Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/BYT-CT

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ HÀNH NGHỀ Y, DƯỢC TƯ NHÂN

Ngày 30 tháng 9 năm 1993 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh hành nghề y được tư nhân cho phép người có đủ tiêu chuẩn và điều kiện được hành nghề y, dược tư nhân. Trong thời gian qua, việc hành nghề y, dược tư nhân đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong khám bệnh, chữa bệnh, cung ứng thuốc góp phần tích cực trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, việc kiểm tra thanh tra chưa làm thường xuyên và chặt chẽ nên nhiều trường hợp vi phạm pháp luật chưa được phát hiện và xử lý nghiêm minh như hành nghề, quảng cáo quá khả năng chuyên môn; hành nghề không có giấy phép, vi phạm quy chế chuyên môn, thuốc giả tuy có giảm nhưng thuốc kém phẩm chất, thuốc nhập lậu vẫn lưu hành trên thị trường làm ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng người bệnh.

Để thực hiện nghiêm chỉnh Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân và bảo đảm an toàn sức khoẻ nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị các giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay các yêu cầu sau:

1. Tăng cường và củng cố bộ phận chuyên trách để quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trong địa bàn của tỉnh.

2. Chấn chỉnh việc tổ chức xét duyệt cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện thành lập cơ sở hành nghề y dược tư nhân theo đúng quy định của pháp luật.

3. Tổ chức cho người hành nghề y dược tư nhân học tập các quy định của pháp luật về hành nghề y dược tư nhân và những quy định về chuyên môn kỹ thuật y dược, những kiến thức mới về y học để những người hành nghề tự giác thực hiện đồng thời nâng cao kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của y học Việt Nam cũng như y học thế giới.

4. Tổ chức, hướng dẫn cho các cơ sở hành nghề y dược tư nhân tham gia công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, cùng với ngành y tế thực hiện tốt chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân từ nay đến năm 2000 và 2020.

5. Tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra hành nghề y dược tư nhân. Tổ chức thanh tra chuyên ngành y tế ở các địa phương phải được kiện toàn đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để hoạt động. Từ tháng 7/1996 đến hết năm 1996, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tiến hành kiểm tra, thanh tra để củng cố trật tự kỷ cương trong lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân. Đặc biệt chú trọng việc lập lại trật tự thị trường thuốc kể cả thuốc y học cổ truyền, loại trừ thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc quá hạn dùng, thuốc nhập lậu, thuốc không được phép lưu hành. Kiên quyết xử lý những cơ sở hành nghề y, dược tư nhân bất hợp pháp, những người hành nghề vi phạm pháp luật đồng thời cũng biểu dương những người có thành tích chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Kế hoạch kiểm tra, thanh tra được tiến hành như sau:

5.1 Bộ y tế thành lập Ban chỉ đạo do Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng Ban và mời các Bộ, cơ quan có liên quan tham gia.

5.2 ở địa phương, Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch hành động và trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Sở Y tế là thường trực của ban cùng với sự tham gia của các Ban, ngành có liên quan.

5.3 Kinh phí chi cho hoạt động kiểm tra, thanh tra hành nghề y dược tư nhân sẽ được trích từ các nguồn sau:

- Từ nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước được bố trí trong kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm. Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá để trình Chủ tịch Uỷ an nhân dân tỉnh quyết định.

- Nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định của Liên Bộ Tài chính - Y tế.

5.4 Từ 15/7/1996 đến hết tháng 8/1996 Bộ Y tế sẽ chỉ đạo làm điểm ở 2 thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sau đó sơ kết rút kinh nghiệm để tổ chức kiểm tra, thanh tra trong phạm vi cả nước.

5.5 Nội dung kiểm tra, thanh tra thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nhận được Chỉ thị này, Giám đốc Sở Y tế phải có kế hoạch tổ chức triển khai ngay và định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về Bộ.

 

 

Đỗ Nguyên Phương

(Đã ký)