ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/CT-UBND | Quảng Bình, ngày 18 tháng 9 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có hiệu quả, từng bước đi vào nền nếp, theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác quản lý đất đai vẫn chưa chặt chẽ, còn có tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn ra. Bên cạnh đó, còn có tình trạng UBND các xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định của pháp luật đất đai và UBND cấp huyện thiếu chỉ đạo, kiểm tra, xử lý; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát đúng với tình hình thực tế, số dự án phát sinh phải bổ sung trong năm còn nhiều; công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được chú trọng; nhiều dự án chậm đưa đất vào sử dụng kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý dứt điểm; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý về quản lý, sử dụng đất đai chưa được thường xuyên.
Để chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại nêu trên và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian tới, thực hiện Công văn số 204-CV/BCSĐ ngày 07/9/2020 của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 08/02/2018 của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai trên địa bàn tỉnh.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai nhằm góp phần nâng cao ý thức, nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về quản lý, sử dụng đất đai và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, hạn chế vi phạm pháp luật về đất đai;
- Tập trung tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng đất cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ 10 năm tới; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện;
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai ở địa phương để bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục, hồ sơ; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại địa phương;
- Tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đối với đất lâm nghiệp phải được thực hiện thống nhất và đồng bộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chấm dứt ngay tình trạng UBND cấp xã cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê đất sản xuất, kinh doanh, xây dựng các công trình không đúng thẩm quyền, vi phạm pháp luật đất đai; tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép; xử lý trách nhiệm đối với UBND cấp xã, nhất là người đứng đầu buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích, khai thác đất mặt trái phép. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật nếu thiếu kiểm tra, chỉ đạo, xử lý để tình trạng nêu trên xảy ra trên địa bàn;
- Tập trung chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, có giải pháp để hoàn thành, giải quyết dứt điểm các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Thanh tra, rà soát, đánh giá lại tình hình quản lý, sử dụng quỹ đất công ích (đất 5%) của địa phương, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định;
- Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai; không để tình trạng chậm trễ, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết yêu cầu, khiếu nại của người dân; ngăn ngừa các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng đất dẫn tới tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát, tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các quy định chi tiết liên quan đến lĩnh vực đất đai; đồng thời, rà soát, kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi các quy định đã ban hành nhưng không còn phù hợp hoặc đã hết hiệu lực;
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện; xử lý nghiêm các công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp; chủ động thẩm định kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và tham mưu UBND tỉnh lập Danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, trình HĐND tỉnh thông qua, làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc các huyện, thành phố, thị xã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất 2021 đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
- Tham mưu UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đối với đất lâm nghiệp phải được thực hiện thống nhất và đồng bộ theo quy định của Luật Lâm nghiệp; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác;
- Tiếp tục rà soát các tổ chức kinh tế đã được nhà nước giao đất nhưng thuộc đối tượng phải chuyển sang thuê đất; các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang sử dụng đất, được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, để chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai; xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật;
- Thực hiện tốt công tác điều tra, khảo sát giá đất thị trường, xây dựng và thẩm định giá đất; tăng cường công tác định giá đất cụ thể bảo đảm chất lượng và thời gian yêu cầu. Việc thuê đơn vị tư vấn khảo sát đề xuất phương án giá đất cụ thể phải đảm bảo điều kiện về chức năng, năng lực và kinh nghiệm, trong hợp đồng phải quy định thời gian hoàn thành cụ thể, để đảm bảo công tác xác định giá đất cụ thể nhanh chóng, kịp thời, có độ chính xác cao và khả thi;
- Thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để phát hiện kịp thời những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Kiên quyết xử lý đối với tổ chức cố ý vi phạm pháp luật đất đai, kịp thời tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất những dự án đã giao, cho thuê nhưng chủ đầu tư không triển khai, triển khai không đúng tiến độ, chủ đầu tư không có năng lực thực hiện dự án.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính của các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện dự án; đối với các dự án chậm tiến độ, kiên quyết tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, làm cơ sở thu hồi đất theo quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
5. Sở Tài chính:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ kinh phí từ ngân sách tỉnh, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chặt chẽ việc thẩm định giá đất cụ thể theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của Nhà nước, thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá, nhằm chống thất thu ngân sách, thất thoát tài sản của nhà nước và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan thống kê, rà soát cung cấp danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính cho Sở Tài nguyên và Môi trường, để xác lập thủ tục, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định cho thuê đất theo quy định của pháp luật;
- Rà soát các văn bản do UBND tỉnh ban hành về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, đề xuất bãi bỏ các quy định không còn phù hợp (nếu có); sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới thay thế, để thực hiện đúng quy định hiện hành của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện được cấp thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thống nhất, đồng bộ, với việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.
7. Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai, để người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai; kịp thời giải quyết các kiến nghị, khiếu nại tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai.
8. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trình HĐND, UBND tỉnh ban hành về đất đai đúng tiến độ, kịp thời và chất lượng; rà soát, tổng hợp những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai, để kịp thời đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung.
9. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan truyền thông thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đến các tổ chức, người dân; kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai.
Yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./,
| CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vùng đông tỉnh Quảng Nam
- 2 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, giá đất, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 3 Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2019 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 4 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 5 Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 6 Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Luật Lâm nghiệp 2017
- 8 Luật đất đai 2013
- 9 Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2013 về tập trung chỉ đạo và tăng cường biện pháp thực hiện để trong năm 2013 hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Chỉ thị 1474/CT-TTg năm 2011 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2 Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2019 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, giá đất, quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 4 Chỉ thị 19/CT-UBND năm 2020 về tăng cường quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn vùng đông tỉnh Quảng Nam
- 5 Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng tại khu vực quy hoạch dự án phát triển trên địa bàn tỉnh Bắc Giang
- 6 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý đất đai, chấn chỉnh tình trạng khai thác đất mặt trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp