THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/2005/CT-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIÊM VẮC XIN PHÒNG DỊCH CÚM GIA CẦM
Hiện nay, dịch cúm gia cầm trên phạm vi cả nước đã tạm lắng dịu, không phát sinh ổ dịch mới, nhưng mầm bệnh dịch vẫn còn tiềm ẩn và dịch cúm A (H5N1) ở người vẫn tiếp tục xuất hiện ở một số địa phương và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Đồng thời với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp về sinh học, vệ sinh môi trường (tiêu độc, khử trùng) trong phòng, chống dịch cúm gia cầm thì việc tiêm vắc xin phòng dịch cúm là một trong những biện pháp nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Để triển khai có hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm, sớm tiêu diệt mầm bệnh, không để dịch tái phát, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chương trình, kế hoạch tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân để mọi người dân nhận thức được tính cấp bách và tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm, nhằm tạo sự đồng tình thống nhất, hưởng ứng triển khai thực hiện; đồng thời chủ chăn nuôi xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm. Việc tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và trách nhiệm của toàn dân, huy động cả hệ thống chính trị, nguồn lực, nhân lực trong ngành, của địa phương tham gia, thực sự trở thành chiến dịch của cả nước.
2. Chủ chăn nuôi gia cầm (bao gồm gà, vịt) giống gốc, giống ông bà, giống bố mẹ, gia cầm lấy thịt, gia cầm đẻ trứng thuộc các thành phần kinh tế trong vùng thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc theo quy định của cơ quan chuyên môn về thú y, có trách nhiệm tạo điều kiện và kết hợp cùng cơ quan chuyên môn về thú y tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm.
3. Ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, địa phương) đảm bảo chi cho việc tiêm phòng đối với đàn gia cầm giống gốc, giống ông bà, bố mẹ của cơ sở chăn nuôi nhà nước, đàn gia cầm của hộ gia đình, cá nhân thuộc vùng phải tiêm phòng bắt buộc, thực hiện theo nguyên tắc: ngân sách trung ương hỗ trợ tiền vắc xin, các khoản chi phí còn lại ngân sách địa phương đảm bảo chi; riêng thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngân sách địa phương đảm bảo chi toàn bộ.
Đối với gia cầm của cơ sở chăn nuôi doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại (theo tiêu chí phân loại trang trại của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê) có trách nhiệm phải tiêm phòng đàn gia cầm và phải thanh toán toàn bộ chi phí tiêm phòng (vắc xin, các chi phí cho tiêm phòng), nếu không tiêm phòng bắt buộc thì áp dụng biện pháp tiêu hủy đàn gia cầm.
Khuyến khích cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình, cá nhân có gia cầm (thuộc diện tiêm phòng bắt buộc và không bắt buộc) tự tổ chức và chịu chi phí tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm nhưng phải có sự chỉ đạo, giám sát của cơ quan chuyên môn thú y.
4. Bộ Tài chính sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2005 chi cho việc nhập khẩu vắc xin theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách nhà nước cho tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm những năm tiếp theo kế hoạch của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định và tự chịu trách nhiệm việc lựa chọn đơn vị thực hiện việc mua, nhập khẩu vắc xin phục vụ tiêm phòng; có trách nhiệm thu hồi vốn hoàn trả ngân sách đối với vắc xin bán cho cơ sở chăn nuôi gia cầm không thuộc diện hỗ trợ vắc xin từ nguồn ngân sách nhà nước.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ tiêm phòng; xác định chủng loại vắc xin tiêm phòng phù hợp; chỉ đạo chặt chẽ việc mua, nhập khẩu vắc xin bảo đảm đúng chủng loại, chất lượng, đủ nhu cầu tiêm phòng theo kế hoạch; huy động các phương tiện chuyên ngành, cán bộ chuyên môn trong ngành và ngoài ngành (kể cả các trường đại học, trung học chuyên nghiệp) hỗ trợ các địa phương tham gia công tác tiêm phòng, tổ chức tập huấn chuyên môn, trang thiết bị an toàn cho cán bộ làm nhiệm vụ tiêm phòng.
6. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính và chỉ đạo các Sở, Ban, ngành có liên quan phối hợp với cơ quan chuyên môn về thú y của địa phương triển khai có hiệu quả, đúng đối tượng, kịp thời gian và kiểm tra, giám sát việc tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm thuộc phạm vi địa phương quản lý.
7. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch, biện pháp theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch tễ trong quá trình tiêm phòng và sau khi tiêm phòng vắc xin phòng cúm gia cầm, bảo đảm an toàn cho đàn gia cầm và sức khoẻ cộng đồng.
8. Bộ Văn hoá - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có chương trình, kế hoạch tuyên truyền cho công tác tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm để đạt kết quả cao.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị, các tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Điện khẩn số 441/TTg-NN về việc chỉ thị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 69/2005/TT-BNN hướng dẫn một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm (H5N1) ở gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Chỉ thị 09/2005/CT-BXD thực hiện khẩn cấp kế hoạch phòng chống khi xẩy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người trong các đơn vị thuộc ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4 Thông báo số 149/2005/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị quán triệt Chỉ thị số 25/2005/CT-TTg về tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm do Văn phòng chính phủ ban hành
- 1 Thông báo số 149/2005/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị quán triệt Chỉ thị số 25/2005/CT-TTg về tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm do Văn phòng chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 69/2005/TT-BNN hướng dẫn một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm (H5N1) ở gia cầm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3 Chỉ thị 09/2005/CT-BXD thực hiện khẩn cấp kế hoạch phòng chống khi xẩy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người trong các đơn vị thuộc ngành Xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4 Điện khẩn số 441/TTg-NN về việc chỉ thị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành chức năng tập trung chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thủ tướng Chính phủ ban hành