Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2011/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 15 tháng 6 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2011.

Để chủ động và có các giải pháp đồng bộ, hiệu qủa trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) năm 2011, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tổ chức tổng kết, đánh gía, rút kinh nghiệm công tác PCLB và TKCN năm 2010 và những năm trước đây để xây dựng và hoàn thiện phương án, kế họach phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2011 sát với thực tế, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương và diễn biến của thiên tai.

2. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, các ngành; phân công rõ trách nhiệm từng thành viên; quy định rõ cơ chế phối hợp để điều hành công tác PCLB và TKCN tại địa phương đạt được hiệu quả cao nhất.

3. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Triển khai có hiệu quả chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. Nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, tránh tư tưởng chủ quan, xem nhẹ công tác PCLB và TKCN.

4. UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt.

a) Có phương án, kế hoạch cụ thể để di dời dân ở vùng trũng thấp, vùng bị chia cắt, bị ngập lụt, sạt lở, lũ quét …ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi thiên tai xảy ra.Thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ Nông nghiệp và PTNT và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa mưa bão.

b) Tổ chức dự phòng lương thực, thuốc men, cây, con giống; hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng cứu trợ, hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân (đặc biệt là các gia đình chính sách, các hộ nghèo), phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi có lũ, bão, úng ngập, thiên tai.

c) Các địa phương thường xuyên bị ngập lụt phải chủ động bố trí cơ cấu cây trồng, sản xuất mùa vụ thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão. Có biện pháp đối phó khi xảy ra ngập lụt lớn; kiểm tra, chuẩn bị và bổ sung thêm các phương tiện ứng cứu, cứu hộ để sử dụng khi cần thiết.

Chủ động các phương án để bảo đảm chương trình dạy và học của năm học khi xảy ra lũ lụt.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh).

a) Chủ trì phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đốc đốc thực hiện phương án PCLB, phương án đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, đặc biệt là các đập hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện có dung tích lớn.

b) Rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc lập và thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh; đối với các hồ chứa nước chưa có quy trình vận hành hoặc có quy trình vận hành nhưng chưa phù hợp thì kịp thời yêu cầu các chủ công trình sửa đổi bổ sung, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước mùa mưa bão, lũ lụt.

c) Tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, xử lý hư hỏng công trình hạ tầng, hồ đập đảm bảo chất lượng và tiến độ; thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ đập để chỉ đạo hoặc báo cáo đề xuất cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố.

6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh).

Xây dựng các phương án, kế họach bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn khi cần thiết, phù hợp với các tình huống; tổ chức diễn tập, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng TKCN của các ngành, địa phương để ứng cứu, cứu hộ các công trình hạ tầng, hồ đập khi có sự cố xảy ra và cứu nạn.

7. Công an tỉnh.

Kiểm tra, chuẩn bị các phương tiện, thiết bị ứng cứu, cứu hộ hiện có; bố trí lực lượng, sẵn sàng phối hợp với lực lượng TKCN của các ngành, địa phương tham gia cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả kịp thời và có hiệu qủa. Đảm bảo an toàn, an ninh trật tự xã hội, ổn định tình hình tại nhưng nơi có thiên tai xảy ra. Chú ý công tác bảo vệ các công trình trọng điểm trong mùa mưa bão.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Theo dõi sát diễn biến về lụt, bão, thiên tai, nắm chắc tình hình thiếu đói của nhân dân trong vùng bị thiệt hại. Phối hợp với sở Tài chính và các ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh quyết định các biện pháp cứu trợ kịp thời nhằm ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra tình trạng nhân dân trong vùng bị thiên tai thiếu đói.

9. Sở Xây dựng.

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra các công trình nhà cửa, trường học, kho tàng, bến bãi, những công trình xây dựng đang thi công dở dang; cảnh báo đề phòng tình trạng đổ giàn giáo, sạt ta luy, sạt lở đất, hư hỏng nhà cửa gây tai nạn.

