THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 16-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH VÀ SỰ NGHIỆP TRONG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1962
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi | - Các ông bộ trưởng các bộ, |
Tại hội nghị truyền đạt nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch Nhà nước năm 1962, các cơ quan và địa phương đã hoàn toàn nhất trí về tình hình thực hiện kế hoạch của Nhà nước năm 1961, về nhiệm vụ của kế hoạch năm 1962 đồng thời đã nhất trí đề cao ý chí và quyết tâm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy mạnh mẽ lực lượng to lớn của quần chúng, hoàn thành vượt mức toàn bộ các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1962.
Riêng về kế hoạch lao động tiền lương khu vực không sản xuất vật chất năm 1962 (một bộ phận khăng khít và quan trọng của kế hoạch Nhà nước) Hội đồng Chính phủ, sau khi xem xét cân đối giữa các mặt về nhiệm vụ công tác và khả năng đài thọ của Nhà nước, đã thông qua các chỉ tiêu cụ thể cho từng Bộ và từng địa phương.
Để các ngành, các cấp chấp hành các chỉ tiêu đó một cách thông suốt, nghiêm chỉnh, Thủ tướng Chính phủ có một số nhận xét và đề ra một số nguyên tắc và biện pháp như sau:
I. NHẬN XÉT VỀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC BỘ MÁY BIÊN CHẾ VÀ CÁN BỘ.
Từ hòa bình lập lại qua các đợt kiện toàn tổ chức, giảm nhẹ biên chế và các cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến kỹ thuật, chúng ta đã thu được nhiều kết quả tốt, tổng số nhân viên công tác cả khu vực sản xuất và khu vực không sản xuất đã phát triển dần dần có kế hoạch, theo chiều hướng có lợi cho sản xuất và công tác.
Nhưng từ cuối năm 1960 lại đây, tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương đã phát triển nhiều và trở nên cồng kềnh, không hợp lý, số nhân viên công tác cũng phát triển nhanh, vượt quá chỉ tiêu lao động tiền lương của kế hoạch Nhà nước, làm mất cân đối giữa lao động và sản xuất, gây nên lãng phí sức người sức của, ảnh hưởng không tốt đến nhiều mặt… Mặt khác, hiện nay cán bộ có chất lượng đã thiếu lại còn phải rút đi công tác đột xuất nên càng thiếu hơn; cán bộ do nguồn bộ đội chuyển ngành cung cấp cũng hết, nếu lấy ở xã, ở huyện lên, thì sẽ làm cho xã và huyện yếu đi; nếu lấy người mới vào làm công tác chỉ đạo, nghiên cứu, nghiệp vụ, thì cũng không làm được.
Trong tình hình như thế, nếu cứ tăng thêm số nhân viên công tác, dùng số lượng để thay cho chất lượng thì chỉ làm cho bộ máy thêm cồng kềnh, chất lượng không bảo đảm mà còn gây thêm khó khăn, bế tắc cho nên vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “cải tiến công tác, cải tiến tổ chức, cải tiến lề lối làm việc” đồng thời thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, để nâng cao hiệu suất công tác và giảm nhẹ số nhân viên công tác. Các chỉ tiêu lao động tiền lương của khu vực không sản xuất năm 1962 đã được quy định trên tinh thần đó.
II. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC, VÀ BIỆN PHÁP CẦN ÁP DỤNG TRONG KHI THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU BIÊN CHẾ HÀNH CHÍNH VÀ SỰ NGHIỆP NĂM 1962.
1. Các chỉ tiêu biên chế hành chính và sự nghiệp năm 1962 quy định cho mỗi Bộ, mỗi địa phương là bao gồm tất cả nhân viên công tác thường xuyên thoát ly từ thị xã, huyện trở lên trong các cơ quan Nhà nước và các cơ quan đoàn thể được Nhà nước cấp phát tiền lương. Đó là những pháp lệnh của Nhà nước, các ngành, các cấp không những phải bảo đảm không vượt, mà còn phải phấn đấu thực hiện dưới mức các chỉ tiêu đó. Các ngành, các cấp không đựơc tự tiện điều chỉnh các chỉ tiêu đã được quy định và không được rút từ chỉ tiêu này đưa qua chỉ tiêu khác.
2. Việc bố trí số nhân viên công tác chỉ có thể nằm trong phạm vi các chỉ tiêu đã quy định. Trường hợp số người có mặt cuối năm 1961 cao hơn chỉ tiêu (tối đa) quy định cho năm 1962, thì số chênh lệch là biên chế thừa, và số thừa đó phải giải quyết xong đầu quý II năm 1962, theo tinh thần chỉ thị số 161-CP ngày 12/10/1961 của Chính phủ.
3. Các Bộ, các cơ quan trung ương và Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu lao động tiền lương khu vực không sản xuất đã được Nhà nước quy định và phải theo sự hướng dẫn của Bộ Nội vụ; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng biên chế, nắm chắc danh sách người có mặt hàng tháng để đối chiếu với các chỉ tiêu, đồng thời giữ vững việc lập và gửi các báo cáo thống kê thường kỳ theo yêu cầu của Bộ Nội vụ.
4. Với chức năng của mình là giúp Chính phủ quản lý biên chế hành chính và sự nghiệp toàn quốc, Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện tốt các chỉ tiêu đã quy định, đồng thời thực hiện tốt các chỉ tiêu đã quy định, đồng thời theo dõi tổng hợp tình hình để thường kỳ báo cáo lên Chính phủ.
Các ngành, các cấp thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị này, nếu có vấn đề gì chưa rõ, thì trao đổi với Bộ Nội vụ.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Thông tư 15-BYT-TT-1965 về việc tuyển sinh xét nghiệm viên trong biên chế Nhà nước đi học bổ túc lên y sĩ xét nghiệm niên khóa 1965 – 1966 do Bộ Y tế ban hành
- 2 Thông tư 177-TC/TVHC năm 1962 hướng dẫn chỉ têu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất vật chất trong kế hoạch Nhà nước năm 1962 do Bộ Tài Chính ban hành
- 1 Chỉ thị 311-CT năm 1991 đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 109-HĐBT về sắp xếp biên chế hành chính - sự nghiệp do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
- 2 Thông tư 15-BYT-TT-1965 về việc tuyển sinh xét nghiệm viên trong biên chế Nhà nước đi học bổ túc lên y sĩ xét nghiệm niên khóa 1965 – 1966 do Bộ Y tế ban hành
- 3 Thông tư 177-TC/TVHC năm 1962 hướng dẫn chỉ têu quỹ tiền lương thuộc khu vực không sản xuất vật chất trong kế hoạch Nhà nước năm 1962 do Bộ Tài Chính ban hành