Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 182-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1979

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NHÀ NƯỚC

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ tư Đảng cộng sản Việt Nam về vấn đề phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động;
Căn cứ vào Luật Công đoàn do Sắc lệnh số 108-SL ngày 5/11/1957 ban hành;
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14/7/1960;
Căn cứ vào Nghị định số 93-CP ngày 8/4/1977 ban hành Điều lệ xí nghiệp công nghiệp quốc doanh;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28 tháng 2 năm 1979, có đại diện Ban thư ký Tổng công đoàn Việt Nam tham dự;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định của Hội đồng Chính phủ về quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Điều 2. Đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cấp tương đương để thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

QUY ĐỊNH

VỀ QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI CÁC ĐƠN VỊ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 182-CP ngày 26/4/1979 của Hội đồng Chính phủ)

Nhân dân ta đang thực hiện nhiệm vụ cách mạng vĩ đại là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng đó, cần phải quán triệt đường lối do Đại hội toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã đề ra, nắm vững chuyên chính vô sản, không ngừng phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động.

Làm chủ tập thể vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Quyền làm chủ tập thể của nhân lao động bao gồm làm chủ tập thể về mặt chính trị, kinh tế, xã hội, làm chủ trên phạm vi cả nước, trên từng địa phương và trong từng đơn vị cơ sở. Quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động được thể hiện trong nghĩa vụ và quyền lợi của công dân đối với mọi công việc của xã hội; đồng thời được thể hiện trong việc người công dân có quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan và nhân viên Nhà nước.

Để quán triệt một bước đường lối của Đảng về phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân lao động, một điều rất quan trọng là tạo điều kiện cho công nhân, viên chức thực hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình tại các đơn vị cơ sở.

Để động viên công nhân, viên chức phát huy sức lao động sáng tạo, hăng hái thi đua cống hiến ngày càng nhiều cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hội đồng Chính phủ quy định Quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của công nhân, viên chức tại các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước như sau.

I. QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG LAO ĐỘNG SẢN XUẤT

Điều 1. Trong lao động sản xuất, công nhân, viên chức có các quyền sau đây:

a) Quyền làm việc: Lao động là quyền lợi cơ bản và là nghĩa vụ hàng đầu của mọi người. Làm chủ tập thể trước hết là phải làm chủ trong lao động. Công nhân, viên chức có quyền đòi hỏi người phụ trách giao nhiệm vụ rõ ràng, giao đủ việc làm, giao việc phù hợp với khả năng chuyên môn đã được đào tạo, giao việc có định mức lao động, định mức vật tư tiêu chuẩn chất lượng và đòi hỏi người phụ trách bảo đảm các công cụ, vật tư, tài liệu kỹ thuật,… cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi người phải tự giác chấp hành mệnh lệnh sản xuất, mệnh lệnh công tác của người phụ trách, chấp hành đúng kỷ luật lao động: làm việc đúng giờ, làm đủ ngày công, giờ công do Nhà nước quy định và làm việc với năng suất cao.

Người lao động sản xuất có nghĩa vụ thực hiện các định mức về lao động, làm đúng quy trình công nghệ, quy tắc kỹ thuật, bảo quản và sử dụng tốt máy móc, thiết bị, dụng cụ, sử dụng tiết kiệm năng lượng, vật tư… bảo đảm chất lượng cao; hoàn thành vượt mức nhiệm vụ sản xuất. Cán bộ và nhân viên quản lý hành chính, quản lý nghiệp vụ phải làm tròn trách nhiệm nhằm phục vụ kịp thời và có hiệu quả người lao động sản xuất.

b) Quyền tham gia giải quyết các khó khăn trong sản xuất và đấu tranh xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực trong lao động sản xuất.

Khi sản xuất ở cơ sở gặp khó khăn, trở ngại không thể hoạt động bình thường, thì công nhân, viên chức có trách nhiệm góp sức khắc phục khó khăn, đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp do người phụ trách đề ra để khắc phục khó khăn ấy.

Mọi người đều có trách nhiệm đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất: lười biếng, vi phạm kỷ luật lao động, bớt xén nguyên liệu, vật liệu của Nhà nước, gian dối trong sản xuất. Người vi phạm chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và chế độ phục vụ nhân dân sẽ bị thi hành kỷ luật tùy theo lỗi nặng nhẹ.

c) Quyền được bảo hộ lao động và bảo đảm an toàn lao động.

Công nhân, viên chức có quyền, đòi hỏi thủ trưởng đơn vị có kế hoạch và biện pháp chăm sóc, bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp trong sản xuất; cung cấp đủ các trang bị phòng hộ lao động theo chính sách, chế độ của Nhà nước; công nhân, viên chức có trách nhiệm sử dụng, bảo quản tốt các trang bị bảo hộ lao động và tuân thủ các quy tắc về an toàn lao động.

d) Quyền hưởng lương theo kết quả lao động và quyền được khen thưởng khi có thành tích.

Công nhân, viên chức hoàn thành nhiệm vụ lao động được bảo đảm trả lương đầy đủ, đúng kỳ hạn. Công nhân, viên chức thực hiện vượt mức kế hoạch hoặc tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu dưới định mức quy định, có sáng kiến, phát minh đưa lại hiệu quả kinh tế, thì được thưởng theo chế độ hiện hành.

