Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 06 tháng 3 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa dịch cúm gia cầm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng một số sở, ngành thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số công việc sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện

- Triển khai ngay các hình thức thông tin, truyền thông cảnh báo người dân về nguy cơ, tác hại của cúm gia cầm trên người và gia cầm; vận động người dân chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trong đó tập trung tại các khu dân cư, các điểm kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm và tại các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn; khuyến cáo người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y; khi phát hiện xác gia cầm chết phải báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời.

- Bố trí lực lượng chốt chặn, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia cầm trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng chăn nuôi gia cầm, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không theo quy định tại Quyết định số 24/2010/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp trứng gia cầm.

- Chỉ đạo Ban Quản lý các chợ chủ động kiểm tra, phát hiện, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch thú y, không đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người kinh doanh, chủ buôn bán chỉ mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ và đã qua kiểm dịch thú y.

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và huy động các đoàn thể cùng phối hợp trong công tác vận động, tuyên truyền cho người chăn nuôi, giết mổ, buôn bán sản phẩm gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, khuyến khích áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút; tuyên truyền không nuôi, không buôn bán gia cầm trái phép trên địa bàn, đồng thời phát hiện dịch bệnh báo ngay với chính quyền địa phương để xử lý.

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu còn để tình trạng kinh doanh gia cầm sống không đúng quy định, hoặc xảy ra trường hợp có người bị nhiễm bệnh từ gia cầm trên địa bàn quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người; thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố.

- Chỉ đạo Chi Cục Thú y thực hiện các công tác sau:

+ Giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, dịch bệnh trên địa bàn, nhất là nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao và khu vực giáp ranh với các tỉnh; tình hình chấp hành các quy định trong vận chuyển, giết mổ, kinh doanh tại trạm đầu mối giao thông, các cơ sở giết mổ, các chợ và điểm kinh doanh sản phẩm gia cầm; thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch gia cầm; giám sát việc chấp hành các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc sát trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung và các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm vào thành phố.

+ Phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện cung cấp nội dung hướng dẫn các quy định của ngành Thú y để tuyên truyền cho người chăn nuôi, kinh doanh gia cầm về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm.

+ Thường xuyên cập nhật các điểm nóng kinh doanh gia cầm sống trái phép, kịp thời thông báo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố và các quận, huyện để kiểm tra, xử lý.

+ Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm đánh giá tình hình lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các hộ chăn nuôi, kể cả hộ nuôi chim yến, cơ sở giết mổ, khu vui chơi giải trí, nơi kinh doanh và các hội quán chim cảnh, nhằm đảm bảo tình hình dịch tễ và nguồn thực phẩm an toàn cho người dân thành phố.

+ Phối hợp với Ban Quản lý chợ, Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý tịch thu, tiêu hủy theo quy định đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, bao bì nhãn hiệu hàng hóa không đúng quy định tại các chợ, các cửa hàng, nhà hàng, bếp ăn tập thể...

+ Tăng cường công tác phối hợp với Chi cục Thú y các tỉnh lân cận trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm; trao đổi nắm bắt thông tin tình hình diễn biến dịch bệnh nhằm cảnh báo kịp thời nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm.

- Phối hợp với Sở Y thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT ngày 27 tháng 5 năm 2013.

3. Sở Y tế

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm (H5N1, H7N9) trên người đến từng hộ dân, khu phố, các khu vực tập trung dân cư, các bệnh viện, trường học,… nhằm cảnh giác trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người; nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.

- Rà soát, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm ở người. Thực hiện cơ chế giám sát nhằm phát hiện và cách ly kịp thời các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ cúm gia cầm ở người.

- Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm kiểm tra các hoạt động chế biến tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn…; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

4. Sở Công Thương

- Chỉ đạo Chi Cục Quản lý thị trường chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh, gia cầm, sản phẩm gia cầm, nhất là gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc từ các tỉnh đang xảy ra dịch; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và xử lý dứt điểm đối với các trường hợp vi phạm quả tang tồn trữ gia cầm, sản phẩm gia cầm sống trái phép.

- Chỉ đạo Ban Quản lý chợ thực hiện đúng nội quy, quy chế hoạt động của chợ, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng tiểu thương kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y. Thực hiện cam kết kinh doanh sản phẩm gia cầm an toàn, có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

5. Công an thành phố: Phân công lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố ngăn chặn các trường hợp vận chuyển gia cầm sống, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên các phương tiện vận chuyển.

6. Sở Giao thông vận tải

Chỉ đạo Ban Quản lý các bến xe, bến tàu, phà:

- Thông báo cho chủ phương tiện vận tải công cộng chấp hành nghiêm việc không vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các địa phương khác vào thành phố. Có hình thức xử lý thích đáng các chủ phương tiện cố tình hoặc tiếp tay với hành khách vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trên các phương tiện đường bộ lẫn đường thủy.

- Niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm thành phố (1800599901) trên các phương tiện vận tải hành khách, để hành khách kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp phát hiện vận chuyển gia cầm trái phép từ các tỉnh về thành phố.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan truyền thông phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, phổ biến về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm; về phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ; thường xuyên cập nhật thông tin, tăng thời lượng phát sóng và kịp thời thông tin về tình hình diễn biến và nguy cơ bệnh dịch ở người, gia cầm trên các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

8. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, đặc biệt cấp kinh phí cho hoạt động giám sát, phát hiện các chủng vi rút gia cầm mới và hoạt động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Chuẩn bị kinh phí để hỗ trợ cho các đối tượng theo đúng quy định nhằm đảm bảo tốt cho việc tái đàn sau khi công bố hết dịch, góp phần ổn định tình hình chăn nuôi.

9. Sở Tài Nguyên và Môi trường: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng phương án tiêu hủy gia cầm bệnh, chết để bảo vệ môi trường và sức khỏe cho cộng đồng.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các đoàn thể chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động, tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương, các ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm nhằm giảm nguy cơ dịch phát sinh và lây lan ra diện rộng, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc sở, Thủ trưởng các cơ quan ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện nghiêm túc thực hiện các biện pháp nêu trên, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội của thành phố và thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng