Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 05 tháng 4 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI LOẠI HÌNH KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG, THỨC ĂN ĐƯỜNG PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã được cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương như: Kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán 2023, Kế hoạch hậu kiểm về ATTP, Kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 178-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP năm 2023 và các văn bản liên quan. Qua đó, các Sở, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện hiệu quả và bước đầu đạt kết quả: tỷ lệ cơ sở được thanh tra, kiểm tra đạt yêu cầu tăng ở mức đáng kể (trên 90%), số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP chiếm tỷ lệ cao (trên 85% vượt chỉ tiêu kế hoạch giao), tỷ lệ mẫu thực phẩm bị ô nhiễm được phát hiện trong các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát giảm đáng kể (chỉ còn 6,2% trên tổng số mẫu được lấy phân tích), công tác tuyên truyền về ATTP cũng được cấp cấp, ngành đặc biệt quan tâm và triển khai thường xuyên trên các hệ thống thông tin nhằm nâng cao kiến thức, hiểu biết của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được thì vấn đề đảm bảo ATTP vẫn còn nhiều hạn chế: vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố sử dụng các loại thực phẩm đông lạnh, các nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc, xuất xứ không bảo đảm vệ sinh ATTP; điều kiện cơ sở vật chất của một số cơ sở chưa bảo đảm, tình trạng xả rác ngay dưới bàn ăn, nền tại khu vực kinh doanh còn đọng nước gây mất mỹ quan, mất ATTP. Mặt khác tỷ lệ xử lý đối với các cơ sở vi phạm tại các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn còn thấp; công tác quản lý, tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các dịch vụ cung cấp suất ăn lưu động thực hiện chưa thường xuyên, ... Đây là nguyên nhân và nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, đồng thời ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch của địa phương.

Để tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, đồng thời tạo mỹ quan đường phố, thu hút khách du lịch,

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Các Sở, ngành và địa phương tập trung hành động quyết liệt, kiên trì, đồng bộ với tinh thần chủ động phòng ngừa ngay từ đầu, phải xác định nhiệm vụ bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là rất quan trọng; chú trọng triển khai thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng và góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp về văn hóa ẩm thực địa phương nhằm tạo ấn tượng tốt để thu hút du khách đến Tỉnh; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện trách nhiệm được giao. Chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý cố tình bao che cho các hành vi vi phạm của các cơ sở thực phẩm, làm giảm lòng tin trong Nhân dân.

2. Sở Y tế:

a) Rà soát tham mưu các Chương trình, Kế hoạch bảo đảm ATTP theo chức năng nhiệm vụ; hướng dẫn chi tiết việc thực hiện bảo đảm ATTP trong cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật liên quan và tình hình thực tế của địa phương.

b) Chủ trì, phối hợp cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức như làm phóng sự, bản tin…và chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ có liên quan.

c) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và thông tin kịp thời để cảnh báo cho người dân.

d) Hàng năm tích cực lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời cảnh báo và thông báo kết quả, đề xuất kiểm tra về các địa phương khi phát hiện mẫu thực phẩm không đạt yêu cầu.

đ) Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động tại tuyến huyện, thành phố, kịp thời báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm, nguyên liệu thuộc thẩm quyền quản lý; kiểm soát gắt gao nguồn gốc các loại thịt, cá, sản phẩm đông lạnh, đặc biệt là chân gà, cánh gà đông lạnh không có nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng trước khi cung cấp cho các tiểu thương ở các chợ, các siêu thị, trường học, các quán ăn, thức ăn đường phố; kiểm soát và xử lý nghiêm hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tự phát trong khu dân cư gây mất vệ sinh môi trường, mất vệ sinh ATTP.

4. Sở Công Thương:

a) Đẩy mạnh kiểm soát nguồn thực phẩm kinh doanh tại các chợ thuộc thẩm quyền quản lý. Phối hợp xử lý tình trạng kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc, mất ATTP tại các chợ thuộc thẩm quyền quản lý.

b) Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn.

