Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2004/CT-BTS

Hà Nội, ngày 07 tháng 06 năm 2004 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH KẾ TOÁN TẠI CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP TRỰC THUỘC BỘ THUỶ SẢN

Trong những năm qua tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ đã có tiến bộ. Việc chấp hành chế độ, chính sách trong công tác quản lý tài chính dần đi vào nề nếp. Việc triển khai chế độ tài chính áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP đã thu được kết quả bước đầu. Thu phí, lệ phí và thực hiện nộp ngân sách tại các đơn vị sự nghiệp đạt kết quả tương đối tốt, tiền lương của công chức, viên chức tại một số đơn vị đã được cải thiện. Chế độ kế toán, thống kê, báo cáo, lập sổ sách, chứng từ, lưu trữ hồ sơ kế toán có tiến bộ.

Tuy nhiên, công tác quản lý tài chính tại hầu hết các đơn vị còn hạn chế. Việc lập, giao kế hoạch, dự toán ngân sách hàng năm chưa đáp ứng đúng tiến độ thời gian quy định, chưa thực hiện tốt việc lập dự toán trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong từng kỳ kế hoạch dẫn đến tình trạng sử dụng các nguồn ngân sách kém hiệu quả ở một số lĩnh vực và một số đơn vị; kinh phí chưa quyết toán tồn đọng lớn, kéo dài nhiều năm, chưa xây dựng qui chế chi từ nguồn thu phí, lệ phí, học phí được để lại đơn vị. Nhiều khối lượng vốn đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành chưa được quyết toán. Một số dự án ODA đã triển khai nhiều năm nhưng không thực hiện xác nhận viện trợ, không quyết toán ngân sách...

Nguyên nhân của tình hình trên là do nhận thức về Luật Ngân sách, Luật Kế toán và việc thực hiện chế độ, chính sách tài chính của Thủ trưởng và cán bộ kế toán ở các đơn vị chưa thật sâu sắc, chưa đầy đủ. Việc quản lý chi ngân sách tại một vài đơn vị còn biểu hiện chưa thật chặt chẽ, thiếu Quy chế quản lý thu, chi. Vai trò quản lý nhà nước của các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng còn hạn chế; chưa có qui chế quản lý tài chính của cơ quan Bộ Thuỷ sản, chưa quy định quy trình quản lý thu, chi ngân sách từ khâu thẩm định, giao nhiệm vụ, kế hoạch đến giao dự toán ngân sách và triển khai, nghiệm thu kết quả thực hiện; thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Vụ chức năng, giữa các đơn vị quản lý nhà nước với các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Mặt khác, một số vướng mắc về chế độ, chính sách trong quá trình thực hiện thu, chi ngân sách chưa được các cơ quan chức năng quan tâm tháo gỡ, giải quyết kịp thời, trong khi hệ thống chế độ chính sách tài chính luôn thay đổi và chưa đồng bộ.

Để chấn chỉnh công tác quản lý tài chính kế toán, thực hiện nghiêm Luật Ngân sách, Luật Kế toán và các chính sách chế độ tài chính, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước tại đơn vị, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản chỉ thị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có sử dụng kinh phí ngân sách phải thực hiện tốt các yêu cầu sau đây:

1. Các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch, lập dự toán thu, chi ngân sách đúng tiến độ kế hoạch hàng năm, kế hoạch và dự toán thu, chi phải bám sát tình hình thực tiễn, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung ngân sách giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc nhất; triển khai thực hiện dự toán được duyệt, chấp hành chế độ quyết toán ngân sách định kỳ theo đúng quy định của Luật ngân sách. Phải kiện toàn và tăng cường năng lực cán bộ làm công tác Tài chính Kế toán. Thực hiện thu, chi có hiệu quả và tiết kiệm nguồn ngân sách hàng năm.

2. Các Vụ theo chức năng nhiệm vụ phải tăng cường sự phối hợp, quản lý đối với các đơn vị thụ hưởng ngân sách. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị thực hiện đúng về chủ trương, biện pháp tổ chức thực hiện dự toán ngân sách hàng năm . Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật và phối hợp các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung về chế độ, chính sách trong quá trình thực hiện thu, chi ngân sách phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện Luật Ngân sách và công tác quản lý tài chính tại các đơn vị.

3. Văn phòng Bộ Thuỷ sản cần nghiên cứu xây dựng các định mức chi hành chính về văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe công tác, điện nước sinh hoạt, chế độ chi tiêu, tiếp khách, công tác phí ... để tiết kiệm chi, chủ động trong việc cân đối ngân sách, đảm bảo trang trải kinh phí cho các hoạt động thiết yếu phục vụ bộ máy cơ quan Bộ Thuỷ sản.

4. Cục Quản lý chất lượng, An toàn vệ sinh và Thú y thuỷ sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh đề án hoạt động đối với các đơn vị trực thuộc; nghiên cứu và xây dựng Quy chế tài chính áp dụng đúng với loại hình đơn vị.

5. Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia cần nghiên cứu, xây dựng quy trình tuyển chọn, xét duyệt đối với các dự án chuyển giao, nhập công nghệ để phù hợp và đáp ứng được tiến độ giao dự toán và quyết toán NSNN hàng năm. Xây dựng, trình Bộ phê chuẩn các định mức kinh tế kỹ thuật trong thực hiện công tác khuyến ngư thường xuyên; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khuyến ngư giống thuỷ sản.

6. Các Trường trung học Thuỷ sản cần xây dựng kế hoạch thực hiện tốt công tác tuyển sinh hàng năm theo đúng các ngành nghề đào tạo phù hợp với định hướng phát triển nhân lực ngành thuỷ sản. Xây dựng quy chế thu, chi học phí [1] 73;ể tạo nguồn chi hiệu quả, nâng cao chất lượng đào tạo. Chấm dứt tình trạng bố trí giáo viên giảng dạy vượt quá nhiều giờ so với chế độ quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo, thực hiện nghiêm Luật Lao động.

7. Các Viện, Trung tâm nghiên cứu nghiêm túc rà soát nội dung, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đã được giao theo đúng định hướng của Chương trình khoa học công nghệ đến 2010 và lộ trình 2020. Xây dựng kế hoạch lập dự toán, chấp hành đúng chế độ kế toán tài chính đối với các đề tài KHCN, bảo đảm thực hiện tốt Luật Khoa học Công nghệ và Luật Ngân sách. Chấm dứt tình trạng tồn đọng kéo dài đối với việc triển khai nghiên cứu, nghiệm thu và quyết toán ngân sách.

8. Vụ Khoa học Công nghệ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp giải quyết dứt điểm các đề tài, dự án tồn đọng chưa quyết toán qua nhiều năm. Chỉ đạo, hướng dẫn các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học, Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, phối hợp cùng các Vụ chức năng nghiên cứu, đề xuất chế độ công tác phí, phụ cấp nghề nghiệp cho cán bộ nghiên cứu khoa học và người lao động trong ngành thuỷ sản khi tham gia nghiên cứu, lao động dài ngày trên biển, vùng sâu, vùng xa, chế độ thực hiện các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xây dựng quy trình, lịch trình giao kế hoạch, nhiệm vụ KHCN, thẩm định đề tài, dự án, theo dõi kiểm tra điều chỉnh kế hoạch, nghiệm thu kết quả theo đúng kỳ kế hoạch hàng năm.

9. Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm rà soát, kiểm tra năng lực đội ngũ Kế toán ở tất cả các đơn vị. Nghiên cứu, đề xuất bổ sung cán bộ, tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý Tài chính Kế toán từ Bộ đến các đơn vị; quy định và hướng dẫn đối với các Trường trong việc chuẩn hoá giáo trình giảng dạy; đầu tư tăng cường thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy theo đúng quy định; kiểm tra, hướng dẫn việc bố trí giáo viên, thuê hợp đồng lao động để khắc phục tình trạng dạy vượt quá nhiều giờ của giáo viên để đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy, chấp hành tốt Luật lao động.

10. Vụ Hợp tác quốc tế có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các dự án sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại thực hiện tốt Quy chế quản lý các dự án của ngành thuỷ sản có nguồn kinh phí từ bên ngoài nước (ban hành theo Quyết định số 676/1999/QĐ/BTS ngày 1/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản); chủ động xây dựng kế hoạch đoàn ra hàng năm theo đúng kế hoạch, theo yêu cầu hội nhập, bảo đảm tiết kiệm cho ngân sách và phối hợp với Văn phòng Bộ trong triển khai thực hiện.

11. Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp cùng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị, tập trung kiện toàn bộ máy nhân sự kế toán tại các đơn vị; bổ sung cán bộ quản lý tài chính tại cơ quan Bộ; chủ trì xây dựng Quy chế quản lý thu, chi ngân sách trong ngành Thuỷ sản. Nghiên cứu mở tài khoản chuyên thu của Bộ theo quy định. Nghiên cứu, trình Bộ trưởng về việc giao thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu theo đúng quy định của Luật pháp và phù hợp với thực tế hoạt động của đơn vị; xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cơ chế lập kế hoạch, dự toán, giao kế hoạch, dự toán, giám sát thực hiện và thẩm tra quyết toán hàng năm.

Đôn đốc và đề xuất biện pháp trình Bộ trưởng xử lý dứt điểm đối với các đơn vị không thực hiện tốt việc quyết toán vốn đầu tư XDCB. Từ năm 2005, kiên quyết không giao nhiệm vụ kế hoạch tài chính cho các đơn vị yếu kém về quản lý tài chính kế toán, không hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm trước, không quyết toán được các khoản mục chi ngân sách mà không có lý do chính đáng.

12. Thanh tra Bộ có kế hoạch thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Ngân sách và công tác Tài chính kế toán tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ Thuỷ sản.

Yêu cầu Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các Chương trình, Dự án, các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Vụ Kế hoạch Tài chính có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị và báo cáo Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản tình hình thực hiện Chỉ thị này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN




Tạ Quang Ngọc