Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 237-CT

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG LỤT, BÃO NĂM 1987

Ngày 12 tháng 8 năm 1987, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng đã nghe đồng chí Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi kiêm trưởng Ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương báo cáo tình hình triển khai công tác phòng chống lụt, bão năm 1987.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các cấp và thủ trưởng các ngành kiểm điểm ngay việc triển khai kế hoạch phòng chống lụt, bão của cấp và ngành mình theo tinh thần chỉ thị số 142-CT ngày 25-4-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về công tác phòng chống lụt, bão năm 1987, kịp thời bổ cứu các mặt còn yếu, chủ động đề phòng mưa to, lũ lớn, bão mạnh xuất hiện muộn trên phạm vi cả nước. Các cấp, các ngành cần thực hiện ngay một số việc cấp bách sau đây:

1. Phải tổ chức theo dõi tình hình đê điều một cách chặt chẽ, kiểm tra tỷ mỷ hệ thống đê, kè, cống, phát hiện hư hỏng, khẩn trương sửa chữa ngay những chỗ đê còn yếu.

Trong việc hộ đê, phải phát hiện sớm các chỗ hư hỏng và tập trung sửa chữa ngay từ lúc mới phát sinh, quyết không để hư hỏng mở rộng, bảo đảm nhu cầu chống được lũ lớn nhất đã xảy ra (lũ 1971 ở Bắc bộ và ngập lụt năm 1978 ở đồng bằng sông Cửu long). Đê sông con, đê bối chỉ giữ dưới mức báo động III.

Coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác chuyên trách trước mùa lũ, có chế độ trợ cấp thoả đáng cho lực lượng này, có đủ vật tư, phương tiện, ánh sáng cho các lực lượng tuần tra, hộ đê, v.v...

2. Kiểm tra kỹ các cống dưới đê. Cống nào hư hỏng không bảo đảm an toàn chống lũ thì phải kiên quyết lấp kín. Cấm không được tự ý mở cống gây mất an toàn cho hệ thống đê.

3. Ban chỉ huy chống lụt chống bão Trung ương cùng Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà nội có kế hoạch bảo vệ đê Hà nội, bảo đảm an toàn tuyệt đối, các ngành ở Trung ương có trách nhiệm chi viện cho Hà nội với khả năng cao nhất về vật tư, phương tiện, nhiên liệu... để làm tốt việc hộ đê.

4. Ở những vùng bờ biển đang bị xói lở mạnh như ở Ngư lộc (Thanh Hoá),

Hải hậu (Hà Nam Ninh), Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, huyện phải chỉ đạo chặt chẽ công tác bảo vệ nhân dân tránh bão và sóng dâng, có kế hoạch từng bước xây dựng công trình bảo vệ bờ biển phù hợp với khả năng kinh tế hiện nay.

5. Tổng cục bưu điện và các ngành có phương tiện thông tin liên lạc chuyên dùng như Nội vụ, Quốc phòng, Hải sản, Đường sắt đều phải kiểm tra tu sửa các phương tiện hiện có, sẵn sàng phục vụ cho việc chỉ đạo đối phó với lũ bão. Đồng thời các cấp, các ngành phải tự lo tổ chức mạng lưới thông tin, truyền tin của mình để kịp thời thu tin, báo tin, hướng dẫn và tổ chức nhân dân phòng tránh lũ bão. Ngành khí tượng thuỷ văn phải bảo đảm đo đạc mưa lũ đều đặn ở các trạm, tổ chức theo dõi dự báo chặt chẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo mưa lũ, bão, cung cấp kịp thời tin mưa, lũ, bão cho ban chỉ huy chống lụt, chống bão các cấp.

6. Ban chỉ huy chống lụt, chống bão Trung ương tính toán các yêu cầu cụ thể về phương tiện, vật tư dự trữ đối phó với lũ lụt để các ngành chức năng của Nhà nước kịp thời chuẩn bị.

Các ngành cần kiểm tra lại các phương tiện, vật tư hiện có, sẵn sàng cung cấp cho việc hộ đê, cứu đê chống lụt.

Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ vật tư, Bộ tài chính xem xét giải quyết nhanh các yêu cầu về vốn, vật tư, phương tiện, nhiên liệu cho việc xử lý đê, kè và dự phòng hộ đê, tạo điều kiện cho Bộ thuỷ lợi và Uỷ ban nhân dân các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)