5. Cục Quản lý thị trường: Phối hợp thực hiện kiểm tra việc buôn bán thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, hết hạn sử dụng không bảo đảm về ATTP; kiểm tra việc niêm yết giá tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bảo đảm bình ổn giá cả thị trường tránh trường hợp nâng giá bất hợp lý đối với khách du lịch trong và ngoài tỉnh; thực hiện tuyên truyền các quy định pháp luật về ATTP để nâng cao ý thức chấp hành của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Chỉ đạo các bộ phận truyền thông thuộc thẩm quyền quản lý dành thời lượng tương xứng, phù hợp để phổ biến kiến thức, quy định pháp luật về ATTP. Kịp thời đưa tin, biểu dương hoặc phản ánh các hoạt động bảo đảm ATTP nhằm cảnh báo cho người dân.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo: Kiểm soát hoạt động kinh doanh ăn uống trong căng tin trường học, tuyệt đối không để tồn tại tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, ẩm mốc và hết hạn sử dụng trong căng tin trường học; Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo, cấp phát thực phẩm miễn phí trong hệ thống trường học.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương trong công tác kiểm tra việc bảo đảm ATTP của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại các điểm có hoạt động du lịch, các di tích lịch sử, lễ hội và các sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh.

9. Công an tỉnh: Phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm soát việc lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường và mất ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; phối hợp kiểm soát các thực phẩm đông lạnh không bảo đảm ATTP vận chuyển và kinh doanh trên thị trường.

10. Đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội: Chỉ đạo phối hợp tham gia triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt là việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về các biện pháp bảo đảm ATTP.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Khẩn trương có biện pháp, phương án tăng cường quản lý công tác ATTP trên địa bàn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các dịch vụ ăn uống lưu động trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở Y tế và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả và đúng quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và các dịch vụ ăn uống lưu động không thực hiện đúng các quy định về ATTP. Riêng đối với thành phố Phan Rang- Tháp Chàm lưu ý quản lý tốt các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống tại khu vực Chùa Ông, Chợ đêm du lịch vì đây là điểm ăn uống phục vụ nhiều du khách ăn tối khi đến Ninh Thuận.

b) Chỉ đạo các Phòng, ban, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền về ATTP nhằm thay đổi tư duy nhận thức trong công tác quản lý để ATTP gắn với sự phát triển, nhất là thu hút khách du lịch; chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo thói quen tốt, chuyển đổi hành vi tích cực đối với chủ cơ sở và cả khách hàng phải thực hiện quy định giữ gìn vệ sinh, ATTP trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nghiêm túc treo bảng quy định vệ sinh ATTP tại nơi dễ nhìn thấy của cơ sở mình như: thu gom rác thải ngay, bảo đảm mặt nền khu vực kinh doanh luôn gọn sạch không có giấy, rác; phải có tủ kính chứa đựng thực phẩm, người ăn uống cần tuân thủ không xả rác dưới nền, không vứt rác bừa bãi và niêm yết giá tại cơ sở tránh tình trạng nâng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp, thu hút đối với khách du lịch.

c) Phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra các thực phẩm đông lạnh như chân gà, cánh gà các loại thịt không bảo đảm chất lượng bày bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn, các cơ sở sản xuất rượu thủ công, các cơ sở sản xuất bún trên địa bàn; chỉ đạo và phối hợp với Công an địa phương kiểm tra trật tự đô thị, kiên quyết đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, không bảo đảm ATTP, vệ sinh môi trường, mỹ quan.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các hoạt động bảo đảm ATTP của tuyến xã, phường, thị trấn; đôn đốc, nhắc nhở và xử lý kịp thời các cán bộ lơ là, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong thực hiện nhiệm vụ tránh tình trạng báo cáo không trung thực gây lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh định kỳ theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND huyện, thành phố;
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Y tế huyện, thành phố;
- Chi cục ATVSTP;
- Chi cục QLCLNLS&TS;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT, VXNV. NNN

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam