Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 187-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 05 năm 1979 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1980.

Kế hoạch nhà nước năm 1980 có vị trí rất quan trọng, vì là kế hoạch năm cuối thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch 5 năm 1976-1980 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985). Việc tổ chức xây dựng kế hoạch Nhà nước năm 1980 phải theo đúng yêu cầu “thật sự đổi mới kế hoạch hoá cả nội dung và phương pháp” như nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành trung ương Đảng đã đề ra.

Phương hướng cơ bản về đổi mới công tác kế hoạch hoá là phải xuất phát chủ yếu từ lao động, đất đai, rừng, biển và các tư liệu sản xuất khác hiện có để khai thác hết tiềm năng, vươn lên tự giải quyết những vấn đề cấp bách mà ta có khả năng giải quyết; phải mở rộng quyền chủ động để các cơ sở, các địa phương, các ngành làm chủ được kế hoạch của mình, làm tốt công việc xây dựng kế hoạch Nhà nước từ cơ sở và huyện lên, khắc phục tình trạng vừa tập trung quan liêu, vừa phân tán dàn đều, thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch; phải thể hiện các chủ trương kinh tế của Đảng thành các phương án kinh tế kỹ thuật tốt, coi trọng hiệu quả kinh tế của kế hoạch và từng bước khắc phục lề lối thói hành chính bao cấp trong quản lý; cần áp dụng tốt các phương pháp kế hoạch theo định mức và định chuẩn, chương trình đồng bộ theo mục tiêu, cân đối liên ngành… và mạnh dạn sử dụng tóan kinh tế, máy tính điện tử vào việc tính toán kế hoạch.

Đây là sự đổi mới toàn diện về cả nội dung và phương pháp kế hoạch hoá, đòi hỏi phải gắn liền với việc đổi mới toàn bộ các khâu trong hệ thống quản lý kinh tế.

Việc xây dựng kế hoạch năm 1980 của các ngành, các cấp phải quán triệt sâu sắc tình hình và nhiệm vụ chính trị, kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức chỉ đạo thực hiện cho được kế hoạch Nhà nước năm 1979 và chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981-1985), nhằm tập trung giải quyết các mục tiêu quan trọng và cấp bách, nhất là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu để thực hiện tốt các nhiệm vụ chung mà nghị quyết Hội nghị lần  thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra:

- Đẩy mạnh sản xuất và cải tạo xã hội chủ nghĩa, ổn định và bảo đảm đời sống cho nhân dân;

- Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ tổ quốc;

- Tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Đồng thời với ba nhiệm vụ chung đó, chúng ta phải làm tốt nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và Cam-pu-chia.

Căn cứ vào ý kiến của Bộ Chính trị về số kiểm tra kế hoạch Nhà nước năm 1980, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp tập trung làm tốt một số việc cấp bách sau đây:

1. Tập trung chỉ đạo xây dựng tốt kế hoạch của cơ sở và huyện, kiên quyết thực hiện việc tổng hợp kế hoạch nhà nước từ cơ sở và huyện lên.

Việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch Nhà nước từ cơ sở và huyện lên là một yêu cầu quan trọng về đổi mới công tác kế hoạch hoá đồng thời là một khâu bức thiết để tăng cường cơ sở và xây dựng cấp huyện, nhằm giải quyết những vấn đề cực kỳ to lớn của nền kinh tế, trước hết là lương thực và thực phẩm, xây dựng từng bước cơ cấu kinh tế nông – công nghiệp của huyện, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, và xây dựng huyện thành pháo đài bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là cách làm kế hoạch dựa vào sức mình là chính, xuất phát từ thế mạnh của ta để chủ động giải quyết những khó khăn trong cân đối kế hoạch, bảo đảm cho kế hoạch Nhà nước vừa tích cực, vừa vững chắc. Vì vậy, tất cả các ngành ở trung ương đều có trách nhiệm phối hợp với tỉnh đi sát chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho huyện và cơ sở xây dựng tốt kế hoạch.

a) Đối với kế hoạch của các đơn vị cơ sở.

Mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phải có chủ trương và biện pháp cụ thể để khai thác và tận dụng mọi khả năng tiềm tàng về lao động, đất đai, rừng, biển, các tài nguyên thiên nhiên khác và năng lực sản xuất hiện có để đẩy mạnh sản xuất, phát triển ngành nghề, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm đóng góp cho Nhà nước và xuất khẩu, giải quyết tốt đời sống.