10. Sở Giao thông vận tải.

Chỉ đạo kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các đoạn đường đèo, cầu cống thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm sóat hoạt động của các bến đò ngang; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực xảy ra ngập lụt lớn; cắm bổ sung biển báo tại các tuyến đường nguy hiểm, nơi thường bị ngập sâu để cảnh báo, hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

11. Sở Y tế.

Chuẩn bị đủ cơ số thuốc phòng trừ, dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị cần thiết để đáp ứng nhu cầu cứu thương, vệ sinh, phòng dịch và khắc phục hậu qủa thiên tai.

12. Sở Thông tin và Truyền thông.

Chỉ đạo các doanh nghiệp Viễn thông kiểm tra các công trình hạ tầng viễn thông; đồng thời chủ động có phương án dự phòng để đảm bảo cho mạng thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tiếp nhận xử lý thông tin trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn được thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt là khi có thiên tai, lụt, bão đang xảy ra.

13. Sở Tài nguyên và Môi trường.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức ứng phó, khắc phục kịp thời ảnh hưởng môi trường do thiên tai gây ra.

14. Sở Công Thương.

Phối hợp với các địa phương chủ động tổ chức việc cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cần thiết như: lương thực, mì ăn liền, nước uống đóng chai, dầu thắp; đặc biệt chú ý đến địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, vùng có nguy cơ bị chia cắt khi có lũ lụt, lũ quét, gián đoạn giao thông do thiên tai gây ra.

Kịp thời phối hợp Sở Tài chính và các địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát và thực hiện các biện pháp để bình ổn giá; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, lũ lụt để đầu cơ, tăng giá bán vật tư, hàng hoá, gây thêm khó khăn cho nhân dân vùng thiên tai lũ lụt.

15. Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các Ban quản lý rừng, các lâm trường và các địa phương tổ chức kiểm tra, đề xuất việc tỉa cành, chặt cây để đảm bảo an toàn cho đường dây tải điện. Kiểm tra, bảo vệ hệ thống truyền tải, thiết bị điện, trạm biến thế; xử lý khắc phục nhanh sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục và an toàn điện.

16. Các đơn vị Quản lý khai thác công trình thủy lợi.

Kiểm tra thường xuyên các công trình, nhất là các hạng mục công trình xung yếu trong mùa mưa lũ; kịp thời bổ sung vật tư dự phòng tại các công trình trọng điểm để sử dụng khi có sự cố công trình xảy ra. Xây dựng phương án chống lũ cho các hồ chứa nước có dung tích lớn và các hồ có nguy cơ mất an toàn.

17. Các Nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh.

Có phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa, kiểm tra các hạng mục công trình nhất là các thiết bị nâng hạ cửa van, cửa tràn xả lũ. Chuẩn bị lực lượng, dự trữ vật tư, thiết bị, phương tiện sẵn sàng cứu hộ công trình khi có sự cố, thiên tai xảy ra. Khi có kế hoạch xả lũ phải thông báo trước cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, Ban chỉ huy PCLB các địa phương liên quan biết để chủ động phòng tránh và kịp thời chỉ đạo xử lý khi có tình huống xấu xảy ra.

Rà soát công tác chuẩn bị và thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa, đảm bảo tham gia điều tiết phòng, chống lũ cho hạ lưu và an toàn công trình trong mọi tình huống.

18. Trung tâm Khí tượng thủy văn Lâm Đồng.

Phối hợp với Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm; cung cấp thường xuyên, kịp thời mọi thông tin về diễn biến của mưa, lũ, áp thấp nhiệt đới, bão về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh để chỉ đạo xử lý kịp thời.

19. Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng.

Phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh và các cơ quan liên quan kịp thời đưa tin chính xác tình hình diễn biến của thiên tai, bão lũ và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đến các ngành, địa phương để triển khai các biện pháp, phòng, chống thiên tai, lụt bão kịp thời và có hiệu qủa.

20. Các sở, ban, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện tốt công tác PCLB và TKCN trong phạm vi của sở, ngành mình; sẵn sàng phối hợp tham gia công tác PCLB và TKCN theo yêu cầu chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và Trưởng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa