Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2012/CT-UBND

Vị Thanh, ngày 03 tháng 5 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại gây ra ở động vật và lây truyền từ động vật sang người với triệu chứng rối loạn thần kinh, lên cơn điên dại và dẫn đến tử vong.

Nhận thức về sự nguy hiểm cũng như áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh dại thời gian qua chưa được người dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm đúng mức. Hàng năm ngành y tế đều có tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi (chó, mèo) trong tỉnh nhưng tỉ lệ tiêm phòng chưa cao; công tác thông tin tuyên truyền tuy có triển khai thực hiện nhưng chưa thật sự sâu, rộng. Vẫn còn một số lượng lớn vật nuôi (chó, mèo) chưa được quản lý, không được tiêm phòng bệnh dại đầy đủ, tình trạng nuôi chó thả rông để cắn người còn xảy ra khá phổ biến.

Để chủ động phòng, chống bệnh dại ở động vật và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại ở động vật; Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 04/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật; Chương trình khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hậu Giang chỉ đạo:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Theo dõi và đôn đốc các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý vật nuôi (chó, mèo) trong hộ gia đình theo quy định.

b) Chỉ đạo Chi cục Thú y:

- Thực hiện các biện pháp chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ vắc xin, vật tư, hoá chất, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác phòng, chống bệnh dại;

- Phối hợp cùng các địa phương triển khai công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi (chó, mèo) và thực hiện đeo vòng, cấp mã số cho vật nuôi được tiêm phòng theo quy định;

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát vật nuôi (chó, mèo) được đưa vào địa bàn;

- Hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh;

- Tham mưu đề xuất các biện pháp phòng, chống bệnh dại theo quy định;

- Phối hợp với các ngành, tăng cường công tác kiểm tra vận chuyển, giết mổ vật nuôi (chó, mèo) theo đúng quy định pháp luật.

c) Định kỳ hàng quý, năm hoặc đột xuất báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật về Uỷ ban nhân dân tỉnh nắm, kịp thời chỉ đạo.

2. Sở Y tế

a) Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và các cơ quan chức năng, chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh dại ở người trên địa bàn tỉnh; củng cố, nâng cấp hệ thống giám sát, phòng chống bệnh dại ở người; đảm bảo đầy đủ số lượng và chất lượng vắc xin, kháng huyết thanh để kịp thời tiêm phòng, điều trị cho người bị vật nuôi (chó, mèo) cắn nghi mắc bệnh dại.

b) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại; đồng thời định kỳ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo công tác phòng, chống bệnh dại ở người về UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính

Đảm bảo kinh phí phục vụ công tác phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường hỗ trợ ngành Thú y tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Công Thương

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp ngành Thú y xử lý những vi phạm về giết mổ, kinh doanh chó, mèo trên địa bàn tỉnh.

6. Các cơ quan truyền thông

Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang và Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại, các quy định của Nhà nước và địa phương trong công tác phòng, chống bệnh dại. Đặc biệt tuyên truyền mối nguy hiểm của bệnh dại để người dân hiểu rõ tác hại của bệnh dại, qua đó chủ động phòng tránh.

7. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố

Chỉ đạo các ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp các tổ chức đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt chú trọng đến một số công tác trọng tâm sau:

a) Rà soát, thống kê vật nuôi (chó, mèo) tại địa phương, phối hợp với ngành Thú y tổ chức quản lý chặt chẽ vật nuôi này (bắt giữ, xử lý chó thả rông, chó, mèo không tiêm vắc xin phòng bệnh dại; tiêu huỷ chó, mèo bệnh, nghi bệnh dại) theo quy định; giám sát bệnh dại, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

b) Tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, vận động người dân tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại cho người và động vật; người bị vật nuôi (chó, mèo) cào, cắn (mà vật nuôi đó bị nghi là nhiễm bệnh dại) phải tiêm phòng bệnh dại.

c) Chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng của địa phương hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh dại.

8. Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang

Phối hợp với các tổ chức Đoàn thể chỉ đạo tổ chức hội, đoàn thể các cấp tham gia tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại.

9. Trách nhiệm của chủ vật nuôi

a) Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại và các biện pháp đảm bảo an toàn cho người theo hướng dẫn của ngành Thú y và chính quyền địa phương.

b) Chấp hành việc tiêm phòng bệnh dại và phải chịu chi phí cho việc tiêm phòng.

c) Phải xích, nhốt hoặc nuôi giữ vật nuôi (chó) trong khuôn viên nhà ở, không được thả rông; chủ vật nuôi hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để vật nuôi (chó, mèo) cắn người hoặc gây tai nạn giao thông. Khi đưa vật nuôi (chó) ra đường phải có người dẫn dắt và có rọ mõm, không để phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh nơi công cộng.

d) Khi phát hiện vật nuôi (chó, mèo) có biểu hiện khác thường như bỗng nhiên trở nên hung dữ, cào, cắn người hay động vật khác thì chủ vật nuôi phải khai báo ngay với Trưởng ấp hoặc cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

10. Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Nhơn