BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 177-TC/TVHC | Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 1962 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Kính gửi: | - Các ông bộ trưởng các bộ, - các ông thủ trưởng các cơ quan ngang bộ và các cơ quan trực thuộc hội đồng chính phủ, |
Chỉ tiêu kế hoạch quỹ tiền lương năm 1962 thuộc khu vực không sản xuất vật chất đã được Hội đồng Chính phủ thông qua cụ thể cho từng Bộ và từng địa phương trong phiên họp tháng 12 năm 1961.
Ngày 09-02-1962 Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 16-TTg quy định những nguyên tắc, biện pháp thực hiện chỉ tiêu biên chế quỹ tiền lương nói trên đối với các ngành, các cấp. Cũng ngày 09-02-1962 Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 05-BC-NV giải thích cụ thể nội dung chỉ tiêu biên chế năm 1962 của từng ngành,
Dưới đây, Bộ Tài chính giải thích thêm một số điểm cụ thể về việc thực hiện chỉ tiêu quỹ tiền lương năm 1962 để các ngành, các cấp nghiên cứu áp dụng cho thống nhất.
I. PHƯƠNG HƯỚNG THỰC HIỆN CHỈ TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNGTHUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT NĂM 1962
Chỉ tiêu quỹ tiền lương là một trong những pháp lệnh của Nhà nước mà các ngành, các cấp đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nhằm đảm bảo không được vượt đồng thời cố gắng phấn đấu để thực hiện dưới mức quỹ tiền lương đã được Nhà nước quy định.
Việc chỉ tiêu quỹ tiền lương phải theo đúng nguyên tắc: triệt để tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ tiền lương và căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã được Hội đồng Chính phủ quy định cho từng đơn vị.
II. NỘI DUNG CHỈ TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG NĂM 1962THUỘC KHU VỰC KHÔNG SẢN XUẤT VẬT CHẤT
- Chỉ tiêu quỹ tiền lương năm 1962 thuộc khu vực không sản xuất vật chất bao gồm tiền lương (lương cấp bậc và phụ cấp lương) của tất cả cán bộ, công nhân, viên chức chưa thoát ly công tác thường xuyên ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp từ thị xã,huyện đến trung ương đã được Hội đồng Chính phủ quy định cụ thể cho các ngành các cấp (kể cả lương và phụ cấp lương của nhân viên làm công tác nghệ thuật văn công, điện ảnh... hưởng lương của quỹ kinh doanh tự túc, lương và phụ cấp lương của nhân viên làm công tác phụ trách xã vùng rẻo cao, lương và phụ cấp lương của nhân viên cấp dưỡng phục vụ bệnh nhân ở các bệnh viên và trại điều dưỡng, lương và phụ cấp lương của nhân viên cấp dưỡng phục vụ các cháu ở các trại nhi đồng Miền Nam, lương và phụ cấp lưong của cán bộ đi công tác tạm thời ở nước ngoài theo thể lệ hiện hành).
- Chỉ tiêu quỹ tiền lương năm 1962 không gồm: lương và phụ cấp lương của cán bộ chuyên trách công tác Đảng và Đoàn Thanh niên lao động ở các công trường, xí nghiệp; lương và phụ cấp lương của nhân viên cấp dưỡng, giữ trẻ phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đoàn thể, bệnh viện, trường học... lương và phụ cấp lương của cán bộ công tác ở ngoài nước (cán bộ, nhân viên các Đại sứ quán và tổ Thương vụ...); lương và phụ cấp lương của cán bộ đi học dài hạn ở trong nước đã cắt biên chế ở cơ quan, và cũng không gồm lương và phụ cấp lương của cán bộ, nhân viên già yếu mất sức lao động có đủ điều kiện được cơ quan cho thôi việc hay về hưu theo điều lệ bảo hiểm xã hội.
- Chỉ tiêu quỹ tiền lương năm 1962 của các khu, tỉnh, thành phố chưa tính tiền lương của cán bộ, nhân viên Công an, Tòa án (do ngân sách địa phương đài thọ) và tiền lương của Viện kiểm sát địa phương (do kinh phí của ngành dọc đài thọ), Bộ tài chính sẽ thông báo cụ thể sau.
III. ĐỐI TƯỢNG VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ TIÊU QUỸ TIỀN LƯƠNG NĂM 1962
- Chi tiêu quỹ tiền lương năm 1962, thuộc khu vực không sản xuất vật chất, chỉ được dùng để trả lương và phụ cấp lương cho cán bộ nhân viên công tác thường xuyên thoát ly theo đúng chính sách chế độ và chỉ tiêu biên chế đã được Nhà nước quy định, tuyệt đối không dùng quỹ tiền lương để chi vào việc khác, ngược lại, không được lấy kinh phí khác để trả lương cho cán bộ, công nhân viên chức.
- Quỹ dự trữ để trả lương phụ động, tạm thời (bằng 5% quỹ tiền lương của cơ quan) chỉ được dùng để trả lương những người được cơ quan thuê mướn tạm thời dăm bẩy ngày, không được dùng để tuyển thêm người làm việc thường xuyên hoặc để chi vào việc ngày, ngược lại, cũng không được lấy kinh phí khác để chi về thuê mướn nhân viên phụ động, tạm thời.
- Nếu chỉ tiêu quỹ tiền lương năm 1962 (kể cả quỹ tiền lương phụ động) còn thừa bất kỳ vì lý do gì, đều hủy bỏ, không được dùng để chi vào việc khác hoặc tăng biên chế hay tăng lương và phụ cấp cho cán bộ.
- Các cơ quan, các ngành, các cấp có số cán bộ, công nhân viên chức có mặt đầu năm cao hơn chỉ tiêu biên chế của Hội đồng Chính phủ quy định, thì phải cố gắng giải quyết xong đầu tháng 4-1962 như Chỉ thị số 16-TTg ngày 09-02-1962 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định. Từ tháng 04-1962 trở đi, Bộ Tài chính và các Bộ, Ty Tài chính chỉ có trách nhiệm cấp phát kinh phí để trả lương cho số người dưới mức hoặc ngang mức chỉ tiêu tối đa đã được quy định, nhưng cộng cả năm cũng không được vượt quá chỉ tiêu biên chế bình quân, cơ quan tài chính và các bộ phận tài vụ của các ngành không có trách nhiệm cấp phát kinh phí để trả lương cho số biên chế thừa. Số tiền lương các đơn vị đã chi vượt quá chỉ tiêu biên chế trong quý I/1962, cơ quan tài chính sẽ trừ dần vào hạn mức tiền lương của các quý tiếp sau (quý II, III, IV) để đảm bảo không vượt quá chỉ tiêu biên chế bình quân và chỉ tiêu quỹ tiền lương cả năm đã được Hội đồng Chính phủ quy định cho từng Bộ, từng địa phương.
Để Bộ Tài chính nắm được tình hình thực hiện chỉ tiêu quỹ tiền lương của các cơ quan, các ngành, các cấp trong từng thời gian nhất định được kịp thời và chính xác để báo cáo lên Chính phủ và giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ quỹ tiền lương, bắt đầu từ tháng 04-1962 các cơ quan, các ngành, các cấp có trách nhiệm thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu quỹ tiền lương hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm của đơn vị mình cho cơ quan tài chính cùng cấp vào sao gửi Bộ tài chính.
Các Sở, Ty tài chính sau khi xét duyệt báo cáo biên chế, quỹ tiền lương của các ngành ở địa phương, phải làm báo cáo tổng hợp từng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm của toàn khu, tỉnh, thành phố gửi về Bộ tài chính (mẫu báo cáo sẽ gửi sau).
Để đưa công tác báo cáo biên chế, quỹ tiền lương vào nền nếp theo chế độ đã quy định, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước, đề nghị các vị thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các cấp chú ý chỉ đạo, đôn đốc để việc báo cáo thu được kết quả.
Trong quá trình thực hiện, nếu có mắc mứu gì, đề nghị các cơ quan, các ngành, các cấp báo cáo cho Bộ Tài chính biết để nghiên cứu giải quyết.
THOẢ THUẬN | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH Trịnh Văn Bính |