Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Nam Định, ngày 27 tháng 8 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2014

Trong những tháng đầu năm 2014, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự giám sát của Hội đồng nhân dân; chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của chính quyền các cấp cùng với sự cố gắng nỗ lực của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được những kết quả ban đầu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn thách thức; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, thị trường hàng hóa thu hẹp, sức mua thấp, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn cao; doanh nghiệp phục hồi hoạt động trở lại không nhiều, khó hấp thụ vốn, tăng trưởng tín dụng thấp; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thời gian qua đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trong nước, trong đó có thu, chi ngân sách nhà nước.

Để phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu ngân sách nhà nước năm 2014 và tăng cường quản lý, điều hành ngân sách. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục bám sát các nội dung Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh chủ động, tập trung chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

1. Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 27/5/2014 của UBND tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2014-2015; vận động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn. Đồng thời chủ động nắm tình hình, dự báo những khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách trong thời gian tới; chuẩn bị tốt các giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh. Trên cơ sở đó, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng từ 8 - 10%.

- Chủ động phòng chống lụt bão, dịch bệnh ở người và trên đàn gia súc, gia cầm; tích cực chăm sóc, phòng chống dịch bệnh hại lúa mùa, phấn đấu đạt năng suất cao, giá trị hàng hóa lớn; đẩy mạnh làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sản xuất cây vụ đông, nhất là vụ đông trên đất 2 lúa trong khung thời vụ tốt nhất.

- Các Sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Nghị định số 67/2014 ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trước hết tổ chức kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ (tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ đào tạo ...) nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển nhanh, mạnh, bền vững, hiệu quả, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

- Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các giải pháp điều hành lãi suất cho vay, đối thoại trực tiếp và thực hiện chương trình kết nối với doanh nghiệp có hiệu quả, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận doanh nghiệp để tư vấn cho vay các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

- Sở Tài chính, Sở Công thương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường giá cả, kịp thời đề xuất biện pháp phù hợp, đúng quy định của pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm bình ổn giá cả, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng giá tăng đột biến trong các dịp lễ, tết. Ban chỉ đạo 389 của tỉnh đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi chuyển giá, buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại.

2. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế:

- Cục Thuế tỉnh chỉ đạo toàn ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm chắc các đối tượng, nguồn thu ngân sách, tình hình nợ đọng thuế, từ đó đề ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm quản lý, khai thác triệt để các nguồn thu, tích cực thu ở các lĩnh vực, ngành nghề có khả năng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế.

- Tích cực đôn đốc thu kịp thời số thuế và các khoản thu ngân sách được gia hạn trong năm 2013 đến hạn phải nộp vào ngân sách. Tổ chức thực hiện đầy đủ, thu kịp thời các khoản phải thu theo kết quả Kiểm toán, Thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế và các khoản nợ đọng thuế. Kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế phát sinh vào ngân sách.

- Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục hành chính Thuế và Hải Quan, tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian nộp thuế cho người nộp thuế trong việc thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ đối với nhà nước.

- Cục Thuế phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Hải quan, Công an, Chi cục QLTT, Bộ đội biên phòng trong công tác quản lý thu, chống thất thu, có kế hoạch thu nợ đọng thuế, chấn chỉnh kịp thời các hành vi kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại.

3. Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng chế độ, tiết kiệm và hiệu quả.

a) Thực hiện thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách các cấp đối với số vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014 đã giao trong dự toán đầu năm nhưng đến 30/6/2014 chưa phân bổ cho các dự án, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện các công việc của dự án theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; kinh phí thường xuyên đã giao dự toán cho các đơn vị nhưng đến 30/6/2014 vẫn chưa phân bổ hết (trừ một số khoản được phép để lại phân bổ sau theo quy định).

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA, tích cực thanh toán và thu hồi tạm ứng.

Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch năm 2014 sang năm 2015 (trừ một số trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài).

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 21/01/2013 của UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu khắc phục nợ đọng XDCB trên địa bàn tỉnh Nam Định. Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo trình tự, thủ tục đầu tư từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt đấu thầu, tổ chức thi công và thanh toán quyết toán công trình. Chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công công trình đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và thẩm mỹ công trình sớm đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả vốn đầu tư phát triển.

- Hạn chế tối đa việc ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, thiên tai dịch bệnh và phải cân đối bố trí được nguồn để hoàn trả vốn ứng trước.

b) Rà soát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành về an sinh xã hội; nhất là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo. Thực hiện chi trả kịp thời, đúng tiêu chuẩn, định mức chi tiêu theo quy định của nhà nước.

c) Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách; trong đó:

- Chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với các khoản chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, xe ô tô... tuy đã đến thời hạn thanh lý, thải loại nhưng vẫn có thể khắc phục sử dụng được. Sau ngày 31/10/2014, sẽ ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu.

- Hạn chế tối đa việc tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ khánh thành; kiên quyết cắt giảm, không tổ chức hội nghị, hội thảo có nội dung không thiết thực. Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý và kết hợp hợp lý các loại cuộc họp, tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo điều hành và xử lý các công việc liên quan... qua đó tiết giảm chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước.

- Quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi thực sự cần thiết theo đúng quy định. Kiên quyết không thực hiện chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm.

4. Điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp:

- Các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để ứng phó với thiên tai, bão lũ và các nhu cầu đột xuất, cấp thiết phát sinh. Ngân sách tỉnh chỉ xem xét hỗ trợ trong trường hợp các nhu cầu chi phát sinh nêu trên vượt quá khả năng của địa phương.

- Trường hợp thu cân đối ngân sách địa phương giảm so với dự toán, cần rà soát, sắp xếp và phân loại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, trong đó phải đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi về tiền lương và các khoản có tính chất lương, các khoản chi để đảm bảo hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, các khoản chi an sinh xã hội, chi đầu tư xây dựng cơ bản các công trình quan trọng; đồng thời tích cực chủ động sử dụng các biện pháp quyết liệt tăng thu ngân sách để bù đắp số hụt thu cân đối ngân sách.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

- Tiếp tục thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong thu - chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, đơn vị và địa phương.

5. Tổ chức thực hiện:

- Các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ và những nội dung của Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị mình để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014.

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan Nam Định có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị; tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đoàn Hồng Phong