Trong trường hợp tổ chức, biên chế đã được xác định và đã có định mức lao động hợp lý, nếu tập thể công nhân, viên chức trong từng tổ, từng bộ phận sản xuất có sáng kiến đưa đến giảm được lao động mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thì tập thể công nhân, viên chức đó được hưởng một khoản tiền thưởng tùy theo số lao động được giảm bớt, tối đa không quá 6 tháng lương của số lao động đã giảm.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cụ thể việc thi hành các khoản tiền thưởng kể trên; sau một thời gian áp dụng, nếu thấy cần thiết, có thể trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh khoản tiền thưởng này.

e) Quyền học tập để nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, nghiệp vụ.

Công nhân, viên chức có quyền đề ra yêu cầu học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ (theo hình thức tại chức hoặc tập trung).

Khi thủ trưởng đơn vị đã cùng ban chấp hành công đoàn và ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lập kế hoạch và tổ chức các lớp học thì công nhân, viên chức được sắp xếp đi học, có nghĩa vụ học tập để nâng cao trình độ của mình.

g) Quyền được giúp đỡ các điều kiện để phát huy sáng kiến phát minh và quyền góp ý kiến xây dựng định mức lao động.

Công nhân, viên chức cơ quyền yêu cầu thủ trưởng đơn vị:

- Tạo điều kiện để phát huy sáng kiến, phát minh, thực hiện cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức sản xuất;

- Thay đổi các định mức lao động đã lạc hậu hoặc không sát với thực tế;

- Thay đổi, cải tiến các đơn giá và hình thức trả lương cho thích hợp với điều kiện sản xuất.

h) Nữ công nhân viên chức có quyền đòi hỏi thủ trưởng đơn vị:

- Thi hành các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với lao động nữ;

- Không sắp xếp lao động nữ làm những việc không phù hợp với sức khoẻ phụ nữ mà Nhà nước đã cấm;

- Phát triển sự nghiệp nuôi dạy trẻ và các cơ sở phúc lợi tập thể để tạo điều kiện cho chị em làm tròn nghĩa vụ sản xuất, công tác, học tập và nuôi dạy con.

i) Công nhân, viên chức là Đảng viên, đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải là người gương mẫu đi đầu trong lao động sản xuất, công tác, học tập; phải động viên giúp đỡ quần chúng làm việc và thực hiện quyền làm chủ tập thể trong lao động sản xuất, công tác, học tập và quản lý các mặt ở cơ sở.

Điều 2. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn cơ sở trong việc bảo đảm quyền lao động, sản xuất của công nhân, viên chức:

a) Làm cho mọi người nắm được nhiệm vụ sản xuất, công tác:

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phổ biến cho mọi người, cho từng bộ phận nhiệm vụ lao động sản xuất và công tác; đồng thời phổ biến kỹ các quy trình, quy phạm, các tiêu chuẩn, định mức về kinh tế - kỹ thuật, các quy tắc an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp. Người phụ trách từng bộ phận có trách nhiệm giao nhiệm vụ cho từng người lao động.

b) Điều hành sản xuất và giải quyết các khó khăn trong sản xuất:

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vật chất, kỹ thuật để người lao động sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều và an toàn lao động.

Nếu đơn vị gặp khó khăn không thể hoạt động được bình thường, Thủ trưởng đơn vị phải thông báo cho công nhân, viên chức biết và đề ra các biện pháp bố trí lại công việc, không để xảy ra lãng phí lao động.

Đối với số lao động dôi ra, Thủ trưởng đơn vị phải có kế hoạch sử dụng vào các công việc khác thích hợp, có ích, không để lao động thừa trong dây chuyền sản xuất. Nếu cơ sở không bố trí công việc được, thì phải bảo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan lao động địa phương để giải quyết và cố gắng giải quyết sớm chừng nào tốt chừng đấy.

e) Khuyến khích công nhân, viên chức phát huy sáng kiến và học tập:

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm khuyến khích, ủng hộ và giúp đỡ công nhân, viên chức phát huy sáng kiến, phát minh (bằng cách gợi ý, hướng dẫn, giao đề tài, tạo điều kiện vật chất kỹ thuật để thí nghiệm, làm thử). Đối với những sáng kiến, phát minh đã được công nhận, thì phải nhanh chóng áp dụng vào sản xuất và khen thưởng kịp thời theo quy định của Nhà nước.

Thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn và đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở phải giáo dục, động viên giúp đỡ các điều kiện cần thiết để công nhân, viên chức được học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghề nghiệp, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác mà công nhân, viên chức đảm nhiệm.

d) Thưởng, phạt kịp thời:

Thủ trưởng đơn vị phải khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích trong lao động sản xuất, phải xử phạt kịp thời và thích đáng những người vi phạm kỷ luật lao động hoặc làm thiệt hại cho đơn vị, cho Nhà nước. Trong trường hợp cần thi hành kỷ luật công nhân, viên chức đến mức buộc thôi việc, thì Thủ trưởng đơn vị bàn bạc với ban chấp hành công đoàn cơ sở, tranh thủ sự nhất trí trước khi quyết định; trong trường hợp không đạt được sự nhất trí, nếu là việc cần gấp thì thi hành việc xử lý theo quyết định của Thủ trưởng; đồng thời hai bên báo cáo lên cấp trên xem xét và có chỉ thị sớm, nếu là việc có thể hoãn được thì báo cáo lên cơ quan quản lý và công đoàn cấp trên xem xét, cho ý kiến càng sớm càng tốt.

II. QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC.

Điều 3. Quyền của công nhân, viên chức trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước.

a) Quyền xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh:

Công nhân, viên chức có quyền và có trách nhiệm thảo luận dự thảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị nhằm phát huy hết năng lực tiềm tàng về lao động, vật tư, thiết bị của đơn vị.

b) Quyền đề nghị làm thêm sản phẩm chính hoặc sản phẩm phụ:

Trên cơ sở bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao cho xí nghiệp, công nhân, viên chức có quyền đề nghị nâng mức chỉ tiêu kế hoạch hoặc làm thêm sản phẩm phụ để tận dụng năng lực lao động, thiết bị, phế liệu của đơn vị.

c) Phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước:

Sau khi kế hoạch đã được cấp trên xem xét duyệt, công nhân, viên chức có trách nhiệm phấn đấu thực hiện và ra sức giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Khi sản xuất gặp khó khăn có khả năng không hoàn thành được kế hoạch, thì công nhân, viên chức có quyền đề nghị với Thủ trưởng đơn vị hoặc cơ quan quản lý cấp trên thi hành các biện pháp khắc phục khó khăn, bảo đảm thực hiện kế hoạch.

Điều 4. Thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm.

a) Bảo đảm các điều kiện để công nhân, viêc chức thảo luận dự thảo kế hoạch:

Để công nhân, viên chức dễ thảo luận kế hoạch, dự thảo kế hoạch của đơn vị phải được phân bố thành dự thảo kế hoạch của từng bộ phận, từng phân xưởng, ghi rõ những biện pháp tận dụng các tiềm lực trong đơn vị. Kèm theo dự thảo kế hoạch, Thủ trưởng đơn vị phải cung cấp những số liệu cần thiết để công nhân, viên chức thảo luận; phải có phương án dự phòng, chủ động thay đổi mặt hàng, thay thế nguyên liệu, bố trí lại sức lao động cho hợp lý, khi gặp khó khăn về nguyên liệu, vật tư kỹ thuật…

b) Tôn trọng ý kiến của công nhân, viên chức đối với dự thảo kế hoạch:

Dự thảo kế hoạch của đơn vị cơ sở phải được ban chấp hành công đoàn cơ sở xác nhận là đã được công nhân, viên chức thảo luận dân chủ, nói rõ những điểm nhất trí hoặc không nhất trí để cơ quan quản lý cấp trên cân nhắc.

Thủ trưởng đơn vị phải báo cáo dự kiến mức phấn đấu thực hiện kế hoạch cao hơn chỉ tiêu cho công nhân, viên chức (hoặc đại biểu công nhân, viên chức) thảo luận và quyết định trước khi đăng ký với cấp trên.

c) Tổ chức cho công nhân, viên chức bàn biện pháp thực hiện kế hoạch và ký hợp đồng tập thể:

Khi kế hoạch đã được duyệt, Thủ trưởng đơn vị phối hợp với ban chấp hành công đoàn và đoàn thanh niên cộng sản ở các cơ sở tổ chức hội nghị công nhân, viên chức (hoặc hội nghị đại biểu công nhân, viên chức) bàn biện pháp thực hiện kế hoạch, ký kết hợp đồng tập thể giữa Thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn.

Chỉ thị nào gặp khó khăn mà hội nghị công nhân, viên chức và cơ quan quản lý cấp trên không còn biện pháp khắc phục, thì Thủ trưởng đơn vị mới được đề nghị điều chỉnh hạ mức kế hoạch.

Nếu cơ quan quản lý cấp trên có quyết định bổ sung hoặc thay đổi kế hoạch, thì Thủ trưởng đơn vị phải bàn với ban chấp hành công đoàn cùng nhau bổ sung, điều chỉnh hợp đồng và thông báo cho công nhân, viên chức để thực hiện.

d) Giao kế hoạch cho công nhân, viên chức.

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phân bố kế hoạch cho từng phân xưởng, từng bộ phận, chia theo từng quý, từng tháng. Cán bộ phụ trách các phân xưởng, các bộ phận phải giao kế hoạch cho từng ca máy, từng tổ sản xuất. Tổ trưởng có nhiệm vụ đưa kế hoạch của tổ ra bàn bạc trong tổ để giao việc và giao định mức cho từng người.

Kèm theo việc giao kế hoạch Thủ trưởng đơn vị phải bảo đảm các điều kiện cần thiết để công nhân, viên chức hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch.

e) Thông báo tình hình thực hiện kế hoạch:

Hàng quý, thủ trưởng đơn vị phải thông báo cho công nhân, viên chức biết tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tình hình quản lý sử dụng tài sản, tình hình đời sống và điều kiện lao động của công nhân, viên chức trong đơn vị. Thông báo phải nêu rõ thành tích, ưu điểm cần phát huy, những thiếu sót, khó khăn cần khắc phục.

Điều 5. Trách nhiệm của cấp trên của cấp cơ sở.

Cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở có trách nhiệm:

a) Giao số kiểm tra của kế hoạch sớm để đơn vị cơ sở có đủ thời gian đưa ra công nhân, viên chức bàn bạc.

b) Không xét duyệt kế hoạch, nếu thủ trưởng đơn vị cơ sở không đưa dự thảo kế hoạch ra cho công nhân, viên chức thảo luận.

c) Bảo đảm những điều kiện cho cơ sở thực hiện kế hoạch như cung ứng máy móc, thiết bị, phụ tùng, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu và mọi phương tiện vật chất khác theo quy định của Nhà nước.

d) Can thiệp với các cơ quan có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu về đời sống của công nhân, viên chức ở cơ sở theo đúng các chính sách, tiêu chuẩn và kế hoạch của Nhà nước.

Nếu các điều kiện vật chất không được cung ứng đủ và công nhân, viên chức của đơn vị cơ sở không có biện pháp gì để khắc phục, thì cơ quan quản lý cấp trên phải điều chỉnh kế hoạch của đơn vị và giúp đơn vị khắc phục những trở ngại do việc điều chỉnh kế hoạch gây ra.

III. QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC BẢO VỆ TỔ QUỐC, BẢO VỆ CƠ SỞ, BẢO VỆ TÀI SẢN XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở.

a) Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Mỗi công nhân, viên chức đều có quyền và có nghĩa vụ đóng góp vào việc đấu tranh chống bọn xâm lược, bọn phá hoại để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ cơ sở.

Mỗi công nhân, viên chức phải lao động tốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giỏi theo khẩu hiệu mạnh tay búa, chắc tay súng; phải thi hành nghĩa vụ quân sự hoặc tham gia dân quận tự vệ theo quy định của Nhà nước. Ngoài giờ sản xuất, công tác mỗi người phải luyện tập quân sự và làm những công việc chuẩn bị chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở.

Công nhân, viên chức có trách nhiệm giữ gìn bí mật Nhà nước và tham gia tích cực vào các công tác phòng và chống bọ gián điệp, bọn phản động…

b) Đảng uỷ cơ sở, Thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn và ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí minh có trách nhiệm:

- Giáo dục cho mọi người hiểu rõ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở để thực hiện;

- Xây dựng phương án bảo đảm sản xuất trong mọi tình huống, lúc có chiến sự cũng như lúc không có chiến sự;

- Khi có chiến tranh phải lãnh đạo và tổ chức công nhân, viên chức vừa đánh giặc, vừa bảo vệ sản xuất và sản xuất tốt.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

a) Mọi công nhân, viên chức có nghĩa vụ giữ gìn, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tự mình không xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và đấu tranh chống những hành vi xâm phạm, lãng phí tài sản xã hội chủ nghĩa.

Người có thành tích trong việc bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa thì được khen thưởng, người phạm lỗi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa thì bị trừng trị theo pháp luật.

b) Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phổ biến cho công nhân, viên chức pháp luật về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa để mọi người thi hành nghiêm chỉnh.

c) Khi có người phát hiện và tố giác các hành động xâm phạm hoặc phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa, thì thủ trưởng đơn vị phải cùng ban chấp hành công đoàn,ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tiến hành điều tra, xác minh để có biện pháp xử lý thích đáng và kịp thời kẻ phạm lỗi, không được bỏ qua, hoặc dung túng người phạm lỗi.

d) Đảng uỷ cơ sở, thủ trưởng đơn vị và cơ quan quản lý cấp trên có trách nhiệm bảo vệ những người tích cực đấu tranh giữ gìn tài sản xã hội chủ nghĩa. Bất cứ ai trù dập, trả thù người đã phát hiện và tố giác các vụ xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa sẽ bị truy tố trước pháp luật.

IV. QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG VIỆC TỔ CHỨC PHÂN PHỐI VÀ ĐỜI SỐNG.

Điều 8. Quyền được hưởng các quyền lợi theo quy định của Nhà nước.

Công nhân, viên chức có quyền được hưởng các quyền lợi do Nhà nước quy định về lao động, bảo hộ lao động, tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, về cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng cần thiết, về phúc lợi tập thể, về bảo hiểm xã hội,… Nhà nước nghiêm cấm việc tùy tiện thay đổi các quy định về quyền lợi của người lao động.

Thủ trưởng đơn vị, các cơ quan lao động, lương thực, thực phẩm, nội thương, y tế, tài chính, ngân hàng, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm công bố công khai và thi hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với người lao động, bảo đảm ưu tiên phân phối cho người lao động sản xuất.

Trường hợp gặp khó khăn không thể cung ứng đủ và kịp thời các hàng hóa thiết yếu theo tiêu chuẩn quy định cho công nhân, viên chức, thì cơ quan cung ứng hàng hóa phải thông báo rõ lý do và có kế hoạch cung ứng tiếp cho đủ. Cơ quan cung ứng không được tự tiện cắt, giảm tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho công nhân, viên chức. Việc giảm bớt phần tiêu chuẩn của công nhân, viên chức trong trường hợp có những khó khăn không thể khắc phục được phải do Hội đồng Chính phủ quyết định. Trong trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương muốn cắt giảm phần tiêu chuẩn do địa phương có trách nhiệm cung ứng cho công nhân, viên chức thì phải xin Hội đồng Chính phủ cho phép.

Điều 9. Đấu tranh khắc phục các mặt tiêu cực trong khâu phân phối và tổ chức đời sống.

