Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/CT-UB

Long Xuyên, ngày 11 tháng 07 năm 1992

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THÀNH LẬP “HỘI NUÔI CÁ BÈ TỈNH AN GIANG” VÀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỤ THỂ ĐỐI VỚI NGHỀ NUÔI CÁ BÈ

Nuôi cá bè trên sông là một nghề có tính đặc thù của ngành Thủy sản An Giang từ 30 năm nay. Năm 1975, toàn Tỉnh (chủ yếu là thị xã Châu Đốc và huyện An Phú) có khoảng 1.000 bè hầu hết là loại nhỏ, sản lượng thấp (trên dưới 6 tấn/bè). Sản phẩm chỉ tiêu thụ nội địa.

Sau năm 1975, do thị trường, không ổn định và do chính sách chung không phù hợp nên nghề nuôi cá bè, chủ yếu là cá basa gần như sắp bị mai một. Trước tình hình đó, Tỉnh dù chưa có biện pháp, chính sách gì hữu hiệu, nhưng cũng có chủ trương không thu thuế, để tạo điều kiện cho các chủ bè duy trì được nghề truyền thống của địa phương.

Năm năm gần đây, cùng với sự đổi mới công tác quản lý và chính sách kinh tế của Tỉnh, các ngành và công ty có chức năng đã tích cực tìm mở thị trường ra ngoài nước; hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghề nuôi cá basa như: Đầu tư vốn và nghiên cứu kỹ thuật cho cá đẻ, phân tích cơ chế các loại bệnh và biện pháp phòng trị bệnh cho cá; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo các thành phần kinh tế v.v… Từ đó đến nay, nghề cá bè chẳng những đã phục hồi mà còn tăng trưởng đáng kể: Năm 1992 toàn Tỉnh có 649 bè với sản lượng 8000 T cá/năm, trong đó gần 1/2 được chế biến xuất khẩu. Cty Xuất Nhập khẩu Nông Thủy sản ngoài vai trò chế biến, xây dựng thị trường tiêu thụ ngoài nước, còn thường xuyên nuôi với sản lượng 1000 T/năm. Các Cty tư nhân chiếm 3000 T/năm. Sản lượng còn lại (50%) là của các hộ có tổ chức hoặc hộ cá thể cung cấp. Kim ngạch xuất khẩu gần 2 triệu USD/năm. Lợi tức thu được từ SX, chế biến và lưu thông cá basa ngày càng lớn. Đời sống người sản xuất được cải thiện rõ rệt.

Tuy quy mô và giá trị chưa lớn, nhưng cá basa đã trở thành một trong những mặt hàng đắt khách đã và sẽ trở thành một nghề giàu có của Tỉnh.

Để tạo điều kiện cho nghề cá bè phát triển nhanh và ổn định, thành một trong những ngành mũi nhọn xuất khẩu của Tỉnh và đem lại thu nhập cao cho ngư dân, Chủ tịch UBND Tỉnh chỉ thị:

1/ Chủ trương vận động thành lập “Hội nuôi cá bè Tỉnh An Giang”, bao gồm các thành phần kinh tế: Quốc doanh, Cty cổ phần, Cty tư nhân, các tổ liên kết cá bè và các hộ nuôi cá thể.

Sở Nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh, Cty XNK Nông Thủy sản, UBND các huyện thị có trách nhiệm phối hợp vận động thành lập Hội. Giao cho Sở Nông nghiệp và Hội Nông dân soạn thảo đề cương, điều lệ của Hội, làm thủ tục và đăng ký xin phép hoạt động để UBND Tỉnh phê duyệt.

Hội là một tổ chức nghề nghiệp của ngư dân, bảo đảm sự liên doanh liên kết giữa các thành phần kinh tế trong nghề; là cầu nối giữa ngư dân, người sản xuất với chính quyền và các cơ quan đơn vị có liên quan; cùng mục đích là phát triển ngành nghề; bảo vệ quyền lợi của ngư dân và đơn vị sản xuất; bảo đảm lợi ích xã hội và đặc biệt là góp phần giữ sự ổn định trong sản xuất, thị trường; chống cạnh tranh không lành mạnh làm thiệt hại vật chất cho bất cứ thành viên nào trong Hội.

