ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/2007/CT-UBND | Long Xuyên, ngày 10 tháng 8 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Trong nhiều năm qua, Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đã rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); trong đó, có việc ưu tiên ngân sách đầu tư của tỉnh hàng năm cho ngành. Từ đó, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt là việc thực hiện tốt các chế độ chính sách đã giúp cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành an tâm công tác, các hoạt động GD-ĐT ngày càng khởi sắc.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc điều hành ngân sách của ngành GD-ĐT, nhất là ở cấp huyện (ảnh hưởng đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) đã nảy sinh nhiều bất cập; đặc biệt là tình trạng nợ đọng để kéo dài, chậm được khắc phục, gây dư luận không tốt trong ngành và ngoài xã hội.
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng nêu trên là do: việc lập dự toán ngân sách GD-ĐT hàng năm ở cấp huyện, thị, thành phố chưa đầy đủ, chưa dự trù hết các nhu cầu phát sinh; việc phân bổ ngân sách dựa trên các tiêu chí, định mức chưa phù hợp thực tế; việc quản lý, điều hành ngân sách của UBND cấp huyện với sự tham mưu của Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng GD-ĐT còn nhiều bất cập. Mặt khác, việc phối hợp kiểm tra, giám sát của Sở GD-ĐT và Sở Tài chính thiếu chặt chẽ, chưa phát hiện những thiếu sót để xử lý và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; các chế độ chính sách của ngành GD-ĐT có nhiều thay đổi nhưng thiếu sự hướng dẫn thực hiện cụ thể, thống nhất.
Để khắc phục tình hình nêu trên, sớm đưa công tác điều hành ngân sách GD-ĐT đi vào nề nếp, phục vụ tốt hơn các hoạt động dạy và học; UBND tỉnh chỉ thị:
1- Lãnh đạo Sở GD-ĐT chủ động cùng với lãnh đạo Sở Tài chính tổ chức cuộc họp để rút kinh nghiệm về việc điều hành ngân sách, về tình trạng nợ đọng trong ngành GD-ĐT ở các huyện, thị, thành phố trong thời gian qua. Báo cáo kết quả cuộc họp về UBND tỉnh trong tháng 8/2007.
2- Sở Tài chính phối hợp với Sở GD-ĐT rà soát lại việc phân cấp ngân sách trong ngành GD-ĐT hiện nay, xem có vấn đề gì cần điều chỉnh, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
3- Sở Tài chính phối hợp với Sở GD-ĐT chấn chỉnh lại khâu lập dự toán và điều hành ngân sách GD-ĐT hàng năm; trong đó cần lưu ý:
Rút kinh nghiệm những thiếu sót trong việc lập dự toán thiếu, điều hành ngân sách giáo dục ở các huyện, thị, thành phố các năm qua.
Hai sở xem xét lại định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục theo cấp lớp theo tinh thần Quyết định số 47/2006/QĐ-UBND của UBND tỉnh có còn phù hợp không, nếu không còn phù hợp thì tham mưu UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh sửa đổi trong năm ngân sách 2008. Đây là vấn đề quan trọng để bảo đảm cho việc lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm đủ hay thiếu. Định mức chi cho sự nghiệp giáo dục phải là cơ sở để tính dự toán đầy đủ, hạn chế thấp nhất tình trạng phát sinh. Khi lập dự toán phải bảo đảm tỉ lệ 80% chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp và 20% chi hoạt động.
Trong dự toán ngân sách năm của ngành GD-ĐT phải tính đủ biên chế theo định mức giáo viên/lớp theo quy định tại Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ (trong đó đã bao hàm giáo viên sẽ được phân bổ về; giáo viên thiếu, đi học bồi dưỡng, nghỉ hộ sản... phải bố trí dạy thêm giờ thêm buổi), phải dự tính cho được số giáo viên được tăng lương (thường niên và trước niên hạn) và mức tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên...
Sở Tài chính phối hợp với Sở GD-ĐT thống nhất hướng dẫn lập và phân bổ dự toán ngân sách hàng năm của ngành GD-ĐT toàn tỉnh; nhất là dự toán ngân sách giáo dục cho các huyện, thị, thành phố. Trong đó có hướng dẫn thực hiện thống nhất khoản chi sự nghiệp tập trung để lại Phòng GD-ĐT quản lý (theo tinh thần công văn số 723/CV-TC ngày 27/4/2004 của Sở Tài chính) ở tất cả các huyện, thị, thành phố.
Khi lập dự toán phải tính sát khả năng các khoản thu được cho phép ở nhà trường (học phí, quỹ tu sửa cơ sở vật chất trường học), hạn chế thấp nhất tình trạng thất thu; phải xem đây là những khoản thu cùng với ngân sách để đảm bảo các hoạt động của nhà trường, trong đó có khoản dành tối thiểu 40% từ học phí để thực hiện cải cách tiền lương.
Trược mắt, năm 2008 hai sở phải lập dự toán GD-ĐT theo tinh thần Chỉ thị số 733/CT-TTg ngày 12/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo tinh thần nêu trên và các văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh. Thời gian lập dự toán năm 2008 phải phù hợp quy định chung của tỉnh.
Trong quá trình lập dự toán, phân bổ ngân sách GD-ĐT hàng năm, nếu có ý kiến khác nhau giữa hai sở phải thể hiện bằng văn bản và báo cáo UBND tỉnh kịp thời xử lý.
Sở Tài chính thường xuyên phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra việc chấp hành ngân sách giáo dục ở các huyện, thị, thành phố; việc thực hiện các chế độ chính sách ở các cơ sở GD-ĐT, phát hiện những sai sót để xử lý và hướng dẫn giải quyết kịp thời.
4- Sở GD-ĐT lưu ý khi tham mưu chế độ chính sách với UBND tỉnh phải ước lượng kinh phí và khả năng đáp ứng của ngân sách tỉnh; đồng thời tiến hành rà soát lại các chế độ chính sách hiện hành để hướng dẫn thực hiện thống nhất trong toàn ngành.
Củng cố hệ thống kế toán ở sở, ở các phòng GD-ĐT và trường học; trong đó lưu ý phân công lãnh đạo Phòng GD-ĐT phải có người phụ trách am hiểu về quản lý tài chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng ngân sách ở các đơn vị, cơ sở GD-ĐT trong toàn tỉnh; quy định rõ trách nhiệm cá nhân trong việc điều hành ngân sách từ sở đến phòng GD-ĐT, trường học; tránh xảy ra thất thoát, lãng phí.
5- Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc điều hành ngân sách giáo dục trên địa bàn thời gian qua, nhất là việc cắt giảm bớt ngân sách giáo dục so với kế hoạch tỉnh giao. Chỉ đạo Phòng Tài chính-Kế hoạch phối hợp với Phòng GD-ĐT trong việc tham mưu, điều hành ngân sách chặt chẽ hơn, tránh xảy ra tình trạng nợ đọng như thời gian qua; quy định chế độ thông tin báo cáo định kỳ, thực hiện công khai dân chủ trong việc cấp phát, thanh toán kinh phí ở cấp trường học để phát hiện, xử lý kịp thời những phát sinh.
Lưu ý, trong quá trình lập dự toán, phân bổ ngân sách giáo dục hàng năm, nếu có ý kiến khác nhau giữa Phòng GD-ĐT và Phàng Tài chính-Kế hoạch phải thể hiện bằng văn bản và báo cáo UBND huyện kịp thời xử lý.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố điều hành và chấp hành ngân sách giáo dục trên địa bàn theo phân cấp. Các đơn vị trường học sử dụng ngân sách trong phạm vi dự toán được duyệt và trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các đơn vị trường học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) khi có biến động, nhu cầu phát sinh kinh phí ngoài dự toán năm được giao phải báo cáo kịp thời về cấp thẩm quyền xem xét giải quyết.
6- Sở Nội vụ nghiên cứu giao biên chế sự nghiệp cho ngành GD-ĐT sớm hơn để khớp với thời gian lập dự toán năm của ngành.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở GD-ĐT, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện tốt tinh thần chỉ thị ngày./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1 Chỉ thị 733/CT-TTg năm 2007 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 2 Quyết định 45/2006/QĐ-UBND về lập, chấp hành và quyết toán ngân sách sự nghiệp giáo dục quận 8 do Uỷ ban nhân dân Quận 8 ban hành
- 3 Quyết định 47/2006/QĐ-UBND về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh An Giang năm 2007
- 4 Thông tư liên tịch 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập do Bộ Giáo Dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ ban hành