Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 80/2006/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2006

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường về tiêu chuẩn môi trường; đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; quản lý chất thải nguy hại; công khai thông tin, dữ liệu về môi trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1: TIÊU CHUẨN MÔI TRƯỜNG

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về chất thải theo lộ trình, khu vực, vùng, ngành

1. Hệ số khu vực, vùng, ngành là số được nhân thêm với giá trị cho phép của từng thông số ô nhiễm trong tiêu chuẩn quốc gia về chất thải để xác định giá trị bắt buộc áp dụng đối với từng khu vực, vùng, ngành cụ thể phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.

2. Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về chất thải được quy định phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường của từng thời kỳ theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn và được quy định tại quyết định công bố bắt buộc áp dụng.

3. Việc xác định hệ số của tiêu chuẩn về chất thải căn cứ vào nguyên tắc sau:

a) Hệ số khu vực, vùng của tiêu chuẩn về chất thải được xác định theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với khu vực được khoanh vùng bảo tồn thiên nhiên, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm, đô thị, khu dân cư tập trung, khu vực môi trường đã bị ô nhiễm;

b) Hệ số ngành của tiêu chuẩn về chất thải được xác định căn cứ vào đặc thù về môi trường của ngành sản xuất cụ thể.

Điều 4. Trách nhiệm xây dựng và thẩm quyền ban hành, công bố bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia

1. Việc tổ chức xây dựng tiêu chuẩn môi trường quốc gia được quy định như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phương pháp xây dựng, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xác định các tiêu chuẩn môi trường quốc gia cần ban hành và phân công việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường quốc gia;

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng tiêu chuẩn môi trường quốc gia theo phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý và được phân công, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định và ban hành.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và công bố việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia đối với từng khu vực, vùng, ngành.

Điều 5. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành, công bố bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia

1. Tiêu chuẩn môi trường quốc gia được xây dựng theo các bước sau đây:

a) Tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, các tiêu chuẩn của các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam;

b) Đánh giá các yêu cầu cơ bản đối với tiêu chuẩn môi trường quốc gia và dự báo tác động của việc bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia đó;

c) Xác định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các thông số và giá trị giới hạn của từng thông số của tiêu chuẩn môi trường quốc gia kèm theo các phương pháp chuẩn về đo đạc, lấy mẫu, phân tích để xác định thông số đó;

d) Tổ chức soạn thảo tiêu chuẩn môi trường;

đ) Tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan và hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn môi trường quốc gia;

e) Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định về chuyên môn và ban hành.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định về chuyên môn dự thảo tiêu chuẩn môi trường quốc gia gồm có:

a) Công văn đề nghị thẩm định tiêu chuẩn môi trường;

b) Bản thuyết trình về sự cần thiết, mục tiêu, quá trình tổ chức xây dựng, các ý kiến còn khác nhau và ý kiến của cơ quan tổ chức xây dựng tiêu chuẩn môi trường;

c) Dự thảo tiêu chuẩn môi trường.

3. Việc thẩm định về chuyên môn và ban hành tiêu chuẩn môi trường quốc gia được quy định như sau:

a) Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn môi trường quốc gia gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến tiêu chuẩn và đại diện có thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan;

b) Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ đề nghị thẩm định, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn môi trường quốc gia có trách nhiệm thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường kết quả thẩm định dự thảo tiêu chuẩn môi trường quốc gia.

Trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định việc ban hành tiêu chuẩn môi trường quốc gia; trường hợp không đồng ý với kết quả thẩm định hoặc không chấp nhận ban hành tiêu chuẩn môi trường quốc gia thì yêu cầu Ban kỹ thuật tiêu chuẩn môi trường quốc gia tiến hành thẩm định lại hoặc yêu cầu cơ quan tổ chức xây dựng tiêu chuẩn tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo tiêu chuẩn môi trường.

4. Việc công bố bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn môi trường quốc gia được quy định như sau:

a) Trên cơ sở tiêu chuẩn môi trường quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định lộ trình áp dụng, hệ số đối với từng khu vực, vùng, ngành cụ thể theo các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định này và công bố bắt buộc áp dụng;

b) Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuân thủ tiêu chuẩn môi trường quốc gia kể từ ngày quyết định công bố bắt buộc áp dụng có hiệu lực.

5. Ban kỹ thuật tiêu chuẩn môi trường quốc gia là tổ chức tư vấn kỹ thuật được thành lập và hoạt động khi có yêu cầu giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định dự thảo tiêu chuẩn môi trường quốc gia và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn môi trường quốc gia.

MỤC 2: ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Điều 6. Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và việc hướng dẫn chế độ tài chính đối với các hoạt động lập, thẩm định, giám sát báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chế độ tài chính đối với hoạt động lập, thẩm định, giám sát thực hiện báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường và bản cam kết bảo vệ môi trường.

Điều 7. Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Danh mục dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc trách nhiệm thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường được quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định này.

Điều 8. Điều kiện và phạm vi hoạt động của tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có cán bộ kỹ thuật, công nghệ và môi trường có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực dự án;

b) Có các phương tiện, máy móc, thiết bị bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định về đo đạc, lấy mẫu về môi trường và các mẫu liên quan khác phù hợp với tính chất của dự án và địa điểm thực hiện dự án;

c) Có cơ sở vật chất - kỹ thuật, phòng thí nghiệm bảo đảm việc xử lý, phân tích các mẫu về môi trường và các mẫu khác liên quan đến dự án. Trong trường hợp không có phòng thí nghiệm đạt yêu cầu, tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn phải hợp đồng thuê phòng thí nghiệm khác đáp ứng yêu cầu đặt ra.

2. Mọi tổ chức trong nước, ngoài nước đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này được tiến hành cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các dự án thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và dự án có liên quan đến bí mật nhà nước.

3. Cơ quan, đơn vị thuê tổ chức cung ứng dịch vụ tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này trước khi thuê tổ chức đó.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

1. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định của chủ dự án;

b) Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

c) Dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

2. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định của chủ dự án;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường;

c) Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo đầu tư của dự án.

3. Hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường gồm:

a) Bản cam kết bảo vệ môi trường;

b) Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo giải trình về đầu tư của dự án.

4. Hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường được gửi cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại các Điều 17; 21 và 26 của Luật Bảo vệ môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn biểu mẫu, số lượng hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đăng ký cam kết bảo vệ môi trường.

6. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo để chủ dự án bổ sung, hoàn chỉnh.

Điều 10. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 17 của Luật Bảo vệ môi trường ra quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của dự án.

2. Kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thể hiện dưới dạng biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định với đầy đủ các nội dung, kết luận, chữ ký của chủ tịch và của thư ký hội đồng.

3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của dự án kèm theo bản sao biên bản của Hội đồng thẩm định để làm căn cứ phê duyệt dự án.

4. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược kèm theo bản sao biên bản của Hội đồng thẩm định để làm căn cứ phê duyệt dự án.

5. Hoạt động của Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thực hiện theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Điều 11. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật Bảo vệ môi trường ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

2. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan quy định tại khoản 7 Điều 21 của Luật Bảo vệ môi trường căn cứ vào tính chất phức tạp về kỹ thuật, công nghệ và môi trường của dự án để quyết định lựa chọn hình thức thẩm định thông qua Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định. Đối với các dự án thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và dự án có liên quan đến bí mật quốc gia chỉ lựa chọn tổ chức dịch vụ trong nội bộ ngành an ninh, quốc phòng.

3. Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định có chức năng tư vấn giúp cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá về chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ xem xét, phê duyệt theo quy định.

4. Trường hợp cần thiết, trước khi tiến hành phiên họp chính thức của Hội đồng thẩm định, cơ quan có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định có thể tiến hành các hình thức thẩm định hỗ trợ như sau:

a) Khảo sát địa điểm thực hiện dự án và khu vực phụ cận;

b) Lấy mẫu phân tích kiểm chứng;

c) Lấy ý kiến của cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án;

d) Lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia ngoài Hội đồng thẩm định, cơ quan khoa học, công nghệ, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ có liên quan;

đ) Tổ chức các phiên họp đánh giá theo chuyên đề.

5. Hoạt động của Hội đồng thẩm định và của Tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Điều 12. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Các dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội và các dự án liên ngành, liên tỉnh, thời hạn thẩm định tối đa là 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Các dự án không thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều này, thời hạn thẩm định tối đa là 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Trường hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường không được thông qua và phải thẩm định lại thì thời gian thẩm định lại thực hiện như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 13. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung

1. Các trường hợp sau đây phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung:

a) Có thay đổi về địa điểm, quy mô, công suất thiết kế, công nghệ cña dù ¸n;

b) Sau 24 tháng kể từ ngày báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, dự án mới triển khai thực hiện.

2. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung bao gồm:

a) Những thay đổi nội dung của dự án;

b) Những thay đổi về hiện trạng môi trường tự nhiên và các yếu tố về kinh tế, xã hội cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung;

c) Những thay đổi về tác động môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực;

d) Những thay đổi về chương trình quản lý và giám sát môi trường của dự án;

đ) Những thay đổi khác.

3. Trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm xem xét, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

Điều 14. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

1. Có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án về nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo bản sao quyết định phê duyệt.

2. Niêm yết công khai tại địa điểm thực hiện dự án bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, trong đó chỉ rõ: chủng loại, khối lượng các loại chất thải; công nghệ, thiết bị xử lý chất thải; mức độ xử lý theo các thông số đặc trưng của chất thải so với tiêu chuẩn quy định; các biện pháp khác về bảo vệ môi trường.

3. Thiết kế, xây lắp các công trình xử lý môi trường:

a) Trên cơ sở sơ đồ nguyên lý của các công trình xử lý môi trường đề ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, phải tiến hành việc thiết kế chi tiết và xây lắp các công trình này theo đúng quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng;

b) Sau khi thiết kế chi tiết các công trình xử lý môi trường của dự án được phê duyệt, phải có văn bản báo cáo cơ quan nhà nước đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường về kế hoạch xây lắp kèm theo hồ sơ thiết kế chi tiết của các công trình xử lý môi trường để theo dõi và kiểm tra.

4. Bảo vệ môi trường trong quá trình thi công dự án:

a) Trong quá trình thi công dự án, phải triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, biện pháp giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với môi trường do dự án gây ra và tiến hành quan trắc môi trường theo đúng yêu cầu đặt ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt cũng như những yêu cầu khác nêu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

b) Trong quá trình triển khai các hoạt động thi công của dự án có những điều chỉnh, thay đổi về các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt hoặc xác nhận, phải có báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan đã phê duyệt hoặc đã xác nhận và chỉ được phép thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của cơ quan này;

c) Trong quá trình triển khai các hoạt động thi công và vận hành thử nghiệm dự án nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường thì phải dừng ngay và báo cáo kịp thời cho phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi thực hiện dự án và cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường;

d) Có trách nhiệm hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiến hành các hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường của dự án; cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan khi được yêu cầu.

5. Vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường:

a) Sau khi việc xây lắp các công trình xử lý môi trường đã hoàn thành và được nghiệm thu, phải tiến hành vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường để kiểm tra các thông số về kỹ thuật và môi trường theo thiết kế đặt ra;

b) Phải xây dựng kế hoạch vận hành thử nghiệm và thông báo cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, sở tài nguyên và môi trường, phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện và cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án để bố trí kế hoạch giám sát, kiểm tra;

c) Trường hợp không đủ năng lực để tự tiến hành đo đạc và phân tích các thông số về kỹ thuật và môi trường, phải ký hợp đồng với tổ chức có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật để thực hiện việc đo đạc và phân tích;

d) Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, phải có văn bản báo cáo và đề nghị xác nhận kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường gửi cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để xác nhận.

Điều 15. Trách nhiệm của cơ quan nhà nước sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi bản chính của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của mình cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi bản sao quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của mình và của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Xem xét và đối chiếu hồ sơ thiết kế, xây lắp các công trình xử lý môi trường với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; trường hợp phát hiện những điểm không phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong thời hạn không quá 7 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, báo cáo, phải có văn bản thông báo cho chủ dự án biết để điều chỉnh, bổ sung;

b) Tiếp nhận và xử lý các ý kiến đề xuất, kiến nghị của chủ dự án, các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công, xây dựng dự án;

c) Bố trí kế hoạch và tiến hành giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung và biện pháp bảo vệ môi trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý những vi phạm xảy ra;

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường của chủ dự án sau khi nhận được kế hoạch vận hành thử nghiệm của chủ dự án;

đ) Xem xét và xác nhận kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường;

e) Lưu giữ và quản lý toàn bộ hồ sơ, văn bản về hoạt động sau thẩm định do chủ dự án, các cơ quan và cá nhân có liên quan gửi đến.

Điều 16. Hồ sơ, trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

1. Hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận bao gồm:

a) Văn bản đề nghị kiểm tra, xác nhận;

b) Báo cáo mô tả các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo hồ sơ thiết kế và các thông số kỹ thuật của các công trình, thiết bị bảo vệ môi trường.

Công trình xử lý và bảo vệ môi trường phải được giám định kỹ thuật trước khi đề nghị kiểm tra, xác nhận.

c) Các chứng chỉ, chứng nhận, công nhận, giám định có liên quan.

2. Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của chủ dự án, cơ quan đã ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường có trách nhiệm kiểm tra và xác nhận bằng văn bản về việc chủ dự án đã hoàn thành các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đối với dự án có vấn đề phức tạp cần kéo dài thời gian kiểm tra thì thời gian tăng thêm không được quá 10 (mười) ngày làm việc. Trường hợp qua kiểm tra, phát hiện chủ dự án không thực hiện đúng và đủ các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường thì yêu cầu chủ dự án tiếp tục thực hiện và báo cáo để cơ quan ra quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động tiếp tục xem xét, xác nhận.

3. Các nội dung cần kiểm tra, xác nhận đối với từng dự án cụ thể được thực hiện theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, trong đó đặc biệt lưu ý các nội dung sau:

a) Hệ thống thu gom, xử lý nước thải;

b) Các thiết bị thu gom, lưu giữ và biện pháp xử lý chất thải nguy hại;

c) Các biện pháp quản lý chất thải rắn thông thường;

d) Biện pháp, thiết bị xử lý thu gom khí thải, bụi thải;

đ) Biện pháp, thiết bị xử lý tiếng ồn, độ rung;

e) Kế hoạch, biện pháp và điều kiện cần thiết phòng, chống sự cố môi trường.

4. Hình thức, nội dung cụ thể của văn bản báo cáo, văn bản xác nhận được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 17. Đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

1. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật Bảo vệ môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận cho các đối tượng thuộc diện đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

2. Hình thức, nội dung của giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

MỤC 3: BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ

Điều 18. cở sở sản xuất, dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường

1. Cơ sở sản xuất, dịch vụ thân thiện với môi trường là cơ sở đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ môi trường và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường;

b) Có chính sách quản lý sản phẩm trong suốt quá trình tồn tại của chúng và quản lý chất thải đúng theo quy định của pháp luật, trong đó tái chế, tái sử dụng trên 70% tổng lượng chất thải;

c) Áp dụng thành công và được cấp chứng chỉ ISO 14001 về quản lý môi trường;

d) Tiết kiệm trên 10% nguyên liệu, năng lượng, nhiên liệu, lượng nước sử dụng so với mức tiêu thụ chung;

đ) Tham gia và có đóng góp tích cực các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, bảo vệ môi trường công cộng;

e) Không bị cộng đồng dân cư nơi thực hiện sản xuất, dịch vụ phản đối việc được công nhận là cơ sở thân thiện với môi trường.

2. Sản phẩm thân thiện với môi trường là sản phẩm đáp ứng một trong các yêu cầu sau đây:

a) Sản phẩm tái chế từ chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

b) Sản phẩm sau khi sử dụng dễ phân huỷ trong tự nhiên;

c) Sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường được sản xuất để thay thế nguyên liệu tự nhiên;

d) Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ;

đ) Sản phẩm được cấp nhãn sinh thái của tổ chức được Nhà nước công nhận.

3. Cơ sở sản xuất, dịch vụ thân thiện với môi trường được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi và hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đánh giá, xem xét và thủ tục công nhận cơ sở sản xuất, dịch vụ và sản phẩm thân thiện với môi trường.

Điều 19. Bảo vệ môi trường đối với việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu, chuyển khẩu, quá cảnh phế liệu

1. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không tuân thủ các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Việc tạm nhập, chuyển khẩu phế liệu phải thực hiện nghiêm các yêu cầu sau đây:

a) Không tháo, mở, sử dụng và làm phát tán phế liệu trong quá trình vận chuyển, lưu giữ tại Việt Nam;

b) Không làm thay đổi tính chất, khối lượng của phế liệu;

c) Tái xuất, chuyển khẩu toàn bộ phế liệu đã được đưa vào lãnh thổ Việt Nam.

3. Việc quá cảnh phế liệu qua lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường tương tự đối với việc quá cảnh hàng hoá quy định tại Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường.

MỤC 4: QUẢN LÝ CHẤT THẢI

Điều 20. Trách nhiệm quản lý chất thải nguy hại của các cơ quan nhà nước

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn quy trình giảm thiểu, thống kê, khai báo và quản lý chất thải nguy hại;

b) Ban hành danh mục chất thải nguy hại;

c) Cấp giấy phép và mã số hoạt động quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức tham gia quản lý chất thải có phạm vi hoạt động trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên;

d) Hướng dẫn việc vận chuyển chất thải nguy hại ra nước ngoài xử lý theo Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong trường hợp trong nước không có công nghệ, thiết bị xử lý phù hợp.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thống kê, đánh giá về chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn và có các biện pháp quản lý phù hợp;

b) Bố trí mặt bằng, các điều kiện cần thiết cho quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn phù hợp với quy hoạch thu gom, xử lý, chôn lấp chất thải nguy hại đã được phê duyệt;

c) Cấp giấy phép và mã số hoạt động quản lý chất thải nguy hại cho tổ chức tham gia quản lý chất thải nguy hại có phạm vi hoạt động trên địa bàn trừ các trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 21. Thu hồi, xử lý sản phẩm đã qua sử dụng hoặc thải bỏ

1. Sản phẩm quy định tại khoản 1 Điều 67 của Luật Bảo vệ môi trường phải có ký hiệu về mức độ nguy hại, khả năng tái chế để xác lập trách nhiệm và biện pháp thu hồi, xử lý sau khi hết hạn sử dụng hoặc người tiêu dùng loại bỏ.

Trường hợp nhập khẩu thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải đăng ký số lượng và các thông tin cần thiết của sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường Trung ương để xác lập trách nhiệm vụ biện pháp thu hồi, xử lý sau khi người tiêu dùng loại bỏ.

2. Căn cứ vào tình hình thực tế và nhu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ quy định việc thu hồi, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc đã qua sử dụng.

MỤC 5: CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều 22. Thẩm định, đánh giá công nghệ môi trường và quản lý chế phẩm sinh học sử dụng trong bảo vệ môi trường

1. Công nghệ môi trường được thẩm định, đánh giá bao gồm:

a) Công nghệ môi trường mới được phát minh;

b) Công nghệ môi trường nhập khẩu không rõ nguồn gốc, xuất xứ;

c) Các công nghệ môi trường khác theo yêu cầu của bên cung cấp, sử dụng hoặc của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

2. Việc công khai, chứng nhận và chuyển nhượng công nghệ môi trường đã được thẩm định, đánh giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể việc đánh giá công nghệ môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ và về bảo vệ môi trường.

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục các chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải; danh mục các chế phẩm sinh học gây ô nhiễm môi trường bị cấm nhập khẩu.

Điều 23. Công khai thông tin, dữ liệu về môi trường

1. Trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 104 của Luật Bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về môi trường quốc gia;

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về môi trường thuộc ngành, lĩnh vực do mình quản lý;

c) Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm công khai thông tin, số liệu về môi trường trên địa bàn do mình quản lý;

d) Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; chủ cơ sở sản xuất, dịch vụ có trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu về môi trường thuộc phạm vi mình quản lý.

2. Hình thức công khai thông tin, dữ liệu về môi trường được quy định như sau:

a) Phát hành rộng rãi dưới hình thức sách, bản tin trên báo chí và đưa lên trang web của đơn vị đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này;

b) Phát hành rộng rãi dưới hình thức sách, bản tin trên báo chí, đăng tải trên trang web của đơn vị (nếu có), báo cáo trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân, thông báo trong các cuộc họp khu dân cư, niêm yết tại trụ sở của đơn vị và của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đơn vị hoạt động đối với các trường hợp quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này.

Chương 3:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bãi bỏ các nghị định sau đây:

a) Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993;

b) Nghị định số 143/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 14 Nghị định số 175/CP ngày 18 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KG (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn TấnDũng

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN PHẢI LẬP BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ)

__________

TT

DỰ ÁN

QUY MÔ

1

Dự án công trình trọng điểm quốc gia

Tất cả

2

Dự án có sử dụng một phần, toàn bộ diện tích đất hoặc có ảnh hưởng xấu đến khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia, các khu di tích lịch sử - văn hoá, di sản tự nhiên, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc chưa được xếp hạng nhưng được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bảo vệ

Tất cả

3

Dự án có nguy cơ ảnh hưởng xấu trực tiếp đến nguồn nước lưu vực sông, vùng ven biển, vùng có hệ sinh thái được bảo vệ

Tất cả

4

Dự án nhà máy điện nguyên tử

Tất cả

5

Dự án nhà máy điện nhiệt hạch

Tất cả

6

Dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân

Tất cả

7

Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ

Tất cả

8

Dự án xây dựng cơ sở viễn thông

Tất cả

9

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu đô thị, khu dân cư

Tất cả

10

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cụm làng nghề

Tất cả

11

Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, thương mại

Tất cả

12

Dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp tuyến đường bộ cao tốc, cấp I, cấp II và cấp III

Tất cả

13

Dự án xây dựng mới các tuyến đường bộ cấp IV

Chiều dài từ 50 km trở lên.

14

Dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt

Chiều dài từ 100 km trở lên

15

Dự án xây dựng mới các cầu vĩnh cửu trên đường bộ, đường sắt

Chiều dài từ 200 m trở lên

(không kể đường dẫn)

16

Dự án xây mới, nâng cấp, cải tạo những công trình giao thông

Đòi hỏi tái định cư từ 2.000 người trở lên

17

Dự án nhà máy đóng, sửa chữa tàu thuỷ

Tầu trọng tải từ 1.000 DWT

trở lên

18

Dự án nhà máy đóng mới, sửa chữa, lắp ráp đầu máy toa xe, ô tô

Công suất thiết kế từ 500

phương tiện/năm trở lên

19

Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp cảng sông, cảng biển

Tàu trọng tải từ 1.000 DWT

trở lên

20

Cảng hàng không, sân bay

Tất cả

21

Dự án xây dựng đường xe điện ngầm, đường hầm

Chiều dài từ 500 m trở lên

22

Dự án xây dựng đường sắt trên cao

Chiều dài từ 2.000m trở lên

23

Dự án khai thác dầu, khí

Tất cả

24

Dự án lọc hoá dầu (trừ các dự án chiết nạp LPG, pha chế dầu nhờn)

Tất cả

25

Dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu, khí

Tất cả

26

Dự án kho xăng dầu

Dung tích từ 1.000m3 trở lên

27

Dự án sản xuất sản phẩm hoá dầu (chất hoạt động bề mặt, chất hoá dẻo, metanol)

Tất cả

28

Dự án vệ sinh súc rửa tàu

Tất cả

29

Dự án xây dựng khu trung chuyển dầu, khí

Tất cả

30

Dự án nhà máy nhiệt điện

Có công suất từ 50MW trở lên

31

Dự án nhà máy thuỷ điện

Hồ chứa có dung tích từ 1.000.000 m3 nước trở lên

32

Dự án xây dựng tuyến đường dây tải điện cao áp

Chiều dài từ 50 km trở lên

33

Dự án nhà máy cán, luyện gang thép và kim loại mầu

Công suất thiết kế từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

34

Dự án nhà máy sản xuất chất dẻo

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

35

Dự án nhà máy sản suất phân hoá học

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

36

Dự án kho hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật

Có sức chứa từ 10 tấn trở lên

37

Dự án nhà máy sản xuất sơn, hoá chất

cơ bản

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

38

Dự án nhà máy sản xuất chất tẩy rửa,

phụ gia

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

39

Dự án nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ thực vật

Công suất thiết kế từ 500 tấn sản phẩm/năm trở lên

40

Dự án nhà máy chế biến mủ cao su

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

41

Dự án nhà máy chế biến cao su

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

42

Dự án nhà máy sản xuất dược phẩm, hoá mỹ phẩm

Công suất thiết kế từ 50 tấn sản phẩm/năm trở lên

43

Dự án nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, máy kéo

Công suất thiết kế từ 50.000 sản phẩm/năm trở lên

44

Dự án nhà máy ắc quy

Công suất thiết kế từ 50.000KWh/năm trở lên

45

Dự án nhà máy xi măng

Công suất thiết kế từ 500.000 tấn xi măng/năm trở lên

46

Dự án nhà máy sản xuất gạch, ngói

Công suất thiết kế từ 20 triệu viên/năm trở lên

47

Dự án nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

48

Dự án khai thác vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi) trên đất liền