Hội tổ chức trên cơ sở tự nguyện. Mỗi hội viên (hoặc đơn vị hội viên) đều phải có quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng. Ban chấp hành Tỉnh hội là cơ quan cao nhất của Hội. Dưới BCH tỉnh có các Chi hội. Chi hội bao gồm các tổ Liên kết sx, tổ liên kết phương tiện vận chuyển…. lãnh đạo tổ liên kết, BCH Chi hội, BCH Hội đều do Hội nghị đại diện hộ, đơn vị sản xuất và Hội nghị đại biểu bầu.

Trước mắt, theo đề nghị của Sở Nông nghiệp, Hội Nông dân và Ban Tổ chức chính quyền, Chủ tịch UBND Tỉnh sẽ quyết định thành lập Ban vận động thành lập Hội để chuẩn bị điều kiện cho Hội chính thức ra đời.

2/ Từ nay, Ngân hàng NN chính thức được giao nhiệm vụ đầu tư vốn (trước mắt là vốn lưu động) cho những hộ và đơn vị nuôi cá bè trong tỉnh. Lãi suất áp dụng tương đương mức lãi suất cho vay trong SXNN. Tùy nguồn vốn mà quy định mức lãi, nhưng trên tinh thần là phù hợp với thực tế và khả năng SX có thể chấp nhận.

Ngân hàng chủ yếu chỉ thu đủ cho chi phí. Thời gian cho vay từ 6-8 tháng và thu hồi vốn cộng lãi một lần. Thủ tục cho vay là dựa vào sự bảo đảm của tổ liên kết và chi hội, có xác nhận của chính quyền cơ sở.

3/ Sở Nông nghiệp và Ban KHKT Tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các Viên, Trường và Cty Nông Thủy sản, thúc đẩy chương trình nghiên cứu cho cá Basa để nhân tạo sớm có kết quả. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh các quy trình công nghệ từ khâu giống, nuôi, chế biến thức ăn, chế biến thành phẩm và tiêu thụ phụ phẩm v.v… để đáp ứng yêu cầu sản xuất và của ngư dân. Làm tăng sức hấp dẫn của mặt hàng đối với thị trường.

4/ Từ nay, các hộ và đơn vị nuôi cá bè đều phải đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp tư nhân, luật Cty cổ phần (nếu có đủ mức vốn pháp định) do Sở Nông nghiệp và Trọng tài kinh tế Tỉnh hướng dẫn và đăng ký hộ sản xuất cá thể với UBND xã, phường. Việc đóng bè mới và neo đậu bè trên sông phải có đăng ký, khai báo và được phép của UBND huyện, thị xã (có xác nhận của xã, phường và tham mưu của cán bộ thủy sản - Tổ nông nghiệp và tổ giao thông huyện, thị), nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo vệ sản xuất của ngư dân và bảo đảm trật tự an toàn giao thông thủy.

5/ Sản xuất cá basa (nuôi, chế biến, lưu thông nội địa và xuất khẩu) hiện là một ngành có lợi tức rất cao. Các cơ sở quốc doanh từ lâu đều làm đúng và đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Nay, các thành phần kinh tế cũng đều phải làm đầy đủ các nghĩa vụ thuế. Nay, các thành phần kinh tế cũng đều phải làm đầy đủ nghĩa vụ thuế. Giao cho cục thuế nghiên cứu thu đủ, thu đúng theo chính sách và Luật thuế hiện hành. Riêng đối với hộ nuôi cá basa giống và đối với số bè (nuôi cá thịt) mới đóng, sản xuất năm đầu tiên thì được xét miễn hoặc giảm thuế một cách hợp lý. Ngành thuế cần liên hệ thường xuyên với Sở Nông nghiệp; các tổ chức và hộ ngư dân (sau này là Hội nuôi cá bè) để thường xuyên nghiên cứu thống nhất điều chỉnh mức nghĩa vụ, bảo đảm công bằng, hài hòa các lợi ích, các rủi ro, lỗ lã cần được khai báo và phải có sự bình xét và xác nhận của chi hội hoặc tổ liên kết sản xuất, làm cơ sở cho cơ quan thuế xét miễn giảm.

Quá trình thực hiện, các cấp, các ngành có liên quan thường xuyên báo cáo, thỉnh thị kịp thời.

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị