BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2005/CT-BXD | Hà Nội, ngày 04 tháng 11 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KHẨN CẤP KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG KHI XẨY RA DỊCH CÚM GIA CẦM (H5N1) VÀ ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC NGÀNH XÂY DỰNG
Trong thời gian gần đây, tình hình dịch cúm gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người đang xẩy ra và diễn biến rất phức tạp ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Để chủ động đối phó với tình hình trên, ngày 15 tháng 10 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xẩy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người nhằm ngăn chặn không để dịch xẩy ra và phòng chống dịch có hiệu quả bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Căn cứ Kế hoạch hành động khẩn cấp khi xảy ra dịch cúm gia cầm và dịch cúm ở người của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm đã được Chính phủ phê duyệt; Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị các đơn vị thuộc Ngành Xây dựng phải chủ động phòng chống dịch bệnh với tinh thần nỗ lực cao nhất, để không xẩy ra dịch bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người; tập trung vào các nhiệm vụ sau:
1. Các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Công đoàn các đơn vị phải xác định việc quán triệt tới mọi cán bộ công nhân viên và người lao động trong đơn vị triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống khi xẩy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt kế hoạch hành động khẩn cấp này.
Công tác tuyên truyền phải tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều hình thức làm cho mọi cán bộ công nhân viên và người lao động nhận thức được mối nguy hiểm của đại dịch cúm do vi rút gia cầm (H5N1) để chủ động cách nhận biết, khai báo bệnh, phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, tránh gây hoang mang nhưng cũng tránh sự chủ quan trong cán bộ công nhân viên và người lao động.
2. Báo Xây dựng, các tạp chí của Bộ và nội san của các đơn vị tập trung đưa tin, tuyên truyền, hướng dẫn để mọi người nhận thức đúng về nguy cơ của dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, tự giác và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả; tuy nhiên việc đưa tin, tuyên truyền, giải thích phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, không được đưa tin theo nhận thức chủ quan, vội vàng, thiếu chính xác.
3. Phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế Ngành, hệ thống phòng dịch cơ sở, y tế địa phương trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh; tập trung vào 4 biện pháp phòng chống chính:
- Phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan và có biện pháp xử lý đúng quy định.
- Tuyệt đối không giết mổ, sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm.
- Khi có người sốt cao liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ quan y tế để khám và điều trị kịp thời.
- Thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh môi trường nơi làm việc của cán bộ công nhân viên chức và người lao động trong đơn vị.
4.Sẵn sàng huy động lao động, phương tiện ... của đơn vị để dập dịch theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm địa phương và Quốc gia hoặc cấp có thẩm quyền.
5. Đối với các đơn vị có bếp ăn tập thể, Thủ trưởng đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra thường xuyên, tuyệt đối không nhập thực phẩm là gia cầm, thuỷ cầm trên thị trường tự do, chưa được kiểm dịch, chưa rõ xuất sứ để chế biến thức ăn phục vụ các bữa ăn chính, ăn phụ, ăn giữa ca hoặc bồi dưỡng cho CNVC lao động.
6. Đối với các công trình trọng điểm, các công trường tập trung lực lượng lớn lao động của nhiều đơn vị thì đơn vị tổng thầu công trình hoặc đơn vị đứng đầu tổ hợp nhà thầu phải thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chung cho toàn công trường với sự tham gia của tất cả các đơn vị phối thuộc trên công trường để thống nhất kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị và kế hoạch hành động của Bộ.
7. Đối với các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trong đơn vị và tham mưu, báo cáo cho Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành nắm được tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương và trong toàn quốc để kịp thời xử lý. Các cơ sở y tế phải chủ động lập kế hoạch cụ thể phù hợp với điều kiện năng lực thực tế của đơn vị để tham gia phòng, chống, điều trị khi có dịch. Cán bộ y tế phải thực hiện tốt công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp áp dụng cho nhân viên y tế, cho cộng đồng theo quy trình xử lý ổ dịch cúm A (H5N1) và hướng dẫn chẩn đoán, xử lý và phòng lây nhiễm viêm đường hô hấp cấp do vi rút cúm.
Giao Bệnh viện Xây dựng là cơ quan Thường trực giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Khi có hiện tượng xẩy ra dịch, các đơn vị phải thông báo ngay tới Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của địa phương và Bệnh viện Xây dựng (ĐT: 04 8541 013 và 04 5533686) để xử lý kịp thời.
Yêu cầu các cấp Uỷ Đảng, Thủ trưởng đơn vị tích cực và nỗ lực cao nhất trong việc chủ trì xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị này, không để xảy ra dịch bệnh tại đơn vị, giảm thiệt hại nếu dịch xảy ra nhằm bảo vệ sức khoẻ người lao động, góp phần cùng các Bộ, Ngành và các địa phương trong cả nước khống chế dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người để thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội đã đề ra.
Chỉ thị này phải được phổ biến ngay đến tất cả các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và cán bộ công nhân viên trong đơn vị biết để thực hiện.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Quyết định 4414/2005/QĐ-BYT thành lập Ban quản lý Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng chống đại dịch cúm A (H5N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Chỉ thị 34/2005/CT-TTg về tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 25/2005/CT-TTg về tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 574/2005/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Công văn số 65/TTg-NN về việc phòng chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Chỉ thị 47/2004/CT-BNN về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Quyết định 4414/2005/QĐ-BYT thành lập Ban quản lý Dự án mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư hóa chất, phương tiện bảo hộ phòng chống đại dịch cúm A (H5N1) ở người do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 2 Chỉ thị 25/2005/CT-TTg về tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 574/2005/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công văn số 65/TTg-NN về việc phòng chống dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 47/2004/CT-BNN về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6 Công điện 1130/CP-NN về việc dịch cúm gia cầm do Thủ tướng Chính phủ ban hành