Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2003CT-CT

Bình Dương, ngày 16 tháng 05 năm 2003

 

CHỈ THỊ

V/V: TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT DI SẢN VĂN HÓA VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 92/2002/NĐ - CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DI SẢN VĂN HÓA

Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, của dân tộc, là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hóa quốc tế.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã có nhiều hoạt động nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa của cha ông, góp phần to lớn vào việc bảo vệ và xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian qua, việc thực hiện Pháp lệnh “ Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh” ban hành năm 1984 cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, đã được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nên đạt được một số kết quả đáng kể, góp phần tích cực trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hoàn chỉnh hồ sơ, xếp hạng 8 di tích có giá trị lịch sử văn hóa, đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh và các tượng đài kỷ niệm; một số di tích cách mạng kiến trúc cổ đã được trùng tu tôn tạo, các danh lam thắng cảnh được quy hoạch xây dựng gắn với phát triển du lịch....

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, nhìn chung công tác bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa ở tỉnh ta trong những năm qua còn một số hạn chế và tồn tại. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này ngoài những khó khăn và bất cập về điều kiện tài chánh, về tổ chức quản lý, về năng lực và trình độ cán bộ.... còn do nhận thức của các ngành, các cấp, của nhân dân chưa coi trọng và quan tâm đến công tác bảo vệ, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Để triển khai thực hiện Luật Di sản Văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1- Các ngành chức năng và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai tuyên truyền phổ biến Luật Di sản Văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/11/2002 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản Văn hóa. Qua đó nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa.

2- Sở Văn hóa -Thông tin có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa. Tổ chức quản lý, điều tra, phát hiện, thống kê, phân loại, lựa chọn di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh để xếp hạng theo quy định nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng tượng đài tranh hoành tráng từ nay đến năm 2010; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng đề án trùng tu tôn tạo các di tích đã được xếp hạng; có phương án sử dụng nhằm phát huy giá trị các di tích, góp phần giáo dục truyền thống và phục vụ các nhu cầu tham quan du lịch, tìm hiểu lịch sử, truyền thống của địa phương.

3- Các Sở : Kế hoạch- Đầu tư, Tài chánh-Vật giá, Xây dựng, Giáo dục- Đào tạo, Công an tỉnh và các ngành chức năng căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa-Thông tin trong việc thực hiện các quy định của Luật Di sản Văn hóa và Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ đối với những vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành mình.

4- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong phạm vi địa phương mình quản lý; tổ chức bảo vệ, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm di tích; đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc xếp hạng di tích.

5- Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trước mắt, cần triển khai phổ biến Luật Di sản Văn hóa và Nghị định 92/2002/NĐ CP ngày 11/11/2002 của Chính phủ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

6- Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể quần chúng tổ chức tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ, tôn tạo các di sản văn hóa; lồng ghép nội dung giáo dục ý thức bảo vệ, tôn tạo di sản văn hóa vào phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xem đây là một tiêu chuẩn để đánh giá xét công nhận gia đình văn hóa, khu, ấp văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện Chỉ thị này. Giao Sở Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

 

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN




Hồ Minh Phương