Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN nhân dân
tỉnh nam định
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/CT-UBND

Nam Định, ngày 21 tháng 01 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU KHẮC PHỤC NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Trong năm qua, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 27/6/2012 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý đầu tư XDCB (xây dựng cơ bản) khắc phục nợ đọng bằng nguồn vốn Nhà nước. Trung bình hàng năm thanh toán dứt điểm cho khoảng 60-80 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó có nhiều công trình hoàn thành vượt tiến độ, thời gian trong hợp đồng đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật. Cơ bản kiểm soát được nợ đọng XDCB, hạn chế được tình trạng công trình thi công dở dang, kéo dài.

Tuy nhiên do phân cấp, chủ đầu tư có nhiều quyền, nhưng khả năng, năng lực quản lý đầu tư XDCB của một số chủ đầu tư còn hạn chế, để xảy ra tình trạng tiến độ xây dựng công trình chậm, thậm chí đã hết thời gian gia hạn hợp đồng vẫn chưa hoàn thành công trình. Một số chủ đầu tư ở cấp xã quyết định phê duyệt dự án vượt quá quy mô cần thiết, không có khả năng huy động các nguồn vốn khác mà chủ yếu trông chờ vào vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ nên không có khả năng thanh toán cho giá trị khối lượng đã thực hiện. Thực trạng trên đã và đang làm gia tăng khối lượng nợ đọng XDCB, nhất là ở xã, gây khó khăn cho công tác cân đối bố trí vốn hàng năm, ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính và việc làm của một số doanh nghiệp xây dựng.

Để khắc phục kịp thời nợ đọng XDCB; UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, các chủ đầu tư, các đơn vị và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau đây:

1. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.

2. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của khối lượng đã thực hiện tính đến ngày 31/12/2012, đảm bảo đến hết năm 2015 phải hoàn thành được việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, cụ thể:

a) Rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng (khách quan, chủ quan); trên cơ sở đó có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản một cách công khai, công bằng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để.

b) Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn Chủ đầu tư, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác quản lý XDCB. Đồng thời thống kê nợ đọng XDCB của các công trình xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn, trong đó:

- Nguồn ngân sách tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổng hợp;

- Nguồn ngân sách huyện, thành phố, thị trấn, xã: UBND các huyện, thành phố chủ trì tổng hợp;

Định kỳ (6 tháng, hàng năm) các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng XDCB về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

c) Giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nâng cao chất lượng công tác quản lý đầu tư XDCB, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đối với chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất phần ngân sách xã, thị trấn được hưởng, khuyến khích các xã, thị trấn sử dụng một phần để chi cho công tác quản lý đất đai; phần còn lại ưu tiên tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

3. Để không phát sinh thêm nợ đọng XDCB mới, từ năm 2013 trở đi yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư, chú ý các công trình, dự án của các xã, phường, thị trấn, chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng XDCB. Tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng; quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Chủ động đánh giá, xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình đầu tư dở dang do nợ đọng XDCB.

Từ năm 2013: Đối với các dự án sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia chỉ được thi công, công trình, hạng mục công trình đã được bố trí vốn trong kế hoạch năm và chỉ được thực hiện khối lượng thi công theo mức vốn kế hoạch giao hàng năm để không làm tăng thêm mức nợ đọng XDCB (các công trình, dự án có khả năng huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch, phải được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý mới được huy động vốn và thi công). Các công trình chuyển tiếp không có vốn để bố trí kế hoạch trong năm, tuyệt đối không được tổ chức thi công, nếu đơn vị nào cố tình làm, phải chịu trách nhiệm và không được quyết toán. Công trình khởi công mới là các công trình thực sự cấp bách, có đủ thủ tục theo đúng quy định, rõ ràng về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để đảm bảo dự án được bố trí đúng nguồn vốn, có đủ vốn để hoàn thành: Dự án nhóm B không quá 5 năm; Dự án nhóm C không quá 3 năm và công tác giải phóng mặt bằng thực hiện được 80% trở lên.

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Trong tham mưu bố trí kế hoạch vốn hàng năm phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB, ưu tiên các công trình đã phê duyệt quyết toán đưa vào sử dụng và coi đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, các chủ đầu tư rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư của các dự án trọng điểm đang đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ. Đề xuất phương án điều chỉnh quy mô, nguồn vốn theo hướng đảm bảo hoàn thành được những hạng mục cơ bản nhất để sớm đưa dự án vào sử dụng, các hạng mục còn lại phải tạm đình hoãn. Đối với một số dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không xác định rõ được nguồn vốn hoặc không nằm trong các chương trình đầu tư theo mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ thì phải tạm dừng thực hiện.

c) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm soát chặt chẽ tình hình đầu tư XDCB của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, không để nợ đọng XDCB ảnh hưởng xấu đến cân đối ngân sách xã. Khi bố trí các nguồn vốn thuộc cấp huyện, thành phố, cấp xã, thị trấn quản lý phải ưu tiên trước hết bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB.

d) Kho bạc nhà nước các cấp hướng dẫn chủ đầu tư về thủ tục thanh toán vốn đầu tư XDCB, kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán vốn cho khối lượng thực hiện của các dự án. Đồng thời kiên quyết không thanh toán những khối lượng phát sinh do thay đổi quy mô, mục tiêu của dự án hoặc vượt tổng mức đầu tư mà chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Các dự án khởi công mới, các dự án đang triển khai, trong kế hoạch vốn bố trí hàng năm ưu tiên tập trung thanh toán cho xây lắp; trường hợp cần thiết thanh toán cho chi khác (tư vấn lập dự án, khảo sát thiết kế, giám sát,...) tối đa không quá 10% tổng kế hoạch vốn bố trí. Trường hợp dự án chưa được phê duyệt thì không được thanh toán cho chi khác.

4. Hiệu lực thi hành: Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng; các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; các chủ đầu tư; các đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác đầu tư XDCB chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

tm. ỦY Ban nhân dân
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tuấn