Các đơn vị cơ sở quốc doanh, căn cứ vào số kiểm tra kế hoạch cấp trên giao, chủ động bố trí kế hoạch toàn diện của đơn vị mình, có quyền quyết định các mặt cân đối kế hoạch cụ thể, đề ra mức phấn đấu cao hơn số kiểm tra về các chỉ tiêu nhiệm vụ, chú trọng các kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tăng lợi nhuận. Mở rộng quyền cho các đơn vị cơ sở trong việc sản xuất và lưu thông một cách thuận tiện các mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư, đặc biệt là đối với các mặt hàng dựa vào khai thác nguồn nguyên liệu trong nước, những mặt hàng tận dụng phế liệu, phế phẩm. Đối với những mặt hàng này, xí nghiệp đưa vào kế hoạch sản xuất phụ, lập thành phương án riêng, nêu rõ hiệu quả sản xuất để tổ chức thực hiện, đồng thời báo cáo lên trên cấp trên xem xét và hỗ trợ.

Các đơn vị kinh tế tập thể, trên cơ sở bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và bán sản phẩm cho Nhà nước (kể cả sản phẩm cho xuất khẩu), theo hợp đồng kinh tế hai chiều, có quyền tự quyết định nội dung kế hoạch toàn diện của đơn vị mình, từ việc bố trí chỉ tiêu sản xuất, giải quyết các mặt cân đối đến việc phân phối trong nội bộ hợp tác xã, quyết định mức thu nhập bằng tiền và bằng hiện vật, đặc biệt là mức lương thực để lại ăn trong nông dân.

Riêng đối với các đơn vị cơ sở vùng bị địch đánh phá, tuỳ theo mức độ thiệt hại và tình hình sơ tán mà bố trí kế hoạch cụ thể để hoàn thành những nhiệm vụ cấp bách về khôi phục sản xuất và ổn định đời sống trong thời gian ngắn nhất. Chú trọng giải quyết tốt các vấn đề thu dọn mặt bằng, làm vệ sinh; sửa sang và khôi phục những phần bị hư hại, ổn định điều kiện ăn, ở cho cán bộ, công nhân, tổ chức lại dây chuyền sản xuất, bố trí lại lực lượng lao động, đưa  mọi người lao động mau chóng trở về làm việc, tận dụng lực lượng sẵn có để sớm làm ra sản phẩm và đạt mức sản lượng cao  nhất.

b) Đối với kế hoạch cấp huyện.

 Ban bí thư trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã có văn bản riêng hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch cấp huyện, Chỉ thị này nêu những điểm chính.

Các huyện phải chỉ đạo các xã, các hợp tác xã và các cơ sở quốc doanh trực thuộc huyện xây dựng kế hoạch và tổng hợp kế hoạch của huyện ngay từ cơ sở; đồng thời tham gia với các Ty của tỉnh và các tổng hợp công ty, công ty và liên hiệp các xí nghiệp của bộ về kế hoạch của các xí nghiệp trực thuộc tỉnh và Trung ương đặt trên địa bàn huyện. Thông qua việc xây dựng tốt kế hoạch ở các cơ sở, huyện nắm chắc được các khả năng và nhu cầu, các điều kiện thuận lợi và thế mạnh của mình cũng như các khó khăn phải giải quyết để bố trí cân đối kế hoạch tích cực và vững chắc.

Hướng dẫn tập trung chủ yếu của kế hoạch cấp huyện là phải ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng xuất khẩu, mà mục tiêu quan trọng là phấn đấu trong vài ba năm tới giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm, để đảm bảo các nhu cầu đời sống cho nhân dân địa phương và tăng mức đóng góp cho trung ương. Các huyện đồng bằng Sông Hồng, sông Cửu Long, đồng bằng các tỉnh miền Trung phải cung cấp ngày càng nhiều lương thực cho nhà nước; các vùng khác phải tự cân đối được lương thực và vươn lên có thừa đóng góp cho trung ương. Các huyện ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các huyện miền núi chú ý giải quyết lương thực trong khi phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi và nghề rừng. Phải vừa ra sức thâm canh, vừa tích cực khai hoang mở rộng diện tích, chú trọng cả lúa và hoa màu; đặt vấn đề giải quyết màu một cách toàn diện, tự chế biến đến vận chuyển, tiêu dùng.

Cần thấy trước điều kiện vật chất mà Nhà nước có thể đáp ứng cho nhu cầu nông nghiệp năm 1980 như phân bón, thuốc trừ sâu và một số vật tư khác (xăng dầu, phụ tùng, máy kéo…) vốn đầu tư và vật liệu xây dựng… nhiều nhất chỉ bằng mức năm 1979. Vì vậy, phải nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng lao động, đất đai, máy móc hiện có và mọi khả năng khác để đưa diện tích, năng suất, sản lượng tăng lên theo yêu cầu của nền kinh tế trước tình hình mới. Mặt khác, trong bố trí kế hoạch, phải tập trung vốn và vật tư cho những nhiệm vụ chủ yếu, cho địa bàn trọng điểm, và phải hết sức giảm hao phí vật chất để làm ra nhiều của cải, nhiều sản lượng hàng hóa với số lượng vật tư, phương tiện có hạn. Đi đôi với kế hoạch đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phải chú trọng giải quyết tốt các biện pháp bảo đảm thực hiện kế hoạch Nhà nước về huy động và giao nộp lương thực, thực phẩm và các nông sản xuất khẩu.

