UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND | Hải Dương, ngày 27 tháng 6 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH CHỐNG TỆ NẠN MA TUÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma tuý trên địa bàn tỉnh đã được các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể rất quan tâm, trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, đã đem lại những kết quả tích cực, quần chúng, nhân dân đã tham gia có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm về ma túy; Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý của các lực lượng chức năng đã được đẩy mạnh, triệt xoá, bóc gỡ được nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm về ma tuý; Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai nghiện ma tuý được quan tâm, góp phần kìm chế sự gia tăng số người nghiện ma tuý.
Tuy nhiên, tình hình tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp có chiều hướng ra tăng; tội phạm về ma túy và các tụ điểm phức tạp về ma tuý đã được giải quyết nhưng vẫn còn những tiềm ẩn phát sinh mới, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để công tác phòng, chống ma túy tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các cấp, các ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thường xuyên quán triệt và có các biện pháp thiết thực để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu trong Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26 tháng 3 năm 2008 của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 59-KH/TU ngày 25 tháng 6 năm 2008 của Tỉnh uỷ Hải Dương, Kế hoạch số 1038/KH-BCĐ ngày 30 tháng 7 năm 2007 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh đến từng cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma tuý, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng góp phần đắc lực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
2. Công an tỉnh tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh triệt xoá các đường dây, băng nhóm tội phạm về ma túy; giải quyết dứt điểm các điểm, tụ điểm về ma tuý, ngăn ngừa không để xảy ra việc trồng các loại cây có chứa chất ma túy trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng các loại hình kinh doanh, dịch vụ trong các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke để tổ chức mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy; đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể phát động phong trào nhân dân tích cực tham gia phòng, chống ma tuý ở cơ sở.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan thường trực, rà soát các văn bản pháp quy cũng như cơ chế chính sách về phòng, chống ma tuý mà tỉnh đã ban hành; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về phòng, chống ma tuý của tỉnh cho phù hợp với thực tiễn, để từ đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện các nhiệm vụ của công tác phòng, chống ma tuý trong tình hình mới.
4. Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh và đa dạng hoá hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống ma tuý, trong đó coi trọng hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cấp xã; tập trung tuyên truyền trực tiếp cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên, nhất là người nghiện ma tuý ở cộng đồng và trong các trung tâm… nhằm giảm người nghiện mới.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và liên đoàn Lao động tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành chỉ đạo, triển khai việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, công sở, doanh nghiệp, trường học và khu dân cư không có ma túy.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma tuý và tăng cường các biện pháp ngăn ngừa ma tuý xâm nhập vào trường học và các cơ sở giáo dục.
7. Sở Y tế tiếp tục triển khai ứng dụng các loại thuốc cai nghiện ma tuý và hướng dẫn thực hiện các biện pháp y tế để cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện tập trung và tại cộng đồng; Phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan chỉ đạo tăng cường cán bộ và đầu tư trang thiết bị cho công tác cai nghiện; tổ chức lồng ghép các biện pháp giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác qua sử dụng ma tuý; tăng cường công tác phối hợp, quản lý, kiểm tra, kiểm soát đi đôi với xử lý những vi phạm của các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc tân dược có liên quan đến chất gây nghiện, chất hướng thần, hoá chất, tiền chất.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các ngành, đoàn thể có liên quan tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tổ chức cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh, đi đôi với coi trọng và nhân rộng các mô hình cai nghiện khác có hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động xã hội để phòng, chống tái nghiện; Hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho người nghiện trong quá trình cai nghiện và tạo việc làm cho những người đã hoàn thành cai nghiện; đổi mới nội dung, phối hợp quản lý người nghiện sau cai nghiện và chủ động đề xuất các biện pháp thiết thực để giúp đỡ những người đã qua cai nghiện. Phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục xã hội hoá công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các đề án điều trị cai nghiện ma tuý.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền cấp cơ sở nơi có địa bàn phức tạp về tệ nạn ma tuý triển khai thực hiện đồng bộ cả 3 giải pháp: tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý; tăng cường đưa người nghiện đi cai nghiện tập trung, làm tốt công tác quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng và nhân rộng các điển hình về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
Chủ tịch UBND cấp dưới chịu trách nhiệm trước Uỷ ban nhân dân cấp trên nếu để xảy ra tệ nạn ma tuý phức tạp trên địa bàn; Trưởng ban chỉ đạo huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm lập kế hoạch phòng ngừa, tổ chức ký liên kết với các đơn vị giáp ranh, phát hiện và tổ chức đấu tranh giải quyết kịp thời tệ nạn ma tuý phát sinh, kiên quyết không để hình thành tụ điểm phức tạp mới. Phấn đấu đến năm 2012 không còn địa bàn trọng điểm phức tạp về ma tuý.
10. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan điều tra giải quyết kịp thời các vụ án về ma tuý trên địa bàn; chú trọng xác định các vụ án trọng điểm để xét xử lưu động đến địa bàn dân cư nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, răn đe và phòng ngừa tội phạm ở ngay cơ sở.
11. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, phối hợp với chính quyền cùng cấp triển khai thực hiện các mô hình, chuyên đề, phong trào của cuộc vận động phòng, chống ma tuý như: chuyên đề “Xây dựng gia đình, dòng họ, thôn xóm, khu dân cư, xã, phường, cơ quan, đơn vị, trường học không có tệ nạn ma tuý”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”.
12. Đề nghị Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì xây dựng các chương trình, kế hoạch và giải pháp để đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và ma tuý nói riêng trong thanh, thiếu niên.
Nhận được Chỉ thị này yêu cầu các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Giao thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Công an tỉnh) có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh theo chế độ quy định./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND thông qua Đề án Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2013 - 2015
- 2 Chỉ thị 21-CT/TW năm 2008 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới do Bộ Chính trị ban hành
- 3 Quyết định 27/2007/QĐ-UBND sửa đổi quy định chính sách tài chính phục vụ công tác phòng chống ma tuý kèm theo quyết định 22/2007/QĐ-UBND do tỉnh Sơn La ban hành
- 4 Quyết định 65/2006/QĐ-UBND bố trí cán bộ phòng, chống ma tuý tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 5 Chỉ thị 27/CT-UB năm 1998 về việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 do Tỉnh Bến Tre ban hành
- 1 Quyết định 27/2007/QĐ-UBND sửa đổi quy định chính sách tài chính phục vụ công tác phòng chống ma tuý kèm theo quyết định 22/2007/QĐ-UBND do tỉnh Sơn La ban hành
- 2 Nghị quyết 23/2012/NQ-HĐND thông qua Đề án Tăng cường phòng, chống và đẩy lùi tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2013 - 2015
- 3 Quyết định 65/2006/QĐ-UBND bố trí cán bộ phòng, chống ma tuý tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 4 Chỉ thị 27/CT-UB năm 1998 về việc thực hiện Chương trình hành động phòng, chống ma tuý giai đoạn 1998-2000 do Tỉnh Bến Tre ban hành