt động của bến và phương tiện hoạt động tại bến theo thẩm quyền.

3. Công an thành phố cần tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm những phương tiện thủy vi phạm không đủ điều kiện an toàn khi hoạt động, không đăng ký-đăng kiểm theo quy định, chở quá tải hoặc người điều khiển phương tiện thủy không có hoặc có bằng cấp-chứng chỉ chuyên môn không phù hợp; đình chỉ hoạt động và tạm giữ phương tiện thủy vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm kiểm tra, rà soát lại tất cả các bến khách ngang sông, kênh, rạch đang hoạt động trên địa bàn phụ trách; nếu xét thấy cần thiết duy trì, mở bến thì chỉ đạo cho Ủy ban

nhân dân phường (xã, thị trấn) sở tại và các đơn vị liên quan lập thủ tục mở

và quản lý hoạt động bến khách ngang sông, kênh, rạch theo quy định

tại Quyết định số 1211/1999/QĐ-BGTVT ngày 20 tháng 5 năm 1999 của

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét cụ thể để có kế hoạch đầu tư từ

ngân sách địa phương cho mục đích công ích tại địa phương tạo thuận lợi,

an toàn cho việc đi lại của nhân dân. Trong trường hợp Ủy ban nhân dân phường (xã, thị trấn) giao cho tổ chức hoặc cá nhân đầu tư xây dựng và

khai thác bến thì phải bảo đảm tổ chức hoặc cá nhân đó hội đủ các điều kiện về an toàn hoạt động của bến, điều kiện về phương tiện và người điều khiển phương tiện quy định tại Điều 3 của Quyết định 1211/1999/QĐ-BGTVT

nói trên.

Tổ chức tuần tra kiểm soát định kỳ, đột xuất và có kế hoạch thường xuyên phối hợp với các ngành hữu quan thành phố kiểm tra, xử lý nghiêm

đối với các bến khách ngang sông, kênh, rạch hoạt động không hợp pháp,

kiên quyết đình chỉ tức thời những bến hoạt động trái phép và những

phương tiện không đủ điều kiện hoạt động hoặc người điều khiển phương tiện không có bằng cấp-chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Ủy ban nhân dân các quận-huyện, căn cứ tình hình đặc điểm và

nhu cầu của địa phương để xác lập quy hoạch xây dựng các bến khách

ngang sông, kênh, rạch để tổ chức quản lý có hiệu quả.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh và Giám đốc Công an thành phố, định kỳ hàng quý có

báo cáo tình hình nhiệm vụ và kết quả thực hiện Chỉ thị này cho Ủy ban

nhân dân thành phố, đồng gởi Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố.

Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện hàng quý đối với công tác này, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng với báo cáo định kỳ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận :
- Ủy ban ATGT Quốc gia
- Bộ Giao thông Vận tải
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND.TP
- TTUB : CT, các PCT
- Cục Đường Sông Việt Nam
- Ban ATGT thành phố
- Các sở-ngành thành phố
- UBND các quận-huyện
- Các Báo, đài thành phố
- VPHĐ-UB : CPVP, các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT-Thg)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Nguyễn Văn Đua