Việc tổ chức xây dựng kế hoạch của cơ sở và huyện thuộc trách nhiệm chính của cấp huyện và các tỉnh, thành phố. Các ngành ở trung ương, trước hết là Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp, Bộ Thuỷ lợi, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Hải sản, Bộ lương thực và thực phẩm, Bộ Giao thông vận tải… phải cử cán bộ xuống cùng với tỉnh giúp huyện xây dựng kế hoạch ngành ở huyện. Bộ Quốc phòng phải giúp huyện xây dựng và thể hiện kế hoạch quốc phòng trên địa bàn huyện vào kế hoạch Nhà nước năm 1980, chú trọng các huyện thuộc tuyến một. Các bộ tổng hợp như Tài chính, Ngân hàng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với tỉnh giúp huyện cân đối tổng hợp kế hoạch toàn diện của cấp huyện. Các ngành ở trung ương phải thông qua các tỉnh giúp huyện xây dựng kế hoạch huyện. Các ngành ở Trung ương và tỉnh phải tạo điều kiện cho huyện tự làm lấy kế hoạch, tránh bao biện làm thay. Uỷ ban kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng về nghiệp vụ kế hoạch hoá cấp huyện, ban hành hệ thống chỉ tiêu, mẫu biểu lập kế hoạch cho cấp huyện, ban hành hệ thống chỉ tiêu, mẫu biểu lập kế hoạch cho cấp huyện hướng gọn và thiết thực, tập trung vào những vấn đề cấp bách.

Ban bí thư trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ tổ chức các đoàn công tác làm nhiệm vụ kiểm tra, giúp đỡ việc xây dựng kế hoạch ở một số đơn vị cơ sở và huyện để rút kinh nghiệm, chỉ đạo chung.

2. Thực hiện một bước việc kết hợp kế hoạch hóa theo ngành với kế hoạch hoá theo địa phương và vùng lãnh thổ.

 a) Đi đôi với việc xây dựng tốt kế hoạch của các địa phương (tỉnh và huyện). Các ngành ở trung ương phải nắm chắc các cơ sở của ngành mình và làm việc chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố để xây dựng kế hoạch ngành, trên tinh thần triệt để tận dụng lực lượng lao động, máy móc, thiết bị, vật tư và tài nguyên hiện có để đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm cho Nhà nước. Các Bộ, Tổng cục chuyên ngành dựa vào liên hiệp các xí nghiệp để xây dựng kế hoạch toàn ngành đối với những ngành kinh tế - kỹ thuật có trình độ tích tụ, tập trung tương đối cao như dệt, chè, cao su… Đối với những ngành này, Hội đồng Chính phủ giao kế hoạch toàn ngành cho liên hiệp các xí nghiệp hoặc công ty, tổng công ty theo đề nghị của Bộ, Tổng cục chủ quản; riêng về kế hoạch khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, Hội đồng Chính phủ giao chỉ tiêu pháp lệnh toàn diện cho Bộ Nông nghiệp (Tổng cục khai hoang vùng kinh tế mới). Đồng thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố biết để phối hợp chỉ đạo thực hiện phần có liên quan đến trách nhiệm của địa phương.

Đối với các ngành kinh tế - kỹ thuật khác, các Bộ, Tổng cục phải phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các Ty, Sở xây dựng phần kế hoạch của ngành ở  địa phương và tổng kế hoạch toàn ngành, trình Hội đồng Chính phủ duyệt.

Trước khi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố báo cáo kế hoạch toàn diện với Hội đồng Chính phủ, nhất thiết các Ty, Sở phải báo cáo phần kế hoạch của ngành ở địa phương với Bộ chủ quản ngành. Nếu chưa có ý kiến của Bộ, Tổng cục về phần kế hoạch của ngành thì Hội đồng Chính phủ chưa xét duyệt kế hoạch toàn diện cho tỉnh, thành phố.

Để đảm bảo quản lý thống nhất theo ngành trong cả nước sau khi kế hoạch của địa phương được duyệt, Hội đồng Chính phủ sẽ giao kế hoạch cho địa phương, đồng thời giao cho Bộ và Tổng cục có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện, trong các chỉ tiêu giao kế hoạch này có cả các chỉ tiêu sản phẩm mà địa phương làm gia công cho các ngành Trung ương, bao gồm cả gia công làm hàng xuất khẩu, gia công cho ngành nội thương, gia công của tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp.

b) Trên cơ sở kế hoạch của các huyện được xây dựng từ các hợp tác xã, các xí nghiệp… tỉnh, thành phố chủ động tổng hợp cân đối kế hoạch của tỉnh, thành phố; chú trọng các chỉ tiêu thu mua, giao nộp sản phẩm cho Trung ương và xuất khẩu, điều lao động cho nhu cầu quốc phòng và phát triển kinh tế của cả nước, thu nhập ngân sách, làm tốt các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tăng cường các chỉ tiêu chất lượng và hiệu quả kinh tế; hạch toán cụ thể phần địa phương đóng góp cho trung ương với phần trung ương cung ứng lại cho tỉnh, thành phố.

3. Sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ về quản lý kinh tế, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát động phong trào thi đua lao động sản xuất tiết kiệm nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1979 và xây dựng tốt kế hoạch năm 1980.

Cùng với việc cải tiến hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh nhằm phát huy tính chủ động của cơ sở, các Bộ (cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ) trong phạm vi trách nhiệm của mình và theo sự phân công của Thường vụ Hội đồng Chính phủ phải tổ chức nghiên cứu và trình Chính Phủ ban hành các chính sách kinh tế để làm căn cứ cho việc xác định các chỉ tiêu kế hoạch, thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch Nhà nước như chính sách khuyến khích sản xuất và lưu thông những mặt hàng không do Nhà nước quản lý và cung ứng vật tư, đặc biệt khuyến khích việc sản xuất những mặt hàng dùng nguyên liệu trong nước, dùng phế liệu, phế phẩm; chính sách giá mua hàng xuất khẩu và nguyên liệu làm hàng xuất khẩu; chế độ sử dụng ngoại tệ cho cơ sở, các địa phương, các ngành làm hàng xuất khẩu; chính sách tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu.. chính sách tiền thưởng, lương sản phẩm và quản lý quỹ  lương…

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với các Bộ Tổng cục nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chế độ kế hoạch hoá, trước mắt là chế độ kế hoạch hoá đầu tư xây dựng cơ bản; bảng danh mục phân công cân đối vật tư, thiết bị, hàng hoá: chế độ công tác kế hoạch hoá của liên hiệp các xí nghiệp nhằm  nâng cao hiệu lực của kế hoạch, tăng cường pháp chế trong công tác kế hoạch hoá.

Kết hợp chặt chẽ các biện pháp về kinh tế, hành chính, giáo dục chính trị, tư tưởng để phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động ở cơ sở, địa phương và trong cả nước theo nghị định số 182-CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 26/04/1979, phát động phong trào thi đua sôi nổi, liên tục, nâng cao tính chủ động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân nhằm khắc phục khó khăn, phấn đấu tăng năng suất lao động… bảo đảm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1970 và xây dựng tốt kế hoạch năm 1980.

4. Chấp hành nghiêm chỉnh trình tự, tiến độ và giao kế hoạch.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao số kiểm tra kế hoạch năm 1980 cho các ngành và các địa phương, trước ngày 15 tháng 06 năm 1979, các Bộ, Tổng cục và tỉnh, thành phố giao xong số kiểm tra kế hoạch cho các huyện, các liên hiệp xí nghiệp và các đơn vị cơ sở.

Các tháng 6, 7 năm 1979: các huyện, các liên xí nghiệp và các đơn vị cơ sở xây dựng kế hoạch.

Các tháng 8, 9 năm 1979: các Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố tổng hợp cân đối kế hoạch của ngành, của địa phương và vùng lãnh thổ. Tháng 9 năm 1979, các ngành, các địa phương bảo vệ kế hoạch nhà nước.

Tháng 10 năm 1979: Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp cân đối kế hoạch; đầu tháng 11 trình kế hoạch lên cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước quyết định.

 Đầu tháng 12 năm 1979: Hội đồng Chính phủ giao kế hoạch chính thức cho Bộ, tổng cục. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Sau đó, các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao kế hoạch năm 1980 cho các huyện, các liên hiệp xí nghiệp và các đơn vị cơ sở (kèm theo kế hoạch quý I năm 1980).

Trên đây là một số công việc cấp bách về đổi mới công tác kế hoạch hoá cần tiến hành trong việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch nhà nước năm 1980. Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp thực hiện tốt các việc trên đây. Uỷ ban Kế hoạch nhà nước theo dõi và báo cáo lên Thường vụ Hội đồng Chính phủ kết quả thực hiện các công việc đã nêu ở chỉ thị này.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị