Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK LĂK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/2004/CT-UB

Buôn Ma Thuột, ngày 19 tháng 3 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC PHÒNG TƯ PHÁP, CÁC BAN TƯ PHÁP

Trong những năm gần đây, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ, hệ thống các cơ quan chuyên môn và đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền các cấp trong toàn tỉnh đã từng bước được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, các cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã (Phòng Tư pháp ở cấp huyện và Ban Tư pháp ở cấp xã) đã có những bước chuyển biến đáng kể về tổ chức và hoạt động, nhất là từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 “về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” và Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19/3/2002 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Hiện nay, Phòng Tư pháp của 13 huyện và thành phố Buôn Ma Thuột có tổng số 44 cán bộ, công chức (mỗi phòng có từ 3 - 5 biên chế), với 31 người có trình độ cử nhân luật; 156/163 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có Ban Tư pháp, có 156 cán bộ chuyên trách Tư pháp - Hộ tịch (trong đó, 121 người đã được đào tạo chuyên môn từ trung cấp luật trở lên). Thời gian qua, nhìn chung hầu hết các Phòng Tư pháp và đa số Ban Tư pháp đã bảo đảm duy trì hoạt động, triển khai các nhiệm vụ công tác và đạt được những kết quả nhất định trong một số lĩnh vực công tác như chứng thực, quản lý hộ tịch, tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Các cơ quan chuyên môn này đã tham mưu, giúp cho UBND cùng cấp thực hiện tương đối tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác tư pháp ở địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tổ chức và hoạt động của các cơ quan này vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém và thực sự chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới.

Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác tư pháp, mặc dù Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 77/2002/QĐ-UB ngày 29/5/2002 “về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp” và Sở Tư pháp cũng đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện một cách tổng thể và tương đối toàn diện; trong quá trình triển khai cũng đã đề ra những giải pháp cần thiết, phù hợp nhưng kết quả thu được còn hạn chế, chưa tạo ra những chuyển biến tích cực trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp các cấp. Để đẩy mạnh củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp cấp huyện, cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10/2002/CT-TTg ngày 19/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Tư pháp.

- Trên cơ sở rà soát, đánh giá về thực trạng tổ chức và hoạt động của Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp; căn cứ vào các quy định của pháp luật về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp địa phương và những điều kiện đặc thù của tỉnh, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định về cơ cấu tổ chức, biên chế của Phòng Tư pháp cấp huyện và mô hình cơ cấu thành viên của Ban Tư pháp cấp xã.

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh mô hình tổ chức của Ban Tư pháp cấp xã theo quy định chung (về thủ tục thành lập, thành lập lại, bố trí cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn), đảm bảo hoàn thành trước quý II năm 2004.

- Phối hợp với Sở Nội vụ và UBND cấp huyện tiếp tục triển khai kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ chính quyền cấp xã, trong đó chú trọng đến cán bộ làm công tác Tư pháp (tài liệu tập huấn từng chuyên đề do Sở Tư pháp biên soạn, in ấn và phát hành). Kết thúc mỗi khoá học tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

- Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo các Phòng Tư pháp triển khai và duy trì đều đặn chế độ giao ban công tác Tư pháp cấp xã hàng tháng; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra hoạt động Tư pháp cấp xã để thông qua đó nắm bắt những thông tin về tình hình hoạt động, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh những vướng mắc, lệch lạc phát sinh từ cơ sở.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hoặc chủ động ban hành theo thẩm quyền những quy trình, thủ tục giải quyết công việc chuyên môn (về thẩm định, kiểm tra, ban hành, rà soát văn bản quy phạm pháp luật; chứng thực; hộ tịch; thi hành án...) nhằm cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả công tác tư pháp ở địa phương.

2. Sở Nội vụ.

- Căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương về định mức biên chế hành chính trong các cơ quan, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt việc phân bổ biên chế hành chính cho các huyện, thành phố để các địa phương này bố trí đủ biên chế cho các Phòng Tư pháp bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Chủ trì phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, Sở Tư pháp khẩn trương mở lớp Trung cấp Luật tại chức theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2002 nhằm đào tạo nguồn cán bộ tư pháp cấp xã, đảm bảo đến năm 2005 toàn tỉnh có 100% cán bộ chuyên trách Tư pháp - Hộ tịch có trình độ chuyên môn từ trung cấp luật trở lên.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ Phòng Tư pháp theo hướng: đảm bảo đủ số lượng cán bộ và các chức danh lãnh đạo còn thiếu; đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Kiên quyết thay thế các chức danh Trưởng, Phó trưởng Phòng Tư pháp yếu kém về trình độ, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ. Trước khi thực hiện luân chuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo phải có ý kiến trao đổi, thoả thuận của Sở Tư pháp và Sở Nội vụ.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp và các ngành hữu quan trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện củng cố, kiện toàn Ban Tư pháp cấp xã theo mô hình mỗi Ban Tư pháp có từ 05 đến 07 thành viên (do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND làm trưởng ban, cán bộ chuyên trách Tư pháp - Hộ tịch làm phó ban); ngoài biên chế chuyên trách, tuỳ theo điều kiện, khối lượng công việc cụ thể của từng địa phương có thể sử dụng cán bộ hợp đồng làm công tác tư pháp trên cơ sở cân đối từ nguồn ngân sách địa phương để chi trả. Đồng thời phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương.

- Trên cơ sở các quy định của Nhà nước và khả năng, tình hình thực tế của địa phương mình, quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ các hoạt động tư pháp ở địa phương; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ tư pháp ở cơ sở. Đối với cán bộ kiêm nhiệm của Ban Tư pháp cấp xã, hoà giải viên, các địa phương cần hỗ trợ một phần kinh phí để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức hoà giải ở cơ sở, trong đó chú trọng việc xây dựng các tổ hoà giải ở những nơi chưa được thành lập hoặc ở những cụm dân cư mới tách lập, gắn với việc kiện toàn, củng cố những tổ hoà giải hoạt động kém hiệu quả.

4. Trường Chính trị tỉnh.

- Có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị hữu quan xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh; đồng thời, khẩn trương mở lớp đào tạo nguồn cán bộ tư pháp cấp xã (chậm nhất đến đầu quý III năm 2004 phải khai giảng).

5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu Tư.

- Có trách nhiệm đảm bảo cân đối ngân sách, kịp thời bố trí kinh phí cho các chương trình, kế hoạch hoạt động nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị này.

6. Tổ chức thực hiện.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được giao khẩn trương, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này.

Giám đốc Sở Tư pháp chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo và đề xuất ý kiến với Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh các giải pháp chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ; (thay báo cáo)
- TT HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành: Tư pháp, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Trường Chính trị tỉnh; (thực hiện)
- Huyện uỷ, Thành uỷ, HĐND và UBND
các huyện, thành phố Buôn Ma Thuột;
- Lưu VP, VT, NC.

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK LĂK




Nguyễn Văn Lạng