Thủ trưởng đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phát động quần chúng tham gia chấn chỉnh các nhà ăn tập thể, đấu tranh xóa bỏ tệ tham ô, bớt xén tiêu chuẩn của người lao động. Thủ trưởng đơn vị phải thay đổi những người phục vụ kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, trừng phạt những kẻ tham ô, lấy cắp, bớt xén tiêu chuẩn của người lao động.

Việc phân phối hàng hoá tiêu dùng trong đơn vị cơ sở phải tiến hành công khai.

Điều 10. Tham gia việc phân phối và kiểm tra, giám sát công tác phân phối hàng hóa tiêu dùng.

Trước khi trình Chính phủ quyết định về tiêu chuẩn, định lượng phân phối hàng hóa tiêu dùng cho công nhân, viên chức, các ngành lương thực, thực phẩm, nội thương phải hỏi ý kiến của Tổng công đoàn; nếu là hàng hóa dành cho nữ công nhân, viên chức thì phải ý kiến trung ương Hội liên hiệp phụ nữ.

Các ngành kể trên cần thường xuyên thông báo cho Tổng công đoàn về tình hình thực hiện tiêu chuẩn, định lượng phân phối hàng hóa tiêu dùng cho công nhân, viên chức.

Điều 11. Tổ chức cải thiện đời sống vật chất và văn hóa.

Đảng uỷ, thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn và ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phải có kế hoạch tổ chức các buổi lao động ngoài giờ làm việc để tự cải thiện đời sống vật chất và văn hóa trong đơn vị.

Trên cơ sở bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, công tác và các định mức lao động, định mức biên chế, công nhân, viên chức có thể đề ra những biện pháp hợp lý hóa tổ chức lao động để rút một số lao động chuyển sang chuyên trách việc chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng và sửa chữa nhà ở, nhằm cải thiện đời sống của công nhân, viên chức.

Điều 12. Tham gia giải quyết vấn đề nhà ở.

Trước khi quyết định quy hoạch, kế hoạch xây dựng nhà ở dành cho công nhân, viên chức, Thủ trưởng đơn vị hoặc Ủy ban nhân dân địa phương cần tham khảo ý kiến của tổ chức công đoàn cùng cấp.

Khi phân phối nhà ở công nhân, viên chức, Thủ trưởng đơn vị hoặc Ủy ban nhân dân địa phương (tuỳ theo nhà do đơn vị sản xuất hoặc do Ủy ban nhân dân địa phương phân phối) phải công bố công khai tiêu chuẩn phân phối và đối tượng được phân phối để công nhân, viên chức tham gia ý kiến và giám sát việc thực hiện. Ban chấp hành công đoàn cơ sở có thể chủ động lập danh sách những người cần được phân phối nhà ở để hội đồng phân phối nhà thảo luận và thủ trưởng đơn vị quyết định.

Điều 13. Quản lý sử dụng qũy khen thưởng và phúc lợi tập thể.

Thủ trưởng đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng với ban chấp hành công đoàn quản lý quỹ khen thưởng của đơn vị. Ban chấp hành công đoàn tham gia ý kiến với thủ trưởng đơn vị về việc khen thưởng công nhân, viên chức và sử dụng qũy khen thưởng của đơn vị.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng quỹ phúc lợi tập thể của đơn vị cơ sở.

Quỹ phúc lợi tập thể của đơn vị cơ sở phải được sử dụng vào việc cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, viên chức và gia đình họ. Tổng công đoàn ViệtNam có trách nhiệm quy định cụ thể về việc sử dụng qũy phúc lợi tập thể.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở bàn bạc với thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh lập kế hoạch sử dụng qũy phúc lợi tập thể đưa ra hội nghị công nhân, viên chức quyết định. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm phối hợp với ban chấp hành công đoàn tổ chức thực hiện kế hoạch đó.

Thư ký công đoàn cơ sở là người ký lệnh chi qũy phúc lợi tập thể và phải bảo đảm việc sử dụng qũy phúc lợi đó đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, đúng nghị quyết của hội nghị công nhân, viên chức.

V. QUYỀN KIẾN NGHỊ, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ QUYỀN GIÁM SÁT, KIỂM TRA.

Điều 14. Quyền kiến nghị và quyền khiếu nại, tố cáo.

Tuỳ theo yêu cầu nội dung công việc cần thiết, công nhân, viên chức có quyền gửi thư hoặc trực tiếp gặp Đảng uỷ, thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ban nữ công ở cơ sở, hoặc thông qua hội nghị công nhân, viên chức, hoặc bất cứ cơ quan nào ở cấp trên để đề đạt.

- Những sáng kiến vể cải tiến tổ chức lao động sản xuất, về xây dựng và thực hiện kế hoạch, về tổ chức đời sống của cơ sở, những đề nghị có liên quan đến lợi ích của công nhân, viên chức;

- Góp ý kiến nhận xét, phê bình, chất vấn về những thiếu sót trong công tác lãnh đạo, quản lý, trong việc thực hiện kế hoạch của cơ sở.

- Khiếu nại về các quyết định của thủ trưởng đơn vị hoặc người phụ trách trực tiếp mà mình cho là không đúng;

- Phát hiện, tố cáo những hiện tượng tham ô, lãng phí hoặc những việc làm sai phạm chính sách Đảng và Nhà nước;

- Góp ý kiến về xây dựng cơ sở Đảng và đoàn thanh niên.

