Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/CT-UBND

Hải Dương, ngày 26 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NGHIÊM CẤM XẢ NƯỚC THẢI KHÔNG ĐẠT TIÊU CHUẨN VÀO MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ có chứa các thành phần ô nhiễm như các hợp chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng (As, Pb, Hg, Cd,…) và nhiều chất khác. Nếu như loại nước thải này không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường sẽ gây ô nhiễm đất, các nguồn nước (bao gồm nước mặt và nước ngầm), làm suy thoái các hệ sinh thái dưới đất và các thuỷ vực tiếp nhận, ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ cho cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

Luật bảo vệ môi trường đã quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó có việc phải xây dựng các hệ thống để xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn mới được xả thải ra môi trường.

Tại Quyết định số 2375/2002/QĐ - UBND ngày 13 tháng 5 năm 2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh “Ban hành Quy định về trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh” đã quy định tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện các giải pháp xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho phép; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân xả các loại chất thải rắn, lỏng và khí chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vào môi trường.

Thực tế trong những năm qua việc thực hiện các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ không nghiêm, tình trạng xả nước thải không qua xử lý vào môi trường vẫn tiếp diễn và có chiều hướng ngày càng gia tăng đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là đối với môi trường các thuỷ vực. Nhiều địa phương tình trạng nêu trên đã gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân, đòi hỏi các cấp chính quyền phải có giải pháp giải quyết cấp bách.

Qua đợt kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành ở 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc 12 huyện, thành phố và kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường cuối năm 2006 tại 31 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc địa bàn thành phố Hải Dương cho thấy hầu hết các cơ sở không thực hiện việc xử lý nước thải hoặc xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

Do không xử lý và xử lý không triệt để nên trong nước thải vào môi trường còn chứa các chất gây ô nhiễm có nồng độ cao hơn tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần (như COD, BOD5, TSS, NH3…). Thực tế đó đã làm cho nhiều thuỷ vực trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn thành phố Hải Dương nói riêng bị ô nhiễm nặng. Nghiêm trọng hơn hiện nay nhiều thuỷ vực dùng để cấp nước cho sinh hoạt đã và đang bị ô nhiễm do ảnh hưởng của nguồn xả nước thải này như trạm bơm nước thô của nhà máy nước Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, điểm cấp nước của các thị trấn như: Cầu Ghẽ, Phú Thái… Nếu tình trạng này không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả khó lường cho môi trường và cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Trước thực trạng trên, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước không bị ô nhiễm do nguồn nước thải của hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ra; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện nghiêm các nội dung sau đây:

1. Tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương bắt buộc phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn hiện hành Việt Nam TCVN 5945-2005) mới được thải nước ra môi trường.

2. Nghiêm cấm việc xả nước thải không đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường. Tổ chức, cá nhân nào cố ý xả nước thải không đảm bảo tiêu chuẩn ra môi trường mà không kịp thời khắc phục đều phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này được quy định tại Nghị định số 149/2004/NĐ - CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ “Quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước” và Nghị định số 81/2006/NĐ - CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”.

3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân xả nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường vào nguồn nước. Khi phát hiện những cơ sở cố ý vi phạm phải báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh để đình chỉ hoạt động.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xả nước thải vào nguồn nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Kịp thời phát hiện và thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng để phối hợp xử lý.

5. Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận dự án đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn và yêu cầu các chủ dự án thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đối với các dự án nằm trong danh mục phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ - CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, hoặc những dự án có tính chất nhạy cảm về môi trường; yêu cầu các chủ dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét chấp thuận.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng: Báo Hải Dương, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng thời lượng phát sóng, phát thanh, tin, bài phổ biến tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường đến các tổ chức và nhân dân. Nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt; đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải vào nguồn nước có trách nhiệm thi hành nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phan Nhật Bình