Công suất thiết kế từ 50.000m3 vật liệu/năm trở lên

49

Dự án khai thác, nạo vét tận thu vật liệu xây dựng lòng sông (cát, sỏi)

Công suất thiết kế từ 50.000 m3 vật liệu/năm trở lên

50

Dự án khai thác khoáng sản rắn (không sử dụng hoá chất)

Có khối lượng khoáng sản rắn và đất đá từ 100.000m3/năm trở lên

51

Dự án khai thác, chế biến khoáng sản rắn có chứa các chất độc hại hoặc có sử dụng hoá chất

Tất cả

52

Dự án chế biến khoáng sản rắn

Công suất thiết kế từ 50.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

53

Dự án khai thác nước dưới đất

Công suất thiết kế từ 1.000 m3 nước/ngày đêm trở lên

54

Dự án khai thác nước mặt

Công suất thiết kế từ 10.000 m3 nước/ngày đêm trở lên

55

Dự án nhà máy chế biến thực phẩm

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

56

Dự án nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

57

Dự án nhà máy đường

Có công suất thiết kế từ 20.000 tấn mía/năm trở lên

58

Dự án nhà máy sản xuất cồn, rượu

Công suất thiết kế từ 100.000 lít sản phẩm/năm trở lên

59

Dự án nhà máy sản xuất bia, nước giải khát

Công suất thiết kế từ 500.000 lít sản phẩm/năm trở lên

60

Dự án nhà máy bột ngọt

Công suất thiết kế từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

61

Dự án nhà máy chế biến sữa

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

62

Dự án nhà máy chế biến cà phê

Công suất thiết kế từ 5.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

63

Dự án nhà máy thuốc lá

Công suất thiết kế từ 50.000 bao/năm trở lên

64

Dự án nhà máy/lò giết mổ gia súc, gia cầm

Công suất thiết kế từ 100 gia súc/ngày, 1.000 gia cầm/ngày trở lên

65

Dự án nhà máy sản xuất nước đá

Công suất thiết kế từ 500 cây đá/ngày đêm hoặc từ 25.000kg nước đá/ngày đêm trở lên

66

Dự án nhà máy chế biến nông sản ngũ cốc

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

67

Dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

68

Dự án nhà máy thuộc da

Tất cả

69

Dự án nhà máy dệt có nhuộm W

Tất cả

70

Nhà máy dệt không nhuộm

Công suất từ 10.000.0000 m vải/năm

71

Dự án nhà máy cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị

Công suất thiết kế từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

72

Dự án nhà máy chế biến gỗ, ván ép

Công suất thiết kế từ 100.000m2 /năm trở lên

73

Dự án nhà máy sản xuất các thiết bị điện, điện tử

Công suất thiết kế từ 10.000 thiết bị/năm trở lên

74

Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

75

Dự án nhà máy sản xuất hàng mỹ nghệ

Công suất thiết kế từ 1.000.000 sản phẩm/năm trở lên

76

Dự án xây dựng hồ chứa nước, hồ thuỷ lợi

Dung tích chứa từ 1.000.000 m3 nước trở lên

77

Dự án xây dựng hệ thống thuỷ lợi, tưới tiêu, ngăn mặn

Bao phủ diện tích từ 500ha trở lên

78

Dự án quai đê lấn biển

Tất cả

79

Dự án khu nuôi trồng thuỷ sản: thâm canh/bán thâm canh

Diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên

80

Dự án nuôi trồng thuỷ sản quảng canh

Diện tích mặt nước từ 50 ha trở lên

81

Dự án khu nuôi trồng thuỷ sản trên cát

Tất cả

82

Dự án khu trại chăn nuôi gia súc tập trung

Từ 100 đầu gia súc trở lên

83

Dự án khu trại chăn nuôi gia cầm tập trung

Từ 10.000 đầu gia cầm trở lên

84

Dự án nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm

Công suất thiết kế từ 10.000 tấn sản phẩm/năm trở lên

85

Dự án trồng rừng và khai thác rừng

Diện tích từ 1.000 ha trở lên

86

Dự án xây dựng vùng trồng sắn, mía tập trung

Diện tích từ 100 ha trở lên

87

Dự án xây dựng vùng trồng cà phê tập trung

Diện tích từ 100 ha trở lên

88

Dự án xây dựng vùng trồng chè tập trung

Diện tích từ 100 ha trở lên

89

Dự án xây dựng vùng trồng cao su tập trung

Diện tích từ 200 ha trở lên

90

Dự án xây dựng khu du lịch, vui chơi giải trí

Diện tích từ 5 ha trở lên

91

Dự án xây dựng sân golf

Có từ 18 lỗ trở lên

92

Dự án xây dựng khu khách sạn, nhà nghỉ

Có từ 50 phòng nghỉ trở lên

93

Dự án xây dựng bệnh viện

Từ 50 giường bệnh trở lên

94

Dự án nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn nói chung

Tất cả

95

Dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại

Tất cả

96

Dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt

Cho từ 100 hộ dân trở lên

97

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung không nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao

Công suất thiết kế từ 1.000 m3 nước thải/ngày đêm trở lên

98

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung

Công suất thiết kế từ 1.000m3 nước thải/ngày đêm trở lên

99

Dự án xây dựng đài hoá thân hoàn vũ

Tất cả

100

Dự án xây dựng nghĩa trang

Diện tích từ 15 ha trở lên

101

Dự án chiếm dụng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng đặc dụng

Diện tích từ 5 ha trở lên

102

Dự án chiếm dụng diện tích rừng tự nhiên

Diện tích từ 50 ha trở lên

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN LIÊN NGÀNH, LIÊN TỈNH THUỘC TRÁCH NHIỆM THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ)

1. Dự án có sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích đất của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, khu di sản thế giới và khu di tích lịch sử, văn hoá đã được xếp hạng cấp quốc gia.

2. Dự án nhà máy điện nguyên tử, nhà máy điện nhiệt hạch, lò phản ứng hạt nhân.

3. Dự án nhà máy nhiệt điện công suất thiết kế từ 300 MW đến dưới 500 MW có địa điểm nằm cách khu đô thị, khu dân cư tập trung dưới 02 km; dự án nhà máy nhiệt điện khác công suất từ 500 MW trở lên.

4. Dự án nhà máy thủy điện, công trình thủy lợi có dung tích hồ chứa từ 100.000.000 m3 nước trở lên hoặc làm ảnh hướng đến nguồn cung cấp nước mặt và nước ngầm của từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

5. Dự án có chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển, rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên hoặc chặt phá rừng tự nhiên khác từ 200 ha trở lên theo quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.

6. Dự án nuôi trồng thủy sản trên cát có diện tích từ 100 ha trở lên.

7. Dự án nhà máy lọc, hoá dầu; dự án nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, chất tảy rửa, phụ gia, phân hoá học công suất từ 20.000 tấn sản phẩm/năm trở lên; dự án sản xuất ắc quy công suất thiết kế từ 300.000 Wh/năm trở lên; dự án nhà máy sản xuất xi măng công suất từ 1.200.000 tấn xi măng/năm trở lên; dự án nhà máy, xưởng sản xuất có chứa chất phóng xạ hoặc phát sinh chất thải phóng xạ.

8. Dự án khai thác dầu khí; dự án khai thác khoáng sản rắn công suất từ 500.000 m3/năm trở lên (kể cả đất, đá thải, quặng nghèo); dự án khai thác khoáng sản kim loại phóng xạ, đất hiếm; dự án khai thác nước dưới đất công suất 50.000 m3 nước/ngày đêm trở lên, khai thác nước mặt công suất thiết kế từ 500.000 m3 nước/ngày đêm trở lên;.

9. Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu du lịch và vui chơi giải trí có diện tích từ 200 ha trở lên; Dự án xây dựng cảng cho tàu trọng tải từ 50.000DWT; dự án luyện gang thép có công suất thiết kế từ 300.000 tấn sản phẩm/năm trở lên.

10. Dự án tái chế chất thải nguy hại, xử lý và chôn lấp chất thải nguy hại.

11. Dự án có từ một hạng mục trở lên trong số các dự án thứ tự từ 1 đến 10.

12. Các dự án khác nêu tại Phụ lục 1 nằm trên địa bàn 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên./.