HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 105-CT | Hà Nội, ngày 19 tháng 04 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1986, LẬP THÀNH TÍCH KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY HỒ CHỦ TỊCH KÝ SẮC LỆNH THÀNH LẬP ỦY BAN TRUNG ƯƠNG HỘ ĐÊ (22-5-1946)
Mấy năm gần đây, nhất là năm 1985 lụt, bão đã gây nhiều thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và của Nhà nước. Hệ thống đê, kè, cống bị hư hỏng nặng, tuy đã được khôi phục, nhưng chưa được vững chắc; lòng sông Hồng đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều đoạn đê, kè bị xói lở nặng; hệ thống đê biển rất yếu. Các cấp, các ngành có cố gắng thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, nhưng còn nhiều sơ hở như không dự kiến hết diễn biến phức tạp của thời tiết, chuẩn bị thiếu chu đáo...
Để bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1986, năm mở đầu của kế hoạch 5 năm 1986 - 1990, thiết thực kỷ niệm 40 năm ngày Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê tại Bắc-bộ, chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các cấp và thủ trưởng các ngành phải tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống lụt, bão như giữ vững các hệ thống đê sông chính, nhất là đê sông Hồng và hệ thống đê biển quan trọng, bảo vệ an toàn các hồ chứa nước; chuẩn bị tốt công tác bảo vệ hậu phương và phòng, chống ngập úng vùng trũng; cảnh giác với âm mưu phá hoại của địch.
Đặc biệt, cần chú trọng làm tốt những việc sau đây:
1. Tổng kết sớm công tác phòng, chống lụt, bão năm 1985 để trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống lụt, bão, úng năm 1986 một cách cụ thể.
2. Khẩn trương huy động lực lượng lao động, phương tiện của nhân dân, các ngành, các cấp trong địa phương để củng cố, sửa chữa đê, kè, cống xong trước mùa mưa, lũ.
Tổ chức kiểm tra đê, kè, cống, phát động nhân dân các xã ven đê kiểm tra, tiêu diệt và xử lý tổ mối trong đê, tu bổ ngay các nơi bị yếu; kiểm tra và quản lý tốt các loại vật tư phòng, chống lụt, bão; xử lý nghiêm các vụ vi phạm điều lệ bảo vệ đê và lấy cắp vật tư nói trên.
Rà soát lại các phương án hộ đê, chú ý đề phòng cả lũ muộn (sau thời kỳ trung phục - rằm tháng 7 âm lịch), từng xã ven đê chịu trách nhiệm bảo vệ từng đoạn đê. Ban Chỉ huy chống lụt, bão tỉnh, huyện phải phân công phụ trách từng tuyến, từng trọng điểm, phải có kế hoạch cụ thể bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống bất trắc; nhanh chóng khắc phục hậu quả.
3. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Thuỷ lợi chuẩn bị tốt các đầu mối phân chậm lũ Vân Cốc, đập Đáy, Lương Phú, Tam thanh. Các tỉnh Vĩnh Phú, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh và thành phố Hà Nội phải có kế hoạch bảo vệ tốt vùng phân lũ, tổ chức hộ đê sông Tích, sông Đáy, v.v... và giải quyết tốt việc khai thác dòng chảy trước mùa lũ.
4. Trong việc quản lý và sử dụng hồ, đập nước, thực hiện điều tiết nước phải đúng quy định, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ lưu. Phải bảo đảm tiến độ thi công các công trình xây dựng trên sông đề phòng lũ sớm và mưa lũ vượt tần suất thiết kế; đặc biệt công trình thuỷ điện Hoà Bình, Trị an, phải có kế hoạch đối phó với lũ cao, bảo vệ tốt đập và các phương tiện thi công, tính mạng, tài sản của nhân dân và của Nhà nước.
5. Các tỉnh ven biển (kể cả Nam Bộ), ngoài việc phòng, chống bão, phải chú ý đề phòng áp thấp nhiệt đới và các hiện tượng kèm theo như gió lốc, mưa lớn, sóng biển dâng cao; tổ chức bảo vệ dân cư, tàu thuyền đánh cá trên biển và trên các đầm phà, chú ý bảo đảm giao thông trên đường quốc lộ 1; nghiên cứu bố trí thời vụ gieo trồng cho thích hợp để tránh lũ chính vụ.
6. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ tuỳ đặc điểm mỗi nơi, cần huy động nhân dân củng cố đắp giữ bờ cao chống lũ đầu vụ, bố trí chế độ canh tác phù hợp để thu hoạch xong lúa hè thu vào trung tuần tháng 8. Ở Đồng Tháp Mười phải nghiên cứu kết hợp việc đào kênh lấy đất đắp nền làm điểm tựa cho dân ở, làm đường giao thông.
7. Các tỉnh miền núi Bắc Bộ, miền Trung và Tây Nguyên có kế hoạch phòng, tránh bão, lũ quét, bảo vệ tốt các doanh trại của bộ đội, các nông, lâm trường, các hồ chứa nước và đường giao thông quan trọng. Làm tốt việc bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng phủ xanh đồi trọc, chống phá rừng.
8. Kiện toàn Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương và Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão các cấp, các ngành. Chú trọng củng cố, tăng cường Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão cấp huyện, cấp xã ở nơi có đê sông, đê biển. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, huyện là Trưởng ban chỉ huy chống lụt, chống bão tỉnh và huyện.
9. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Tổng cục Bưu điện, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thuỷ sản, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Nông nghiệp, Bộ Điện lực và các ngành khác phải làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão theo chức năng của mình.
10. Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh thành lập Uỷ ban Trung ương hộ đê tại Bắc Bộ (22-5-1946), các cấp, các ngành mở một đợt tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống lụt, bão năm 1986. Cần giáo dục sâu rộng nhân dân có ý thức tự giác thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ quản lý, bảo vệ đê, đấu tranh chống các hiện tượng vi phạm các công trình phòng, chống lụt, bão.
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, các cơ quan trung ương, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Ban Chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương.
| KT. CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Đình Liệu |
- 1 Chỉ thị 87-CT năm 1982 về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1982 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2 Chỉ thị 02/2007/CT-BYT triển khai công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 3 Chỉ thị 142-CT công tác phòng, chống lụt, bão năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 4 Chỉ thị 237-CT đẩy mạnh công tác phòng chống lụt, bão năm 1987 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 5 Chỉ thị 243-TTg về công tác phòng, chống lụt, bão năm 1978 do Thủ tướng Chính phủ ban hành