Điều 15. Trách nhiệm của Đảng ủy, thủ trưởng đơn vị, công đoàn cơ sở và cơ quan cấp trên trong việc giải quyết các kiến nghị, khiếu tố của công nhân, viên chức.

a) Thủ trưởng đơn vị phải dành mỗi tháng ít nhất một buổi để trực tiếp nghe ý kiến của công nhân, viên chức. Chậm nhất là sau 20 ngày kể từ ngày nhận kiến nghị, khiếu tố, thủ trưởng đơn vị phải có ý kiến giải quyết và trả lời. Nếu vấn đề được phát hiện không thuộc thẩm quyền thủ trưởng đơn vị giải quyết, thì thủ trưởng đơn vị phải chuyển đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Với tinh thần nghiêm túc, thủ trưởng đơn vị phải đích thân nghiên cứu các ý kiến do cán bộ, công nhân trong đơn vị mình đề xuất. Đối với ý kiến đúng được chấp nhận cũng như đối với ý kiến không đúng hoặc chưa có điều kiện thực hiện, thủ trưởng đều phải trả lời cho công nhân, viên chức biết; tuyệt đối không được thành kiến trù dập, trả thù những người phê bình, chất vấn hoặc tố giác.

b) Ban chấp hành công đoàn và ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm giáo dục ý thức trách nhiệm, hướng dẫn công nhân, viên chức trong việc nhận xét, phê bình đề đạt ý kiến một cách nghiêm chỉnh, tránh những xu hướng lệch lạc. Nếu xét có trường hợp thủ trưởng đơn vị không giải quyết hoặc giải quyết chưa thích đáng những kiến nghị, khiếu, tố đúng đắn của công nhân, viên chức, thì công nhân, viên chức, hoặc ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí minh ở cơ sở có quyền báo cáo với Đảng ủy cơ sở hoặc cơ quan quản lý cấp trên để giải quyết.

c) Đảng uỷ cơ sở phải tìm hiểu nguyện vọng của công nhân, viên chức và theo dõi chặt chẽ việc giải quyết các kiến nghị, khiếu, tố của công nhân, viên chức, đảm bảo cho việc giải quyết các kiến nghị, khiếu, tố ấy đúng với đường lối, chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước.

d) Các cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị, khi nhận được kiến nghị, khiếu, tố của công nhân, viên chức, phải nghiên cứu, thẩm tra và giải quyết theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 16. Quyền tham gia ý kiến về việc đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

a) Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy cơ sở, bằng những hình thức thích hợp, vừa đảm bảo dân chủ, vừa có lãnh đạo chặt chẽ, ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cho công nhân, viên chức tham gia ý kiến nhận xét, khen thưởng, đề bạt các cán bộ của đơn vị.

b) Khi xét đề bạt cán bộ trong phạm vi quyền hạn của mình, Đảng ủy cơ sở và thủ trưởng đơn vị phải tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ban nữ công ở cơ sở.

c) Đối với những cán bộ quản lý của Nhà nước, cán bộ Đảng, cán bộ công đoàn, cán bộ đoàn thanh niên thiếu tinh thần trách nhiệm, mắc sai lầm nghiêm trọng về chính sách, đạo đức cách mạng, không đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, trù dập, ức hiếp quần chúng, thì ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở có quyền đề nghị với thủ trưởng đơn vị, với Đảng ủy cơ sở hoặc cơ quan quản lý cấp trên xử lý. Thủ trưởng đơn vị, Đảng ủy cơ sở hoặc cơ quan quản lý cấp trên phải xem xét và xử lý kịp thời.

Điều 17. Ngoài các quyền kiểm tra giám sát quy định ở các Điều 14,15,16, công nhân, viên chức còn có quyền giám sát, kiểm tra thông qua các tổ chức như Điều 22 của bản quy định này.

Điều 18. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thường xuyên phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ của công nhân, viên chức, làm cho mọi người hiểu biết để chấp hành đầy đủ, để giám sát có hiệu lực việc thi hành pháp luật, chính sách, chế độ trong đơn vị mình.

VI. NHỮNG CƠ CẤU TỔ CHỨC BẢO ĐẢM QUYỀN LÀM CHỦ TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TẠI ĐƠN VỊ CƠ SỞ.

Điều 19. Hội nghị công nhân, viên chức và ban thường trực hội nghị công nhân, viên chức.

a) Hội nghị công nhân, viên chức toàn đơn vị họp ít nhất một năm một lần do thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn phối hợp triệu tập dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ cơ sở. Hội nghị phải nhằm giải quyết các vấn đề thiết thực, tránh hình thức.

Hội nghị công nhân, viên chức phải tập trung thảo luận các vấn đề có tầm quan trọng đối với hoạt động của xí nghiệp như xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước; bàn việc thi hành các chính sách, chế độ Nhà nước, các biện pháp cải thiện đời sống của công nhân, viên chức, v.v…

Khi họp hội nghị đại biểu công nhân, viên chức thì thành phần đại biểu phải có 2 phần 3 là công nhân trực tiếp sản xuất; số đại biểu là nữ hoặc là thanh niên phải tương ứng với tỷ lệ công nhân nữ hoặc công nhân là thanh niên ở cơ sở.

b) Hội nghị công nhân, viên chức bầu ra ban thường trực hội nghị công nhân, viên chức để đôn đốc và bàn biện pháp thực hiện hợp đồng tập thể và các nghị quyết của hội nghị công nhân, viên chức. Thành phần ban thường trực hội nghị công nhân, viên chức gồm có các đại diện của giám đốc, công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản Hố Chí Minh, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ nữ công và công nhân trực tiếp sản xuất. Trưởng ban thường trực hội nghị công nhân, viên chức là đại diện của ban chấp hành công đoàn. Những đại biểu này phải là người tích cực, hăng hái hiểu biết tình hình đơn vị, có kinh nghiệm trong sản xuất, được quần chúng tín nhiệm.

c) Ở những đơn vị có nữ công nhân, viên chức, thì khi cần thiết, thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn tổ chức hội nghị riêng với nữ công nhân, viên chức để nghe báo cáo và thảo luận việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến nữ công nhân, viên chức.

Điều 20. Hợp đồng tập thể.

Hàng năm, thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn phải ký kết hợp đồng tập thể, cùng nhau cam kết tiến hành mọi biện pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước. Hợp đồng tập thể, sau khi ký kết, phải được gửi cho cơ quan quản lý và công đoàn cấp trên trực tiếp của đơn vị và Ủy ban nhân dân địa phương, để các cơ quan này giám sát việc thực hiện.

Điều 21. Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa và ban thi đua.

Thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng nhau phối hợp phát động và tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm ở cơ sở.

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vật chất và kỹ thuật cần thiết cho phong trào thi đua.

Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm vận động và tổ chức quần chúng thi đua và đề nghị khen thưởng, xử phạt.

Ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở có trách nhiệm động viên vai trò xung kích của thanh niên trong phong trào thi đua, trong việc đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật, trong việc tham gia quản lý đơn vị.

Thành phần của ban thi đua ở đơn vị cơ sở gồm thủ trưởng đơn vị là trưởng ban; thư ký công đoàn là phó ban thường trực; các đại diện của đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ban nữ công và một số công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý là ủy viên.

Điều 22. Các hình thức kiểm tra của công nhân, viên chức.

a) Ban thanh tra của công nhân, viên chức (gọi tắt là ban thanh tra công nhân) là tổ chức thanh tra của quần chúng và là tổ chức cơ sở của hệ thống thanh tra Nhà nước, do hội nghị công nhân, viên chức bầu ra, với nhiệm kỳ hai năm. Ban thanh tra của công nhân gồm những công nhân, viên chức gương mẫu trong sản xuất, công tác, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và chính sách, trung thực và có tinh thần đấu tranh vì lợi ích chung, am hiểu tình hình đơn vị, được quần chúng tín nhiệm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở, ban thanh tra của công nhân được ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn hoạt động và chịu sự chỉ đạo về nghiệp vụ của cơ quan thanh tra Nhà nước cấp trên.

Ban thanh tra của công nhân có nhiệm vụ tổ chức việc giám sát và kiểm tra thường xuyên tại chỗ mọi hoạt động thuộc các lĩnh vực sau đây:

- Việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, việc chấp hành các chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của đơn vị;

- Kế hoạch chuẩn bị chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cơ sở;

- Việc chấp hành các quy định về bảo vệ cơ sở, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, về bảo hộ lao động;

-Việc khắc phục các mặt tiêu cực trong công tác quản lý, việc chống quan liêu, cửa quyền, làm phiền hà dân;

- Việc tổ chức phân phối và phục vụ đời sống trong đơn vị;

- Việc tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, khiếu tố thuộc trách nhiệm của đơn vị giải quyết.

Ban thanh tra của công nhân có quyền:

- Động viên và tổ chức công nhân, viên chức trong đơn vị tham gia công việc kiểm tra;

- Yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến việc kiểm tra báo cáo tình hình và cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kiểm tra;

- Được cử người tham dự các cuộc họp của thủ trưởng đơn vị bàn vấn đề có liên quan đến công việc kiểm tra;

- Lập biên bản kiểm tra xác nhận tình hình và yêu cầu người có trách nhiệm trong đơn vị ký biên bản;

- Kiến nghị với thủ trưởng đơn vị hoặc với cơ quan quản lý cấp trên về những biện pháp để sửa chữa những thiếu sót do ban thanh tra của công nhân phát hiện:

- Làm báo cáo về kết quả kiểm tra và tùy theo yêu cầu mà gửi cho Đảng ủy cơ sở, thủ trưởng đơn vị, ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc cho các cơ quan quản lý có liên quan ở cấp trên.

Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm tạo điều kiện và giúp đỡ ban thanh tra của công nhân hoạt động, giải quyết kịp thời, đúng đắn những kiến nghị của ban thanh tra công nhân.

b) Đội kiểm tra của công nhân: Do liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, quận huyện, thị xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức trong từng thời gian để kiểm tra công tác phân phối hàng hóa tiêu dùng, phân phối nhà ở, phục vụ đời sống ở địa phương. Thành phần đội kiểm tra của công nhân gồm những người tích cực trong các ban thanh tra của công nhân ở đơn vị cơ sở. Khi kiểm tra những việc liên quan đến thanh niên, phụ nữ, trẻ em thì đội kiểm tra của công nhân phải có thêm thnàh phần là đại diện của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ.

Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra của Chính phủ cùng Tổng thư ký Tổng công đoàn ViệtNam hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của ban thanh tra và của các đội kiểm tra kể trên.

