ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Hải Dương, ngày 21 tháng 6 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG KHAI, MINH BẠCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, CHẤN CHỈNH KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT TRONG GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đặc biệt là trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai thủ tục hành chính đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, các cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng đội ngũ công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính phù hợp với chuyên môn, phát huy tinh thần trách nhiệm và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Tuy nhiên, việc công khai thủ tục hành chính chưa được quan tâm thường xuyên, vẫn xảy ra tình trạng chậm công bố, niêm yết thủ tục hành chính; thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn kéo dài hơn so với quy định; tác phong, tinh thần, thái độ phục vụ người dân của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; một bộ phận công chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính còn có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc, gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng không tốt đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND ngày 29 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh về tổ chức và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ sau đây:
1. Về thực hiện thủ tục hành chính:
a) Rà soát, tổ chức niêm yết công khai danh mục, số lượng hồ sơ người dân, doanh nghiệp phải nộp; quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; các khoản phí, lệ phí người dân, doanh nghiệp phải nộp; họ tên, chức vụ của công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc.
b) Rà soát, xây dựng Quy chế, quy trình, nội quy và các biểu mẫu thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của đơn vị. Biểu mẫu thực hiện thủ tục hành chính tối thiểu phải được công khai tại trang Web của cơ quan và được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
c) Không yêu cầu người dân, doanh nghiệp nộp, xuất trình những loại giấy tờ không quy định trong hồ sơ.
d) Trả lời rõ ràng, dứt khoát về một vấn đề nào đó mà người dân, doanh nghiệp được hay không được phép làm.
đ) Hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo nguyên tắc khi cần yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì thông báo một lần bằng văn bản cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về toàn bộ các nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi bộ hồ sơ (Thông báo phải nêu rõ yêu cầu sửa đổi, bổ sung và lý do của việc yêu cầu sửa đổi, bổ sung).
e) Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan để tiếp nhận các góp ý về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của công chức, viên chức.
g) Tổ chức khảo sát, thăm dò mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị và đối với công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị.
2. Về quản lý, sử dụng công chức, viên chức:
a) Quán triệt đến công chức, viên chức thuộc quyền về đạo đức công vụ, cải cách hành chính; chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; thực hiện theo tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
b) Phân công nhiệm vụ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp với chuyên môn, năng lực sở trường của từng công chức, viên chức.
c) Duy trì thường xuyên công tác giáo dục, chấn chỉnh và nâng cao tinh thần thái độ, ý thức phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, trước hết là những người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
d) Thường xuyên kiểm tra bộ phận chuyên môn trực thuộc để chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
đ) Yêu cầu đối với công chức, viên chức:
- Phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; phải có tinh thần thái độ lịch sự, niềm nở, tôn trọng đối với người dân, doanh nghiệp khi tiếp xúc giải quyết công việc. Đối với những công việc có liên quan đến lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp phải giải thích cho người dân, doanh nghiệp hiểu để thực hiện, tránh dùng hình thức mệnh lệnh, áp đặt.
- Thực hiện nghiêm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, quy chế tiếp công dân; phát hiện và báo cáo cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về những vi phạm của công chức, viên chức.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo quản tài sản, bảo đảm phòng cháy chữa cháy, an ninh, trật tự cơ quan.
3. Tổ chức thực hiện:
a) Sở Tư pháp có trách nhiệm: Tổ chức kiểm tra việc thực hiện niêm yết công khai toàn bộ quy trình, thủ tục hành chính, thời hạn giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp ở tất cả các điểm tiếp nhận hồ sơ tài liệu, những nơi làm việc với người dân, doanh nghiệp tại các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra đôn đốc, tổng hợp chung các báo cáo của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (tại mục 1 nêu trên) để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối Quý; phối hợp với Sở Nội vụ định kỳ hàng năm tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
b) Sở Nội vụ có trách nhiệm: Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức. Là cơ quan đầu mối theo dõi, kiểm tra đôn đốc, tổng hợp chung các báo cáo của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện (tại mục 2 nêu trên) để báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối Quý; phối hợp với Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra đôn đốc tình hình thực hiện Chỉ thị.
c) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm: Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận và xử lý những vướng mắc, kiến nghị về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; trong đó chú trọng thực hiện việc theo dõi và đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xử lý kịp thời, dứt điểm những kiến nghị, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp về quy trình, thủ tục hành chính.
d) Các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức quán triệt thực hiện và theo dõi thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ trước ngày 20 của tháng cuối Quý, lập báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ tại mục 1, 2 nêu trên; gửi báo cáo về Sở Tư pháp, Sở Nội vụ để tổng hợp chung.
đ) Báo Hải Dương, Đài phát thanh và Truyền hình Hải Dương tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê phán những hành vi vi phạm, gây sách nhiễu, phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, cổ vũ, động viên kịp thời những điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ trong thi hành công vụ của đội ngũ công chức, viên chức.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1 Quyết định 1467/QĐ-HQQN năm 2017 về Quy định thực hiện giám sát kỷ cương kỷ luật hành chính, chấm công qua máy chấm công bằng vân tay tại Trụ sở Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
- 2 Quyết định 22/2016/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa Văn phòng và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 3 Quyết định 872/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Danh mục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông thuộc chức năng quản lý Sở Công Thương tỉnh Cà Mau
- 4 Quyết định 788/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Danh mục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông thuộc chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau
- 5 Quyết định 07/2016/QĐ-UBND Quy định về tổ chức và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 1 Quyết định 788/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Danh mục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông thuộc chức năng quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau
- 2 Quyết định 22/2016/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa Văn phòng và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai với cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông
- 3 Quyết định 872/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Danh mục cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên thông thuộc chức năng quản lý Sở Công Thương tỉnh Cà Mau
- 4 Quyết định 1467/QĐ-HQQN năm 2017 về Quy định thực hiện giám sát kỷ cương kỷ luật hành chính, chấm công qua máy chấm công bằng vân tay tại Trụ sở Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh