Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-CT

Hà Nội, ngày 10 tháng 1 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÉT DUYỆT KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

Trong khi tiếp tục thực hiện việc đổi mới cơ chế quản lý (về kế hoạch hoá, về tài chính, ngân hàng...) theo tinh thần các nghị quyết lần thứ 6, 7, 8 và 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1985 tạm thời vẫn thi hành theo Chỉ thị số 347-CT ngày 13-12-1983 và Chỉ thị số 434 CT ngày 24-12-1984 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Rút kinh nghiệm việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1984 và theo đề nghị của Tổng cục Thống kê và các ngành có liên quan, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp và các đơn vị cơ sở chỉ đạo chặt chẽ và thực hiện tốt một số điểm sau đây:

1. Về hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh, vẫn thi hành theo Chỉ thị số 434 - CT ngày 24 - 12 - 1984, đặc biệt là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh (các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp, liên hiệp các xí nghiệp, các công ty, các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất có quy mô lớn và đã thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế với Nhà nước).

Đối với các chỉ tiêu mức giảm giá thành, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách, do có những sự thay đổi về giá cả và tiền lương cần dựa trên cơ sở phân tích kỹ các yếu tố của giá thành (nhất là về sử dụng lao động và tăng năng suất lao động, thực hiện các định mức tiêu hao vật tư, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật) và đối chiếu với thực tế 1984 theo những giá cả so sánh được.

2. Vẫn phải coi trọng đúng mức việc phân tích báo cáo quyết toán vật tư theo Quyết định số 195 - HĐBT ngày 14-12-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, nhất là đối với các đơn vị cơ sở.

3. Việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1985 phải xem xét kỹ, có chiếu cố thoả đáng những trường hợp bị bão lụt, sâu bệnh, hạn nặng nề, đồng thời cũng xem xét đúng mức một số nguyên nhân khách quan khác như việc cung ứng điện, các vật tư kỹ thuật chủ yếu mặc dù đã được ghi thành chỉ tiêu pháp lệnh trong kế hoạch 1985, nhưng trên thực tế không được các cơ quan cung ứng hoặc cấp trên có thẩm quyền cung ứng đủ.

4. Cần nắm chắc đối tượng chủ yếu của việc xét duyệt hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1985 là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn đối với cấp Bộ, cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương sẽ xem xét khen thưởng thi đua về mặt chỉ đạo điều hành của Bộ, của địa phương nhằm tạo điều kiện giúp đỡ cơ sở tháo gỡ kịp thời những khó khăn để hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

5. Phải quán triệt nguyên tắc là chỉ cấp nào giao chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh, cấp đó mới có thẩm quyền công nhận mức độ hoàn thành kế hoạch. Trường hợp phát hiện có nghi vấn, có khiếu nại thì cấp trên tổ chức kiểm tra, xem xét tại chỗ.

Vì vậy, các hội đồng xét duyệt hoàn thành kế hoạch ở cấp cơ sở cần được tiếp tục duy trì, nhưng phải hết sức thiết thực, xét duyệt chính xác, làm gọn, tránh hình thức, lãng phí, gây phiền hà và ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh của đơn vị.

Không cần duy trì các hội đồng xét duyệt ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố mà giao cho các cơ quan chức năng như thống kê, kế hoạch, tài chính, trọng tài kinh tế... có trách nhiệm giúp Chủ tịch các uỷ ban nhân dân, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành xem xét và quyết định việc xét duyệt kế quả thực hiện kế hoạch Nhà nước đối với những đơn vị trực thuộc địa phương hoặc trực thuộc Bộ.

6. Việc xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1985 ở tất cả ngành, các cấp phải phấn đấu hoàn thành trong quý I năm 1986 và chậm nhất là trước ngày 1 tháng 5 năm 1986.

7. Ở Trung ương, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm công bố kết quả thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1985, sau khi đã bàn nhất trí với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng Công đoàn và các ngành có liên quan.

Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính... hướng dẫn về mặt nghiệp vụ đối với những vấn đề thuộc phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, đồng thời tổ chức đôn đốc, kiểm tra để việc thực hiện ở các ngành, các cấp được thống nhất.

Nếu gặp khó khăn trở ngại cần báo cáo xin chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)