Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2012/CT-UBND

Hậu Giang, ngày 21 tháng 8 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH NGUY HIỂM Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện khá sâu sát. Ngành Y tế luôn chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời triển khai thực hiện nhiều giải pháp kiềm chế và kiểm soát an toàn dịch bệnh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Thời tiết bất ổn là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh bùng phát; các bệnh nguy hiểm như: Cúm A/H5N1 (cúm gia cầm), cúm A/H1N1 (cúm lợn), bệnh tay, chân, miệng, sốt xuất huyết… đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng, tỷ lệ mắc và tử vong do các dịch bệnh này có chiều hướng gia tăng; ý thức phòng, chống dịch bệnh trong bộ phận dân cư còn thấp; một số cấp chính quyền, đoàn thể, đơn vị còn chủ quan, chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa thật sự tích cực trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh,… từ đó gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra; khống chế không để dịch bệnh nguy hiểm trên xảy ra trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Sở Y tế:

Chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế; báo cáo nhanh diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo;

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hóa chất, phương tiện bảo hộ, kinh phí… sẵn sàng tiếp nhận điều trị khi có dịch xảy ra;

Chỉ đạo hệ dự phòng phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác giám sát, điều tra xác minh và xử lý dịch kịp thời, khống chế không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng; tập huấn công tác giám sát và xử lý dịch cho cán bộ y tế dự phòng;

Chỉ đạo hệ điều trị phối hợp với hệ dự phòng trong giám sát phát hiện, thông tin báo cáo dịch bệnh kịp thời; tập huấn công tác chẩn đoán, chăm sóc, điều trị dịch bệnh cho cán bộ hệ điều trị; chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc, hóa chất, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho việc tiếp nhận điều trị; kiên quyết không để tình trạng chủ quan, thiếu trách nhiệm dẫn đến làm tử vong;

Chỉ đạo Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe cung cấp đầy đủ các tài liệu tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh;

Đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, chỉ đạo chống dịch triệt để tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.

2. Sở Tài chính:

Phối hợp với Ngành Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí kịp thời đối với các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc sử dụng và quyết toán kinh phí phòng, chống dịch theo đúng quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hậu Giang:

Phối hợp với Ngành Y tế tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh của mọi người;

Thông tin kịp thời tình hình dịch bệnh và cách phòng, chống dịch bệnh (Cúm A, bệnh tay, chân, miệng, bệnh sốt xuất huyết…) trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động trong việc phòng ngừa; đồng thời, nghiêm cấm việc đưa thông tin thiếu chính xác gây hoang mang trong cộng đồng, làm ảnh hưởng sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt và phê bình những đơn vị, cá nhân còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm;

Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hậu Giang tăng cường thời lượng phát sóng, tin bài về phòng chống dịch bệnh, chú ý chọn thời điểm thích hợp để mọi người dân theo dõi kịp thời tình hình dịch bệnh và các kiến thức về phòng, chống dịch bệnh.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với Ngành Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định; tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhân viên bồi dưỡng kiến thức phòng bệnh: Vệ sinh khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, dụng cụ học tập, đồ chơi học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa muỗi đốt để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay, chân, miệng;

Phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên báo cáo kịp thời cho Ngành Y tế để được tư vấn, khám và điều trị, khống chế, dập dịch không để dịch bùng phát;

Phối hợp với Ngành Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc trang bị kiến thức về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc con em tại gia đình.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chỉ đạo Chi cục Thú y thông báo ngay khi phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm để Ngành y tế điều tra đối tượng có tiếp xúc với gia cầm bệnh, đồng thời theo dõi tình hình sức khoẻ (sốt, ho, khó thở) để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế không để trường hợp tử vong do bệnh cúm A gây ra; tăng cường công tác kiểm dịch mua bán gia súc, gia cầm; gia súc, gia cầm được giết mổ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tuyệt đối không được mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm mắc bệnh.

6. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người. Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, thông báo kịp thời khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp xử lý hiệu quả đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

7. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Chỉ đạo lực lượng Công an và Quân sự triển khai công tác phòng, chống dịch, tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường cho cán bộ chiến sỹ tại các doanh trại đóng quân;

Phối hợp cùng các ban ngành trong xử lý các tình huống khẩn cấp, sẵn sàng hỗ trợ phòng, chống dịch cho vùng sâu, vùng xa khi có yêu cầu;

Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội nơi xảy ra dịch;

Hỗ trợ lực lượng chuyên môn trong công tác kiểm soát lưu thông, ra vào vùng dịch: Lập chốt kiểm tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa, thực phẩm, gia súc, gia cầm theo quy định. Điều hành các phương tiện giao thông chấp hành việc tiêu độc, khử trùng tại các chốt ra vào vùng dịch;

Phối hợp với ngành Y tế tổ chức chống dịch, cách ly bệnh nhân, trường hợp đặc biệt phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, bắt buộc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong chống dịch và điều trị.

8. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố:

Kiện toàn và duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người theo quy định;

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Ngành Y tế;

Chỉ đạo Ngành Y tế địa phương phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức giám sát dịch trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh ổ dịch và tổ chức xử lý kịp thời không để lây lan, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn mình quản lý, vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng; giáo dục người dân ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, gia đình và nơi công cộng; thực hiện ăn chín uống chín, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng;

Kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và thông báo cho Sở Y tế khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn để chỉ đạo xử lý hiệu quả.

9. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy nhân dân huyện, thị xã, thành phố kịp thời có kế hoạch, biện pháp cụ thể để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.

Giao Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh nắm, chỉ đạo./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh