Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/1998/CT.UB

Long Xuyên, ngày 28 tháng 04 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

- Bệnh dại là một bệnh rất nguy hiểm và có thể lây sang người. Ở nước ta hàng năm có hàng trăm người chết vì bệnh dại. Riêng tỉnh ta trong năm 1996 đã có 10.280 người bị súc vật cắn, năm 1997 có 12.824 người đến các Trung tâm Y tế của tỉnh để chích ngừa, số trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại lên đến 396 trường hợp trong đó nghi dại do chó cắn chiếm 99,89%.

- Để thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Pháp lệnh Thú y và Chỉ thị số 92/TTg ngày 07/02/96 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng - chống bệnh dại và để từng bước thanh toán bệnh dại do chó gây ra nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ thị các ngành, các cấp trong tỉnh tích cực tập trung thực hiện tốt các nội dung sau.

1. Tuyên truyền, vận động trong nội bộ và nhân dân tích cực tham gia phong trào phòng - chống bệnh dại từ gia súc lây sang người; không ngừng nâng cao ý thức của nhân dân về phòng chống bệnh dại, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tỉnh.

2. Tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, tiêm phòng bệnh dại bắt buộc 100% đối với chó nuôi ở các thị xã, thị trấn; cố gắng tiêm phòng ít nhất là 50% đối với chó nuôi ở nông thôn từng bước thực hiện tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó nuôi trong tỉnh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về công tác thú y.

3. Nghiêm cấm việc thả rong gia súc, gia cầm trong phạm vi đô thị và trên các tuyến đường giao thông chính thuộc địa bàn tỉnh. Việc di chuyển gia súc, gia cầm phải đảm bảo các quy định về kiểm dịch động vật, riêng đối với chó phải đảm bảo các biện pháp an toàn như: khớp mõm, đeo vòng cổ có đóng số của cơ quan thú y. Để đảm bảo vệ sinh đô thị, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an toàn giao thông cần thực hiện các biện pháp sau đây:

a- Các tổ chức – cá nhân, các hộ gia đình có nuôi chó bắt buộc phải tiêm phòng dại cho chó theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng người chủ nuôi chó phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng dại. Chó nuôi phải được xích hoặc nhốt trong khuôn viên nhà, không được thả chó chạy rong làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị, gây tai nạn giao thông, gây mất vệ sinh đường phố và cắn người. Đối với cho bị mắc bệnh dại hoặc cắn người, chủ nuôi chó phải báo cho cơ quan Thú y gần nhất để lưu giữ theo dõi bệnh và người chủ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị chó cắn. Đối với súc vật thả rong gây tai nạn giao thông, người chủ nuôi cũng phải bồi thường thiệt hại cho người bị nạn.

b- Chi cục Thú y chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tiêm phòng dại cho chó trên địa bàn tỉnh; lập kế hoạch tiêm phòng định kỳ và thường xuyên nhằm đảm bảo sự miễn dịch liên tục cho đàn chó nuôi, bảo đảm cung ứng các loại vật tư và vaccine phòng bệnh dại theo kế hoạch tiêm phòng hàng năm; tổ chức bắt giữ và xử lý cho chạy rong; thống kê và lập kế hoạch quản lý số chó nuôi; phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về công tác thú y vá các nội dung trong chỉ thị này.

c- Sở Y tế, Trung tâm Y tế Dự phòng: đảm bảo đủ số lượng, chất lượng vaccine, huyết thanh kháng dại tiêm phòng cho người bị chó và các loại súc vật khác cắn và phải theo dõi đúng phác đồ phòng bệnh; mở rộng thêm các điểm tiêm phòng dại tại các xã, phường, thị trấn bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn có nơi tiêm phòng dại và giám sát bệnh dại ở người; kết hợp với Chi Cục Thú y xây dựng kế hoạch khống chế bệnh dại từ nay đến năm 2000 và thanh toán bệnh dại vào những năm tiếp theo.

d- Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Y tế phối hợp với Sở Tài Chính – Vật giá lập dự trù kinh phí phòng chống bệnh dại trong năm 1998 và các năm tiếp theo, trình UBND tỉnh phê duyệt.

e- Sở Giáo dục Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ có trách nhiệm phối hợp thực hiện các chương trình: giáo dục cộng đồng về kiến thức phòng ngừa bệnh dại cho nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ tác hại của bệnh, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, các quy định của Nhà nước và của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bệnh dại; kết hợp với chương trình giáo dục sức khỏe nhân dân trong học đường về phòng ngừa bệnh dại cho các con em học sinh.

f- Ngành Công an phối hợp với các ngành y tế, Nông nghiệp & phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giải quyết khiếu nại về chó cắn người, mời giáo dục làm cam kết và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông do chó và các loại gia súc, gia cầm khác gây ra.

g- Chủ tịch UBND các cấp trong tỉnh lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dại của cấp mình để phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt chương trình phòng chống bệnh dại tại địa phương; tiêm phòng cho tất cả cho nuôi theo kế hoạch chung của tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất việc chó cắn người, phấn đấu không để có trường hợp bệnh dại xảy ra trên địa bàn ở đô thị cũng như vùng nông thôn.

4. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp & PTNT, Y tế, Giáo dục – Đào tạo, Công an, Tài chính - Vật giá, văn hóa – thông tin chịu trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh các phần việc của mình.

UBND tỉnh xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, vì vậy các cấp các ngành và nhân dân trong tỉnh phải tập trung thực hiện cho bằng được, phải đặc sức khỏe và cuộc sống của cộng đồng lên trên hết.

 


Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ (HN-TP.HCM).
- Thường trực Tỉnh Uỷ.
- Thường trực HĐND tỉnh.
- Thường trực UBND tỉnh.
- Các Sở ban ngành đoàn thể trong tỉnh.
- UBND các huyện, thị.
- Lưu VP.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Việt