ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND | Bình Định, ngày 18 tháng 9 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ GIẾT MỔ ĐỘNG VẬT TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động giết mổ động vật đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo và ban hành chính sách đặc thù khuyến khích phát triển, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, thành phố Quy Nhơn đã có nhà đầu tư xây dựng 02 cơ sở giết mổ động vật tập trung quy mô cơ giới, chuẩn bị đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2018, góp phần cung cấp thực phẩm có nguồn gốc động vật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phục vụ cho người tiêu dùng trên địa bàn thành phố, khách du lịch và một số vùng lân cận. Trong khi đó, một số địa phương khác vẫn chưa tích cực xúc tiến, triển khai công tác này.
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng và tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung; thực hiện Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY ngày 11/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về tăng cường công tác vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và kiểm soát phát sinh dịch bệnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a. Chủ động tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung thuộc địa bàn theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến năm 2019. Kiên quyết đến cuối năm 2019, mỗi huyện, thị xã có ít nhất 01 cơ sở giết mổ động vật tập trung hoạt động. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
b. Thành lập Tổ công tác liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các điểm giết mổ, các quầy sạp ở chợ; chú trọng các điểm mua bán thịt tự phát tại vỉa hè, góc nhà tạm bợ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
c. Tăng cường công tuyên truyền trên Đài Truyền thanh địa phương về hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng thịt đã được kiểm soát của cơ quan thú y. Thông tin đến các chủ mua bán sản phẩm động vật vào địa bàn thành phố Quy Nhơn phải được giết mổ ở các cơ sở giết mổ tập trung. Nghiêm cấm việc buôn bán, giết mổ động vật chết, mắc bệnh để sử dụng làm thực phẩm. Công khai danh sách các cơ sở vi phạm trên Đài Truyền thanh địa phương để người tiêu dùng biết, không mua sản phẩm từ các cơ sở vi phạm.
d. UBND thành phố Quy Nhơn:
- Rà soát, tổng hợp các hộ giết mổ, mua bán động vật, sản phẩm động vật đang hoạt động trên địa bàn; tổ chức họp, đối thoại để tuyên truyền, vận động các hộ cam kết chấp hành đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung; phổ biến cụ thể kế hoạch, thời gian thực hiện, chính sách hỗ trợ di dời, quyền lợi được hưởng, trách nhiệm, nghĩa vụ, cũng như các quy định pháp luật liên quan, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/10/2018. Thiết lập điện thoại đường dây nóng, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, hội đoàn thể trong việc phát hiện, báo cáo và kịp thời phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm.
- Thành lập Ban Chỉ đạo, các Tổ Công tác về tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung của thành phố; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và duy trì hoạt động cho đến khi công tác giết mổ tập trung đi vào ổn định. Tổ công tác tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ, vỉa hè, các điểm giết mổ nhỏ lẻ, ngăn chặn không cho sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, không thực hiện giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung vào địa bàn thành phố, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Chú trọng, đảm bảo an ninh trật tự tại 02 cơ sở giết mổ động vật tập trung và khu vực chợ Đầm.
- Quy định sản phẩm động vật lưu thông, mua bán, tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, bếp ăn, nhà hàng, các điểm mua bán sản phẩm động vật… tại thành phố Quy Nhơn phải có dấu kiểm soát giết mổ xuất phát từ cơ sở giết mổ động vật tập trung, kể từ khi 02 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ cho người tiêu dùng và khách du lịch.
- Kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục xây dựng, xử lý chất thải, lắp đặt trang thiết bị, dây chuyền giết mổ và vận hành thử, đảm bảo hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 01/11/2018. Đồng thời, sớm có phương án đầu tư cải tạo hệ thống chiếu sáng và mở rộng tuyến đường giao thông ra vào 02 cơ sở giết mổ động vật tập trung để lưu thông được thuận lợi.
- Hướng dẫn Ban quản lý các chợ tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương cải tạo, nâng cấp, sắp xếp lại các quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ, đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn tại Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 3/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT; kiên quyết đến cuối năm 2019, không còn tồn tại các quầy, sạp kinh doanh sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, Đoàn Thanh tra liên ngành để triển khai công tác tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh; phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung và chỉ đạo quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực theo chức năng nhiệm vụ. Đoàn thanh tra liên ngành duy trì hoạt động thanh tra, kiểm tra cho đến khi công tác giết mổ động vật tập trung trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động ổn định; trước mắt, tập trung tại thành phố Quy Nhơn; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Đôn đốc các địa phương chủ động tổ chức triển khai xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung. Phối hợp hỗ trợ thành phố Quy Nhơn trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động giết mổ động vật tập trung khi 02 cơ sở giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động và tại chợ Đầm Quy Nhơn.
- Kiểm tra, thẩm định kỹ thuật các dây chuyền giết mổ trước khi đi vào hoạt động. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chịu trách nhiệm về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác kiểm soát giết mổ tại các sở sở giết mổ động vật tập trung.
3. Sở Y tế: chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sản phẩm động vật không có nguồn gốc và xử lý các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Quy Nhơn đề xuất kinh phí di dời; hướng dẫn nhà đầu tư các thủ tục để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ chi trả phí dịch vụ giết mổ, phí kiểm soát giết mổ theo Quyết định số 33/2014/QĐ- UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh. Bố trí kinh phí hỗ trợ cho Ban Chỉ đạo, Đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động cho đến khi công tác giết mổ động vật tập trung đi vào ổn định.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn cho nhà đầu tư về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định.
6. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố phân công lực lượng hỗ trợ các địa phương trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở giết mổ tập trung, chợ; tham gia tổ Công tác liên ngành cấp huyện; ngăn chặn kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây rối, chống đối người thi hành công vụ.
- Chỉ đạo lực lượng cảnh sát liên quan tham gia Đoàn thanh tra liên ngành cấp tỉnh cho đến khi công tác giết mổ động vật tập trung đi vào hoạt động ổn định; bảo vệ lực lượng chức năng khi đang thi hành công vụ.
7. Sở Công Thương: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn các chợ, siêu thị.. bố trí khu vực riêng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để kinh doanh sản phẩm động vật. Đồng thời, đề xuất bố trí địa điểm xây dựng chợ đầu mối mua bán sản phẩm động vật sớm đi vào hoạt động.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc hướng dẫn các cơ ba hoạt động vận chuyển, chế biến, kinh doanh và giết mổ gia súc, gia cầm trong công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở nêu trên thuộc thẩm quyền.
9. Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định: Tăng cường tuyên truyền về chủ trương giết mổ động vật tập trung của tỉnh và an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, giúp cho người tiêu dùng nâng cao nhận thức về lợi ích xã hội của công tác giết mổ động vật tập trung để sử dụng sản phẩm an toàn. Phát huy các tập thể, cá nhân chấp hành tốt. Đồng thời, phê phán những tập thể, cá nhân lơ là, chủ quan, thiếu quan tâm công tác này.
10. Các tổ chức, cá nhân vận chuyển, giết mổ, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật bắt đầu từ ngày 01/11/2018 (trên địa bàn thành phố Quy Nhơn): Hoạt động giết mổ động vật phải thực hiện tại cơ sở, điểm giết mổ được cơ quan có thẩm quyền cho phép, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chấp hành giết mổ động vật tại các cơ sở giết mổ động vật tập trung theo quy định. Không giết mổ động vật chết, bị bệnh để làm thực phẩm. Không mua bán sản phẩm động vật tươi sống tại vỉa hè, quầy, sạp... không đảm bảo an toàn thực phẩm. Những tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định pháp luật thú y, an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
11. Đề nghị các tổ chức, hội đoàn thể: Tăng cường tuyên truyền vận động hội viên, nhất là các hội viên có giết mổ, mua bán động vật và sản phẩm động vật chấp hành thực hiện chủ trương giết mổ động vật tập trung; Hướng dẫn người tiêu dùng không sử dụng thịt và các sản phẩm động vật khác khi chưa rõ nguồn gốc và không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y; phối hợp phát hiện và báo ngay cho chính quyền địa phương những hộ trốn tránh giết mổ động vật tại nhà, không chấp hành đưa vào giết mổ tại cơ sở giết mổ động vật tập trung.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1 Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý vận chuyển, giết mổ động vật và buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 2 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật đảm bảo an toàn thực phẩm do tỉnh Nghệ An ban hành
- 3 Chỉ thị 3005/CT-BNN-TY năm 2017 về tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4 Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giết mổ gia súc, gia cầm và phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật thành phố Hải Phòng
- 5 Quyết định 33/2014/QĐ-UBND Quy định về chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn 2015 - 2020
- 6 Thông tư 45/2014/TT-BNNPTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1 Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2015 tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giết mổ gia súc, gia cầm và phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật thành phố Hải Phòng
- 2 Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật đảm bảo an toàn thực phẩm do tỉnh Nghệ An ban hành
- 3 Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý vận chuyển, giết mổ động vật và buôn bán thuốc thú y trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 4 Quyết định 653/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030