Điều 23. Các hội nghị chuyên đề và các hội đồng ở cơ sở.

Ngoài các hình thức đã nói ở trên, tại các đơn vị cơ sở còn phải tổ chức các hình thức sau đây để bảo đảm thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức:

a) Hội nghị liên tịch giữa thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành công đoàn, hoặc giữa thủ trưởng đơn vị và ban chấp hành đoàn thanh niên ở cơ sở, để bàn bạc, giải quyết những vấn đề có liên quan đến quyền lợi của công nhân, viên chức ở cơ sở.

b) Các hội nghị chuyên đề về sản xuất, kinh tế - kỹ thuật để nghiên cứu giải quyết các khó khăn trong sản xuất, xem xét và xác minh các sáng kiến, phát minh của công nhân, viên chức. Hội nghị chuyên đề do thủ trưởng đơn vị hoặc do ban chấp hành công đoàn, ban chấp hành công đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh triệu tập, hoặc do cả hai bên cùng phối hợp triệu tập.

c) Các hội đồng cơ sở như hội đồng khen thưởng và kỷ luật, hội đồng sắp xếp lương bậc, hội đồng phân phối hàng hóa… để giúp thủ trưởng đơn vị giải quyết các vấn đề khen thưởng, kỷ luật, lương bậc, phấn phối hàng hóa một cách đúng đắn. Thành phần các hội đồng kể trên, ngoài thủ trưởng đơn vị đại diện ban chấp hành công đoàn và một số cán bộ chuyên môn, tùy theo chương trình nghị sự của phiên họp mà có thêm đại diện của đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoặc cán bộ nữ công tham gia.

d) Các hình thức động viên khác do ban chấp hành công đoàn hoặc ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức: Phong trào 3 xung kích làm chủ tập thể; đội thanh niên cờ đỏ, công trình mang tên thanh niên; phong trào người phụ nữ mới; hội những người có sáng kiến,…

VII. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ TRÁCH NHIỆM THI HÀNH QUY ĐỊNH.

Điều 24. Phạm vi áp dụng quy định.

Bản quy định này chủ yếu áp dụng cho các đơn vị cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước.

Các đơn vị cơ sở thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp vận dụng các điều quy định kể trên để thi hành ở đơn vị mình, trừ những điều khoản chỉ thích hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Điều 25. Trách nhiệm thi hành quy định.

a) Đảng ủy cơ sở có nhiệm vụ giáo dục Đảng viên trong đơn vị gương mẫu trong việc làm chủ tập thể và thực hiện các chế độ quản lý; phấn đấu tranh khắc phục các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức cơ sở của Đảng, làm cho cơ sở của Đảng vững mạnh và phát huy vai trò tiền phong trong việc xây dựng quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của quần chúng lao động.

Thủ trưởng đơn vị cơ sở cùng ban chấp hành công đoàn cơ sở bàn kế hoạch cụ thể thực hiện bản quy định này; phải căn cứ vào bản quy định này để bổ sung, sửa đổi và xây dựng nội quy quản lý đơn vị cơ sở nhằm thực hiện quyền làm chủ tập thể của công nhân , viên chức.

Việc thi hành quy định này phải được gắn liền với phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước, phong trào chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gắn liền với việc thi hành các quy định của Nhà nước về chế độ trách nhiệm, chế dộ kỷ luật, chế độ bảo vệ của công và chế độ phục vụ nhân dân tại các cơ sở.

b) Thủ trưởng cơ quan quản lý và công đoàn cấp trên của cơ sở có trách nhiệm:

- Hướng dẫn, giúp đỡ, kiểm tra các đơn vị nhằm kịp thời phổ biến những kinh nghiệm tốt, uốn nắn những lệch lạc trong việc thi hành quy định này.

- Giải quyết các vấn đề do cơ sở đề nghị để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức. Trong thời gian nhiều nhất là một tháng, kể từ ngày nhận đề nghị, thủ trưởng cơ quan quản lý và ban chấp hành công đoàn cấp trên phải trả lời các vấn đề do cơ sở đưa lên.

c) Thủ trưởng các cơ quan quản lý ngành ở Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm phối hợp với công đoàn ngành dọc và Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố truyền đạt và tổ chức việc thi hành bản quy định này trong ngành mình, địa phương mình. Mỗi ngành, mỗi địa phương phải có cán bộ giúp thủ trưởng ngành hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành bản quy định này.

Điều 26. Khen thưởng: Cá nhân hoặc tổ chức có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thi hành bản quy định này sẽ được khen thưởng theo chế độ của Nhà nước.

Điều 27. Kỷ luật: Những người có hành động vi phạm bản quy định này sẽ tùy theo lỗi nhẹ hay nặng mà bị xử lý theo kỷ luật hành chính, từ khiển trách, cảnh cáo đến cách chức; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy tố trước toà án.

Điều 28. Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 1979. Các văn bản trước đây trái với quy định này, nay bãi bỏ.

Đồng chí Bộ trưởng Phủ Thủ tướng phối hợp với tổng thư ký Tổng công đoàn Việt Nam để hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các địa phương thi hành bản quy định này. Phải có chế độ báo cáo định kỳ về kết quả của việc thực hiện quy định này với Thường vụ Hội đồng Chính phủ./.