ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 05 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH BẢO HỘ LAO ĐỘNG
Trong thời gian qua, thực hiện Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động được ban hành theo Nghị định 181/CP ngày 18/12/1964 của Hội đồng Chính phủ, công tác bảo hộ lao động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả tốt. Phong trào bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ do thành phố phát động đã được các sở, ngành, địa phương, các cơ quan quản lý các cấp và hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ cơ sở tích cực thực hiện nên đã góp phần bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động, hạn chế được nhiều sự cố trong sản xuất, ngăn chặn được nhiều tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động.
Tuy nhiên hiện nay ở một số sở, ngành, địa phương và một số đơn vị cơ sở việc tổ chức quản lý, chỉ đạo, kiểm tra và thực hiện công tác bảo hộ lao động còn bị buông lỏng nên việc chấp hành các luật lệ và quy định của Nhà nước về bảo hộ lao động vẫn chưa nghiêm túc ; có rất nhiều vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, do đó công tác an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, công tác phòng chống cháy nổ vẫn chưa đạt tốt. Bệnh nghề nghiệp vẫn còn nhiều, số vụ cháy nổ, tai nạn lao động vẫn chưa giảm, còn gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản của công dân và xã hội.
Để thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động của Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 19/9/1991, Chỉ thị 70/HĐBT ngày 20/2/1984 và Chỉ thị số 359/HĐBT ngày 4/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện và triển khai thực hiện công tác bảo hộ lao động nhằm đưa công tác bảo hộ lao động vào nề nếp, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1- Các sở, ngành, quận, huyện, các cơ quan quản lý các cấp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ở các thành phần kinh tế cần phải nhận thức đầy đủ công tác bảo hộ lao động là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của CNVC và người lao động, nên phải khẩn trương triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Bảo hộ lao động trong ngành, địa phương và cơ sở mình quản lý.
- Căn cứ vào những quy định về bảo hộ lao động của Nhà nước đã ban hành, có trách nhiệm đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp và kế hoạch cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, huấn luyện, tuyên truyền giáo dục, xây dựng màng lưới an toàn viên, động viên CNVC thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi sự vi phạm Pháp lệnh Bảo hộ lao động để xảy ra sự cố cháy, nổ, tai nạn lao động ; bệnh nghề nghiệp trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm quản lý của mình.
2- Sở Lao động- Thương binh xã hội , Sở Y tế, cần nhanh chóng củng cố hệ thống tổ chức từ sở đến các tổ chức ngành trực thuộc, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để có đủ khả năng đảm nhiệm chức năng tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ ngành và thực hiện thanh tra Nhà nước về an toàn lao động và vệ sinh lao động, để bảo đảm thi hành có hiệu lực những điều đã quy định trong Pháp lệnh Bảo hộ lao động.
3- Sở Lao động- Thương binh xã hội , Sở Y tế, có trách nhiệm phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố để triển khai thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động của Hội đồng Nhà nước, tổ chức huấn luyện chặt chẽ thường xuyên, định kỳ công tác bảo hộ lao động, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, giáo dục động viên CNVC các cấp, các đơn vị thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Bảo hộ lao động của Hội đồng Nhà nước.
Từ nay kiên quyết đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh, các dịch vụ khi không có giấy phép chấp thuận của các Sở Lao động- Thương binh xã hội , Sở Y tế, Công an thành phố trong việc sản xuất và sử dụng thiết bị áp lực, trong xây dựng, lắp đặt và sử dụng các công trình vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn vệ sinh, nơi chứa chất vật liệu dễ cháy nổ, v.v... có nguy cơ ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Cần chú ý đặc biệt đến những nơi đông dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, nhiều người lao động, những nơi có nhiều tài sản có giá trị cao.
4- Sở Lao động- Thương binh xã hội có trách nhiệm cùng Sở Y tế, phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, bàn bạc với ngành để đề nghị với Ủy ban nhân dân thành phố phương án thành lập “Hội đồng bảo hộ lao động thành phố” để làm tư vấn cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc theo dõi chỉ đạo thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động và các quy định của Nhà nước về bảo hộ lao động.
Hội đồng bảo hộ lao động thành phố làm nhiệm vụ tư vấn cho Ủy ban nhân dân thành phố và tổ chức việc phối hợp hoạt động của các ngành, các cấp về bảo hộ lao động.
5- Sở Lao động- Thương binh xã hội , Sở Y tế và Hội đồng bảo hộ lao động thành phố có trách nhiệm báo cáo định kỳ, phân tích đánh giá các kết quả hoạt động, đề xuất các kiến nghị và xây dựng các chương trình, tiến độ kế hoạch thực hiện định kỳ cho Ủy ban nhân dân thành phố.
6- Sở Văn hóa thông tin, các Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan và các đoàn thể quần chúng tổ chức đợt phổ biến, tuyên truyền đều khắp trong nhân dân, nhằm giáo dục, động viên nhân dân lao động và CNVC thực hiện tốt Pháp lệnh Bảo hộ lao động của Hội đồng Nhà nước.
7- Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này.
Chỉ thị này phải được phổ biến rộng rãi đến tận các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... thuộc các thành phần kinh tế, đến từng công nhân viên chức và nhân dân để quán triệt và thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |