Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/CT-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 12 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA THỰC HIỆN KẾT LUẬN, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác thanh tra đã có bước chuyển biến tích cực. Ngoài hoạt động của các cơ quan thanh tra trong tỉnh còn có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra của các Bộ, ngành Trung ương, Thanh tra Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Qua thanh tra phát hiện, kiến nghị, xử lý nhiều vi phạm trong công tác quản lý nhà nước; thu hồi hàng chục tỷ đồng nộp vào ngân sách và xử lý nhiều tập thể cá nhân sai phạm. Công tác thanh tra đã góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong sử dụng tài sản công, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và cá nhân, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện kết luận, kiến nghị của thanh tra còn hạn chế. Một số tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong thực hiện kết luận còn để chậm hoặc chưa thực hiện đầy đủ các kiến nghị về biện pháp khắc phục hậu quả của các sai phạm; một số tài sản, tài nguyên bị thất thoát chưa thu hồi được; việc xem xét xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có sai phạm thực hiện chưa nghiêm túc,... từ đó dẫn đến làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra.

Nguyên nhân chính là do việc tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra của thủ trưởng các cơ quan thanh tra, thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước chưa chú trọng đúng mức, thiếu kiên quyết, còn né tránh, ngại đụng chạm, nhất là trong việc xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức có liên quan đến vi phạm. Bên cạnh đó, chất lượng của các kết luận thanh tra cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi hành.

Để chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, khắc phục những hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trong thời gian đến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Về việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra đã ban hành còn tồn đọng

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố tập trung tổ chức triển khai một số nhiệm vụ sau đây:

a) Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ Quy định việc thực hiện kết luận thanh tra, Chỉ thị số 33/2008/CT-TTg ngày 20/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các chính sách tài khóa và thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra nhằm củng cố, nâng cao nhận thức về việc thực hiện kết luận thanh tra.

b) Tiếp tục chỉ đạo Chánh Thanh tra cấp sở, Chánh Thanh tra các huyện, thành phố rà soát, xác định các nội dung theo kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn tồn đọng chưa được thực hiện, nhất là các Kết luận thanh tra của Tổng Thanh tra Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra tỉnh, khẩn trương tham mưu cho Thủ trưởng cùng cấp chỉ đạo thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật về thanh tra.

c) Chánh Thanh tra cấp sở và Chánh Thanh tra các huyện, thành phố phải thực hiện phân công nhiệm vụ cho công chức thanh tra theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Việc thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra phải đảm bảo đúng nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định tại các Điều: 21, 22, 23, 25 Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ.

d) Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra; xử lý sai phạm về hành chính, kinh tế; xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người có hành vi vi phạm; khắc phục sơ hở, yếu kém trong quản lý theo kiến nghị của thanh tra. Người đứng đầu phải trực tiếp chịu trách nhiệm về việc chậm thực hiện vì thực hiện không đầy đủ các kết luận thanh tra thuộc phạm vi ngành, địa phương mình quản lý.

2. Về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kết luận, kiến nghị thanh tra

a) Khẩn trương sắp xếp, bổ sung biên chế cho cơ quan Thanh tra cùng cấp đảm bảo đúng, đủ số lượng công chức theo Đề án vị trí việc làm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

b) Phối hợp với Chánh Thanh tra tỉnh tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực làm thanh tra để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp trong việc thực hiện quy hoạch các chức danh Chánh, phó Chánh Thanh tra sở, thanh tra huyện đúng quy định.

c) Nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra. Trước khi ban hành kết luận thanh tra phải xem xét kỹ lưỡng giải trình, lắng nghe ý kiến của Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra và cần thiết thì tham vấn các cơ quan chuyên môn có liên quan trước khi kết luận nhằm đảm bảo kết luận, kiến nghị chính xác, khách quan đúng pháp luật và có tính khả thi cao. Tránh kết luận chung chung, không làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý không cụ thể.

3. Về phối hợp trong xử lý sai phạm phát hiện qua thanh tra

Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chánh Thanh tra các cấp trong tỉnh tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý vi phạm phát hiện qua thanh tra:

a) Phối hợp với Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình vi phạm pháp luật; đối với những vụ việc đã tiến hành thanh tra nhưng chưa đủ căn cứ để kiến nghị khởi tố thì có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra phối hợp để xác minh làm rõ thêm; đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có văn bản đề nghị khởi tố và chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSTC-TTCP-BCA-BQP ngày 22/3/2012 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để xử lý theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Ủy ban Kiểm tra các cấp trong việc cung cấp thông tin qua thanh tra phát hiện đảng viên, tổ chức đảng có vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ hoặc trường hợp không thực hiện, thực hiện không đầy đủ kết luận, quyết định xử lý về thanh tra đến mức phải xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng thì có văn bản đề nghị Ủy ban kiểm tra Đảng các cấp xem xét xử lý hoặc đề nghị cấp ủy xử lý kỷ luật về Đảng theo Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Quy định số 263/QĐ-TW ngày 08/10/2014 của Ban chấp hành Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm.

c) Phối hợp kịp thời, đầy đủ với Sở Nội vụ để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trách nhiệm kỷ luật, xem xét đánh giá nhận xét phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của UBND tỉnh; đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Giao Chánh Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PTTH tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, các phòng Nghiên cứu, CBTH;
- Lưu: VT, NC (dmhai 486)

CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng