Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2008/CT-UBND

Biên Hòa, ngày 08 tháng 4 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ BỆNH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI CỦA TỈNH ĐỒNG NAI NĂM 2008

Hiện nay, diễn biến dịch cúm gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người rất phức tạp, trên cả nước đã có một số tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm. Mặt khác, đã xuất hiện một số trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm. Việc vận chuyển, buôn bán, di chuyển đàn gia cầm, thủy cầm ở một số tỉnh lân cận về các tỉnh Đông Nam Bộ làm nguy cơ bùng phát dịch rất cao.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có công điện, văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Để triển khai thực hiện nội dung công điện nêu trên và chủ động phòng dịch cúm gia cầm, ngăn chặn vi rút cúm lây nhiễm cho người dân; Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp tổng hợp để phòng dịch cúm gia cầm tái phát, ngăn chặn bệnh cúm A (H5N1) xảy ra ở người; trong đó cần chú trọng các nội dung sau:

- Củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi từ huyện đến xã để chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của vi rút cúm gia cầm, các biện pháp phòng bệnh cúm trên gia cầm và phòng lây nhiễm cho con người; khuyến cáo người dân sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y, đặc biệt là phải nấu chín trước khi ăn; không ăn thịt gia cầm ốm, chết, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không bán chạy gia cầm bệnh.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm, vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương cùng tham gia giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm bao vây, dập tắt kịp thời, kiên quyết không để dịch lây lan.

- Thống kê, rà soát số lượng gia cầm, thủy cầm hiện có tại địa phương; xác định số lượng đã được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, khẩn trương triển khai tiêm phòng bổ sung cho số gia cầm, thủy cầm còn lại; đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt 100%, trường hợp không tiêm phòng thì kiên quyết xử lý tiêu hủy.

- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm; kiên quyết xử lý, không để tồn tại việc buôn bán gia cầm sống tại các chợ, đường giao thông trong nội thành, nội thị; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y.

- Không cho phép nhập nuôi gia cầm, thủy cầm có nguồn gốc từ các tỉnh có dịch cúm gia cầm, kể cả có giấy kiểm dịch xuất tỉnh của cơ quan thú y.

- Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, chợ buôn bán gia cầm, nơi có ổ dịch cũ, hố chôn gia cầm bệnh,…

- Vận động nhân dân nuôi nhốt gia cầm, tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, cách ly, hạn chế cho gia cầm tiếp xúc với gia cầm khác đàn, hạn chế cho chim, người lạ vào chuồng nuôi gia cầm,…

- Củng cố hoạt động của các chốt kiểm dịch tạm thời, đảm bảo công tác kiểm dịch có hiệu quả cao, ngăn chặn các trường hợp vận chuyển và tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm bệnh, chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc từ địa phương này sang địa phương khác.

- Trường hợp Chủ tịch UBND các xã, phường không triển khai đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, để xảy ra dịch cúm tái phát trên địa bàn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Phối hợp với các địa phương, Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện:

- Bố trí lực lượng phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi cấp huyện, xã, các đoàn thể, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung nêu trên.

- Tổ chức lấy mẫu giám sát huyết thanh và vi rút H5N1 thường xuyên trên đàn gia cầm, thủy cầm; tham mưu, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố kịp thời thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế và phòng, chống có hiệu quả, không để dịch lây lan trên diện rộng.

- Cung cấp kịp thời và đầy đủ vắc xin, vật tư,... phục vụ công tác tiêm phòng bổ sung, tiêu độc khử trùng của các địa phương.

- Phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm cho đàn gia cầm còn lại chưa được tiêm hoặc nuôi mới và đàn gia cầm ở các địa phương có tỷ lệ bảo hộ thấp, đảm bảo tiêm đạt 100% số gia cầm trong diện tiêm.

- Tăng cường kiểm tra việc tiêm phòng trước khi xuất bán gia cầm giống của các cơ sở ấp nở sản xuất con giống.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm theo quy định.

3. Giám đốc Sở Y tế

Phối hợp với các địa phương, Sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện:

- Giám sát tình hình bệnh cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để đối phó khi dịch cúm xảy ra trên người.

- Hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cúm trên người.

- Cung cấp thông tin thường xuyên về tình hình và diễn biến của dịch bệnh cúm trên người để nhân dân không hoang mang.

- Chuẩn bị đầy đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh,… để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc bệnh cúm (nếu có).

4. Giám đốc Sở Công thương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý Thị trường bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch tạm thời trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm; chấn chỉnh điều kiện vệ sinh các điểm buôn bán sản phẩm gia cầm nhất là thịt gia cầm sau giết mổ và trứng gia cầm ở các chợ đảm bảo điều kiện cách ly, khử trùng tiêu độc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ trong nội thành, nội thị, chỉ cho phép buôn bán sản phẩm động vật đã qua kiểm dịch, có dấu kiểm dịch của ngành thú y tại các chợ trên địa bàn.

5. Giám đốc Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành liên quan thẩm định kế hoạch, kinh phí phòng, chống dịch gia súc, gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người năm 2008; có kế hoạch cấp phát kinh phí đủ, kịp thời; đồng thời chuẩn bị đủ kinh phí để triển khai khẩn cấp công tác chống dịch (nếu có).

- Hướng dẫn các địa phương sử dụng kinh phí phòng chống dịch đúng theo quy định hiện hành.

6. Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư

Tổng hợp kế hoạch về trang thiết bị, vật tư, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kịp thời đáp ứng cho công tác chống dịch khi có dịch xảy ra.

7. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan trong việc kiểm soát vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm.

8. Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Y tế trong việc tiêu hủy gia cầm bệnh và xử lý môi trường tại những khu vực có dịch (nếu có).

9. Giám đốc Công an tỉnh

Tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm; bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch cố định và tạm thời.

10. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi tỉnh

Theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được phân công tích cực phối hợp UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người.

11. Các cơ quan thông tin đại chúng

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm giúp nhân dân hiểu, biết được sự nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh để thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh

Chỉ đạo các cấp hội phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện nội dung Chỉ thị này.

Kịp thời khen thưởng những đơn vị, cá nhân tham gia tích cực và có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên làm dịch bệnh xảy ra và lây lan. Kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi tỉnh xử lý các khó khăn vướng mắc xảy ra trong quá trình thực hiện.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế Chỉ thị số 05/2007/CT-UBND ngày 05/02/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người và an toàn vệ sinh thực phẩm./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh