ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2014/CT-UBND | An Giang, ngày 16 tháng 10 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TRỒNG RỪNG TẬP TRUNG VÀ TRỒNG CÂY LÂM NGHIỆP PHÂN TÁN TRONG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", tỉnh An Giang đã tổ chức trồng rừng tập trung, trồng cây lâm nghiệp phân tán (viết tắt trồng cây LNPT) đến nay mang lại hiệu quả rất thiết thực về kinh tế xã hội và đời sống người dân; bên cạnh việc tạo cảnh quan, bóng mát, phòng hộ môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, còn là nguồn cung cấp cây gỗ tại chỗ, phục vụ kịp thời cho việc làm cọc trụ, đà kè khi có sự cố sạt lở đê trong mùa nước lũ, nguồn củi, gỗ gia dụng phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu đời sống của người dân. Đồng thời, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đến cuối năm 2013 lên khoảng 20,96 % đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh (đến nay đạt trên 74.000 ha, gồm 12.340 ha rừng tập trung và 61.780 ha cây phân tán).
Tuy nhiên, trong thời gian qua do nhu cầu cuộc sống nên một số người dân nơi vùng đồi núi chặt phá rừng làm nương rẫy, vùng đồng bằng quy hoạch trồng tràm đã phá đất rừng để trồng lúa. Ngoài ra, quá trình triển khai dự án trồng rừng tập trung, trồng cây LNPT một số địa phương chưa quan tâm công tác trồng cây, gây rừng và tuyên truyền cho người dân thấu hiểu lợi ích việc trồng cây bảo vệ môi trường sống của con người nên kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu đã đề ra.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung vùng đồi núi, vùng đồng bằng và trồng cây LNPT trong thời gian tới, đạt tỷ lệ che phủ toàn tỉnh vào năm 2015 là 22,40 % theo chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh uỷ và Hội đồng nhân dân tỉnh và ổn định đến năm 2020 theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tăng cường phát động phong trào trồng rừng tập trung vùng đồi núi, vùng đồng bằng và trồng cây LNPT rộng rãi trong nhân dân từ nay đến năm 2020, nhằm huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho công tác trồng cây gây rừng dần trở thành nhu cầu của mọi người, là việc làm thường xuyên, trong đời sống hàng ngày. Trồng cây LNPT trong vườn, quanh nhà, trên các bờ kênh, mương, bảo vệ đê bao, trục lộ giao thông, cụm, tuyến dân cư, các công sở, trường học ... không để đất trống, tạo nên thảm xanh, bóng mát, chắn sóng, cản lũ, bảo vệ các công trình hạ tầng cơ sở, phòng hộ cho nông nghiệp, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện theo nguyên tắc: tỉnh, huyện, xã và dân cùng làm, nhà nước chỉ hỗ trợ theo khả năng, chủ yếu phát động nguồn lực trong dân tự trồng, tự chăm sóc bảo quản và hưởng lợi.
2. Đối với các công trình hạ tầng nông thôn như đường giao thông, đê bao, bờ kênh cấp I, cấp II, cụm - tuyến dân cư. Khi lập Dự án đầu tư và thiết kế dự toán công trình, chủ đầu tư phải đưa vào hạng mục trồng cây bảo vệ, chống sạt lở cho công trình và thực hiện trồng cây sau khi hoàn thành việc xây dựng.
3. Đối với các Dự án đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp có rừng sang mục đích khác phải thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo Thông tư số 24/2013/TT-BNN&PTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
4. Đối với các khu rừng phòng hộ trồng tập trung vùng đồi núi bị chặt phá làm nương rẫy, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện có liên quan phải rà soát lại và có kế hoạch trồng lại rừng để khắc phục hậu quả đã gây ra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Đối với tình hình vi phạm sử dụng đất tại rừng tràm khu vực Bình Minh xã Tà Đảnh và các khu rừng tràm khác thuộc huyện Tri Tôn, UBND huyện Tri Tôn phối hợp với các ngành chức năng như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát diện tích đã chuyển sang trồng lúa; Xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật và có kế hoạch khắc phục trồng lại rừng.
6. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Triển khai và tổ chức thực hiện Quyết định số 558/QĐ-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2014 của UBND tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch, Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, tỉnh An Giang, giai đoạn 2011 - 2020.
b) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm hàng năm chủ động lập kế hoạch, dự toán kinh phí ngân sách của tỉnh và của trung ương theo đúng các quy định; tổ chức trồng rừng tập trung theo tiến độ dự án Bảo vệ và Phát triển rừng; hỗ trợ một phần cây giống theo kế hoạch Đề án Trồng cây LNPT, giao cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, vận động người dân trồng cây, chăm sóc, bảo vệ và hưởng lợi theo quy định; phối hợp với UBND các huyện có rừng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm mục đích sử dụng đất tại các khu rừng sản xuất theo quy định của pháp luật và có kế hoạch khắc phục trồng lại rừng.
7. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo:
a) Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) xây dựng kế hoạch hoạch phát triển trồng cây LNPT trên địa bàn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây cho dân biết và thực hiện tốt kế hoạch;
b) Các ngành, UBND các xã tổ chức, tuyên truyền, vận động nhân dân, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, kiểm tra việc trồng cây đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Quản lý bảo vệ cây trồng phát triển tốt và quản lý việc khai thác sử dụng của người dân trên địa bàn quản lý;
c) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi trồng rừng tập trung, trồng cây LNPT, phải có biện pháp huy động lực lượng lao động để trồng, chăm sóc, bảo vệ trên cơ sở bảo vệ lợi ích thỏa đáng cho người trồng.
8. Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư hàng năm có nhiệm vụ, xem xét tiến độ Dự án, Đề án và cân đối vốn ngân sách để đầu tư trồng rừng tập trung, bảo vệ rừng hiện có và hỗ trợ vốn đầu tư theo Dự án trồng cây LNPT.
9. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức phát động cho học sinh trồng cây LNPT ở các trường học, đất vườn nhà…,vào các ngày lễ lớn trong năm để tuyên truyền về ý nghĩa của trồng cây, trồng rừng tạo cho các em biết quý trọng cây xanh và nâng dần ý thức về trồng cây, gây rừng, bảo vệ cây, bảo vệ rừng.
10. Các ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, các phương tiện thông tin đại chúng, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên thanh niên, tích cực tham gia trồng rừng, trồng cây LNPT; xem đây là nhiệm vụ của mỗi ngành, đoàn thể và mỗi người. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch thực hiện tốt công tác trồng rừng tập trung, trồng cây LNPT hàng năm.
11. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt tinh thần chỉ thị này, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2001 của UBND tỉnh An Giang, về việc đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán trong nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
|
- 1 Thông tư 24/2013/TT-BNNPTNT quy định trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Chỉ thị 12/CT-UB về việc thực hiện công tác trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng năm 1991 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1 Chỉ thị 12/CT-UB về việc thực hiện công tác trồng cây, gây rừng, bảo vệ rừng năm 1991 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Chỉ thị 08/CT-UB năm 2001 về đẩy mạnh công tác trồng cây phân tán trong nhân dân trên địa bàn tỉnh An Giang
- 3 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2021 về trồng rừng tập trung và cây phân tán trên địa bàn tỉnh Kon Tum