Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 181-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 1964

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công tác bảo hộ lao động, phục vụ sản xuất;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động và Ban Chấp hành Tổng công đoàn Việt-nam;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 01 tháng 10 năm 1963;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo nghị định này “Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động ”.

Điều 2. – Các quy định trước đây về bảo hộ lao động trái với điều lệ này điều bãi bỏ.

Điều 3. – Ông Bộ trưởng Bộ Lao động chịu trách nhiệm giải thích và quy định chi tiết thi hành điều lệ này.

Điều 4. – Các ông Bộ trưởng các Bộ; thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

T.M HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI

VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Nghị định số 181-CP ngày 18-12-1964)

Từ khi thành lập nước Việt-nam dân chủ cộng hòa, đi đôi với việc chăm lo cải thiện đời sống của công nhân, viên chức, Chính phủ đã quan tâm đến công tác bảo hộ lao động. Bộ Lao động và các Bộ quản lý sản xuất đã ban hành nhiều chế độ, thể lệ bảo hộ lao động và hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động. Công tác bảo hộ lao động đã thu được những kết quả bước đầu trong việc phòng ngừa tai nạn lao động, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe của công nhân, viên chức.

Tuy nhiên, nhìn chung công tác bảo hộ lao động chưa theo kịp đà phát triển sản xuất. Nhận thức về công tác bảo hộ lao động của một số ngành, địa phương và cơ sỏư chưa đầy đủ. Các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động đã ban hành còn thiếu chặt chẽ, thiếu toàn diện; chế độ trách nhiệm về bảo hộ lao động của các ngành, các cấp chưa được xác định rõ; tổ chức bảo đảm thực hiện và kiểm tra công tác bảo hộ lao động chưa được kiện toàn.

Trong giai đoạn công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm không ngừng nâng cao năng suất lao động và phát triển sản xuất, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, Hội đồng Chính phủ ban hành điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động nhằm đưa công tác bảo hộ lao động vào nền nếp, có lãnh đạo và kiểm tra chặt chẽ và có tính chất quần chúng rộng rãi.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. – Công tác bảo hộ lao động bao gồm việc áp dụng những biện pháp về kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp và việc quy định các chế độ; thể lệ bảo hộ lao động, nhằm bảo đảm an toàn và vệ sinh trong sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ sức lao động, tạo điều kiện không ngừng nâng cao năng suất lao động.

Điều 2. – Các ngành, các cấp quản lý sản xuất có trách nhiệm chính trong việc thưc hiện công tác bảo hộ lao động. Công tác này phải tiến hành có kế hoạch, căn cứ vào những luật lệ đã ban hành, đặt dưới sự kiểm tra chặt chẽ của Nhà nước và sự giám sát của tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức.

Điều 3. - Bộ Lao động và các cơ quan lao động địa phương, Bộ Y tế và các cơ quan y tế địa phương có trách nhiệm giúp Chính phủ và Ủy ban hành chính địa phương trong việc hướng dẫn chung và thanh tra việc thực hiện công tác lao động bảo hộ lao động.

Các cơ quan khác của Nhà nước có liên quan đến bảo hộ lao động có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý sản xuất, lao động và y tế nghiên cứu các biện pháp bảo hộ lao động và bảo đảm việc thực hiện tốt các kế hoạch và chính sách, chế độ bảo hộ lao động.

Điều 4. – Công nhân, viên chức có nhiệm chấp hành mọi quy định của Nhà nước về bảo hộ lao động và phải chịu trách nhiệm về những hành động vi phạm của mình.

Điều 5. - Điều lệ này áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị vận tải, kinh doanh, các kho tàng, các đội máy kéo, các cơ quan nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, các cơ quan sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ; Ủy ban hành chính các địa phương, kể cả các xí nghiệp công tư hợp doanh và xí nghiệp của Bộ Quốc phòng.

Đối với các hợp tác xã tiểu công nghiệp và hợp tác xã thủ công nghiệp, các hợp tác xã nông nghiệp có sử dụng máy móc, hóa chất, Ủy ban hành chính địa phương sẽ căn cứ vào tinh thần và điều lệ này mà hướng dẫn việc áp dụng.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG.

Điều 6. – Các ngành các cấp chủ quản xí nghiệp và các xí nghiệp, khi lập kế hoạch sản xuất phải đồng thời lập kế hoạch bảo hộ lao động. Bộ chủ quản xí nghiệp, Ủy ban hành chính địa phương, khi xét duyệt kế hoạch sản xuất phải đồng thời xét duyệt kế hoạch bảo hộ lao động.

Điều 7. – Khi xây dựng và sửa chữa các công trình cơ quan phụ trách có trách nhiệm thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp.

Khi thiết kế chế tạo máy móc, cơ quan thiết kế hay nhà máy chế tạo phải đồng thời nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị cần thiết về an toàn lao động. Trước khi đưa vào sản xuất, các thiết bị máy móc phải được kiểm tra, nghiệm thử để bảo đảm kỹ thuật an toàn.

Điều 8. – Các xí nghiệp đều phải có quy trình thiết bị máy móc, phải đồng thời sửa đổi quy trình kỹ thuật an toàn cho từng ngành, nghề, từng loại máy.

Khi thay đổi phương pháp sản xuất, thay đổi thiết bị máy móc, phải đồng thời sửa đổi quy trình kỹ thuật an toàn cho thích hợp.

Điều 9. – Khi sử dụng công nhân mới hoặc khi thay đổi thiết bị, cải tiến phương pháp sản xuất, xí nghiệp phải huấn luyện cho công nhân về kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp và phải sát hạch sau khi đã huấn luyện. Đối với công nhân làm những việc có tính chất nguy hiểm hay có hại đến sức khỏe phải tổ chức việc định kỳ huấn luyện hoặc sát hạch lại. Chế độ huấn luyện cho công nhân về bảo hộ lao động do Bộ Lao động quy định.

Giám đốc xí nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về công tác bảo hộ lao động trong công nhân, kiểm tra đôn đốc công nhân chấp hành đầy đủ các quy trình về kỹ thuật an toàn trong khi làm việc.

Cán bộ quản lý sản xuất, các bộ kỹ thuật; công nhân kỹ thuật đều phải được huấn luyện về bảo hộ lao động tại các trường, lớp đào tạo hoặc bổ túc nghiệp vụ. Việc tổ chức giảng dạy về bảo hộ lao động do các Bộ chủ quản và Ủy ban hành chính địa phương quy định, theo sự hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Bộ Lao động.

Điều 10. - Ở những nơi điều kiện làm việc nguy hiểm, dễ xẩy ra tai nạn lao động, hoặc có hại đến sức khỏe, giám đốc xí nghiệp phải chăm lo việc cải tiến thiết bị, máy móc, cơ khí hóa dần những việc làm thủ công. Công nhân làm việc ở những nơi đó được trang bị những dụng cụ phòng hộ cá nhân và áo quần làm việc.

Nguyên tắc và tiêu chuẩn cấp phát dụng cụ phòng hộ và áo quần làm việc cho công nhân do Bộ Lao động quy định. Các Bộ chủ quản, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ căn cứ vào quy định chi tiết để áp dụng trong ngành hoặc địa phương mình, sau khi đã được Bộ Lao động thỏa thuận.

Đối với những ngành, nghề mới phát triển, nếu chưa có quy định về trang bị bảo hộ lao động thì Bộ hoặc ngành chủ quản, sau khi bàn bạc với Bộ Lao động, được quy định chế độ tạm thời về trang bị bảo hộ lao động cho các ngành, nghề đó.

Điều 11. – Các xí nghiệp có những việc làm dễ xẩy ra tai nạn ngiêm trọng; đặt biệt là các xí nghiệp khai thác hầm lò; hóa chất; luyện kim phải trang bị đủ phương tiện để cứu chữa kịp thời cho công nhân khi xẩy ra tai nạn lao động.

Điều 12. – Khi xẩy ra tai nạn lao động, xí nghiệp phải tổ chức cứu chữa kịp thời người bị nạn, điều tra nguyên nhân, thi hành ngay các biện pháp ngăn ngừa tai nạn tương tự có thể xẩy ra, báo cáo và thống kê tai nạn lao động theo chế độ quy định.

Điều 13. – Khi tuyển dụng công nhân, xí nghiệp phải tổ chức việc kiểm tra sức khỏe chu đáo. Những người làm những công việc nặng nhọc, có hại đến sức khỏe, phải được định kỳ kiểm tra lại sức khỏe.

Công nhân làm những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe được bồi dưỡng bằng hiện vật theo chế độ quy định.

Điều 14. - Phụ nữ và thiếu niên phải được sử dụng vào những công việc thích hợp với sinh lý và cơ thể họ. Các xí nghiệp phải áp dụng những biện pháp riêng bảo đảm vệ sinh và giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ và thiếu niên.

Điều 15. - Bộ Lao động và Bộ y tế quy định chế độ; tiêu chuẩn và tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, quy định những nghề cần kiểm tra định kỳ sức khỏe cho công nhân; những công việc đặc biệt có hại đến sức khỏe cần được bồi dưỡng bằng hiện vật; và những loại công việc không được sử dụng phụ nữ và thiếu niên.

