Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ XĂNG DẦU

Xăng dầu là loại nhiên liệu có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế được sử dụng trong nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, trong các cơ quan nhà nước, trong đời sống sinh hoạt của nhân dân. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, mức tiêu thụ xăng dầu ở nước ta ngày càng tăng nhanh. Hầu hết các sản phẩm xăng dầu phục vụ cho nhu cầu kinh tế xã hội của nước ta đều phải nhập khẩu; hàng năm nhà nước phải dành một lượng ngoại tệ khá lớn cho nhập khẩu xăng dầu, nhằm đáp ứng và bảo đảm ổn định việc cung ứng xăng dầu cho các nhu cầu của toàn xã hội. Thị trường xăng dầu thế giới luôn có những diễn biến phức tạp, giá cả không ổn định rất dễ gây tác động không tốt đến việc duy trì ổn định phát triển kinh tế - xã hội đất nước; việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt là vấn đề thực sự có ý nghĩa rất quan trọng, tác động tích cực trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Chỉ thị số 29/2001/CT-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bước đầu đã có nhiều biện pháp cụ thể để tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu, mặc dù vậy, tình trạng một số đơn vị, cơ quan, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng xăng dầu lãng phí vẫn còn phổ biến, gây lãng phí ngân sách, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do Thủ trưởng, chính quyền các ngành, các cấp chưa nhận thức một cách đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu, chưa kiên quyết thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, nhất là chưa thực sự gương mẫu, chấp hành các quy định về sử dụng xe công vụ, tổ chức lại sản xuất - kinh doanh và tổ chức, phát triển các phương tiện giao thông công cộng một cách có hiệu quả.

Để góp phần tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, khắc phục tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng xăng dầu và nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị quân đội, công an nhân dân, sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp khác, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình, phải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉnh chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng xăng dầu, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện chủ trương này.

2. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, các tổ chức kinh tế - xã hội phải tăng cường quản lý và rà soát việc thực hiện các quy định về chế độ sử dụng các loại xe ô tô công vụ theo Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu trong sử dụng các phương tiện vận tải của các cơ quan nhà nước, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước. Nghiêm cấm việc sử dụng xe công vào việc riêng trái với quy định. Đối với những cá nhân vi phạm, ngoài việc bị kiểm điểm, phải bồi hoàn chi phí xăng xe đã sử dụng sai. Thực hiện tiết kiệm khi sử dụng xe đi công tác : giảm số lượng xe, sử dụng chung xe khi đi nhiều người hoặc sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng khi không cần thiết phải đi xe riêng. Xây dựng các định mức tiết kiệm, giao chỉ tiêu tiết kiệm và quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật về sử dụng xăng xe. Thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lãng phí xăng, xe trong cơ quan.

Các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương và địa phương phải chấp hành nghiêm những nội dung quy định về tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước tại Quy định số 60/QĐ-TW ngày 11 tháng 02 năm 2003 của Bộ Chính trị; giảm bớt hội họp, giao lưu không thiết thực giữa các tổ chức, đơn vị, các hoạt động phô trương hình thức, như khởi công, khánh thành, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua.

3. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phải có các biện pháp cụ thể tiết kiệm xăng dầu, phải coi việc tiết kiệm tiêu dùng xăng dầu là một trong các nội dung công việc của việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh để giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần giảm tiêu thụ xăng dầu chung. Phải xây dựng các định mức tiêu thụ xăng dầu, định mức tiết kiệm xăng dầu trong các công đoạn sản xuất, các hoạt động có sử dụng xăng dầu theo quy định hiện hành, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; giám đốc các doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lãng phí xăng dầu trong doanh nghiệp, nhất là trong sử dụng xăng xe đi lại, giao dịch của cán bộ, nhân viên.

4. Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp phải tập trung chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm xăng dầu trong vận chuyển hành khách, đi lại của nhân dân, kết hợp với chủ trương và các giải pháp chống ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông; cần khẩn trương và kiên quyết tổ chức thực hiện các quy định, các giải pháp đồng bộ trong việc tổ chức giao thông, đặc biệt đối với các thành phố, thị xã và hệ thống đường quốc lộ; chú trọng và ưu tiên thực hiện các biện pháp phát triển các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, các biện pháp hạn chế việc gia tăng số lượng xe máy và các loại phương tiện cá nhân có động cơ khác.

5. Bộ Thương mại chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí lưu thông trong kinh doanh xăng dầu theo Quyết định số 42/2000/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ; rà soát lại các chỉ tiêu, định mức kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, lưu thông và dự trữ xăng dầu để giảm hao hụt trong các khâu này; chỉ đạo việc cung ứng xăng dầu bảo đảm thường xuyên, liên tục, theo dõi và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ xăng dầu.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Thương mại rà soát lại quy hoạch phát triển mạng lưới các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kiểm tra việc thực hiện theo quy hoạch. Kiên quyết loại bỏ các cửa hàng, điểm bán xăng dầu xây dựng không theo quy hoạch, xây dựng trái phép hoặc không bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định hiện hành, đặc biệt là các điều kiện về phòng cháy nổ và bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm không để tồn tại kéo dài.

7. Bộ Tài chính xây dựng, ban hành định mức hàng năm về tiết kiệm và định mức sử dụng xăng dầu, tiết kiệm sử dụng xe ô tô trong điều kiện bình thường ở các cơ quan nhà nước, các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng các chỉ tiêu, hạn mức sử dụng xăng dầu trong các trường hợp đặc biệt để ban hành khi cần thiết; xây dựng chế tài thưởng, phạt trong quản lý sử dụng xăng dầu.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm xăng dầu gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 12 hàng năm.

8. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm quán triệt đến tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và chủ trương thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí nói chung theo Chỉ thị số 29/2001/CT-TTg ngày 30 tháng 11 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí xăng dầu nói riêng theo Chỉ thị này. Kịp thời phản ánh tình hình thực hiện, biểu dương những cơ quan, đơn vị chấp hành tốt, phê phán các cơ quan, đơn vị và cá nhân chấp hành không nghiêm túc.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)