Điều 16. – Các xí nghiệp phải thực hiện nghiêm chỉnh quyết định của Hội đồng Chính phủ về hội họp, học tập; phải bảo đảm thì giờ nghỉ ngơi của công nhân theo chế độ đã ban hành, phải cải tiến tổ chức lao động và sắp xếp lao động hợp lý để tận dụng thì giờ làm việc hàng ngày, chỉ được huy động công nhân làm thêm giờ hoặc làm trong những ngày nghỉ trong phạm vi luật lệ quy định. Trường hợp đặc biệt cần huy động làm ngoài giờ thêm nữa, thì phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Công nhân làm những công việc có hại nhiều đến sức khỏe có thề được bớt làm. Danh sách những nghề và mức bớt giờ làm do Bộ chủ quản, Ủy ban hành chính địa phương cùng với Bộ Lao động đề nghị lên Chính phủ quyết định.

III. NHIỆM VỤ CỦA CÁC NGÀNH CÁC CẤP VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Điều 17. - Đối với công tác bảo hộ lao động các Bộ; Tổng cục quản lý sản xuất, các Ủy ban hành chính địa phương có nhiệm vụ:

- Lãnh đạo và tổ chức thực hiện trong ngành và địa phương mình các chế độ, thể lệ và biện pháp bảo hộ lao động của Nhà nước;

- Căn cứ vào những quyết định chung của Hội đồng Chính phủ và Bộ Lao động, ban hành các chế độ, quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn áp dụng trong ngành hoặc địa phương mình sau khi đã được Bộ Lao động thỏa thuận;

- Đặt chủ trương công tác bảo hộ lao động hàng năm hoặc lâu dài của ngành, của địa phương;

- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các xí nghiệp thuộc quyền thi hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, lập và xét duyệt kịp thời các kế hoạch bảo hộ lao động, giúp đỡ về mặt kỹ thuật an toàn và bảo đảm cung cấp cho các xí nghiệp đó các phương tiện cần thiết để thực hiện các biện pháp bảo hộ lao động như tiền; vật tư kỹ thuật…

- Tổ chức việc nghiên cứu cải tiến máy móc, thiết bị, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân;

- Hàng 6 tháng và một năm báo cáo cho Bộ Lao động tình hình bảo hộ lao động của ngành hoặc địa phương mình để giúp cho việc tổng hợp chỉ đạo chung và báo cáo lên trên.

Điều 18. – Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ thực hiện mọi mặt công tác bảo hộ lao động trong phạm vi xí nghiệp, cụ thể là:

- Lập kế hoạch bảo hộ lao động và bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời kế hoạch đó;

- Chấp hành đúng đắn các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn;

- Lập các quy trình về kỹ thuật an toàn cho từng nghề, từng máy và tổ chức huấn luyện cho công nhân nắm vững các phương pháp làm việc an toàn;

- Tổ chức tốt nơi làm việc và thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc; giảm nhẹ sức lao động cho công nhân;

- Hàng quý tổ chức kiểm tra kỹ thuật an toàn và vệ sinh công nghiệp trong xí nghiệp mình;

- Báo cáo, thống kê các tai nạn lao động và nghiên cứu thực hiện các biện pháp ngăn ngừa cần thiết;

- Hàng quý báo cáo tình hình công tác bảo hộ lao động cho cấp trên và cơ quan lao động địa phương.

Điều 19. – Các Bộ quản lý sản xuất, các Ủy ban hành chính địa phương phải quy định cụ thể chế độ trách nhiệm về bảo hộ lao động cho các cán bộ phụ trách sản xuất các cấp và các bộ môn công tác có liên quan đến bảo hộ lao động như: kỹ thuật, thiết kế, kế hoạch, tài vụ, vật tư … căn cứ vào văn bản hướng dẫn chung của Bộ Lao động.

Điều 20. - Ở mỗi Bộ chủ quản, mỗi ngành chủ quản ở địa phương và mỗi xí nghiệp phải thành lập một tổ chức hoặc cử cán bộ am hiểu kỹ thuật để chuyên trách công tác kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, giúp cán bộ lãnh đạo nghiên cứu, chỉ đạo việc thực hiện công tác kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động trong ngành hoặc xí nghiệp mình. Tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách công tác này đặt trực thuộc cấp lãnh đạo Bộ, ngành chủ quản hoặc xí nghiệp.

Bộ Lao động hướng dẫn cụ thể về tổ chức và lề lối làm việc của bộ phận chuyên trách kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở các xí nghiệp, và cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn cụ thể về tổ chức và lề lối làm việc của tổ chức này ở các Bộ và các ngành.

Điều 21. - Bộ Lao động có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động và hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện;

- Nghiên cứu và ban hành các quy phạm về kỹ thuật an toàn áp dụng chung cho nhiều ngành, nghề; đôn đốc và giúp đỡ các ngành xây dựng các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn riêng cho từng ngành, nghề;

- Thanh tra và chỉ đạo công tác thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn tại các xí nghiệp;

- Kiến nghị với các Bộ chủ quản, các xí nghiệp về việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân hoặc đề xuất với các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật những vấn đề về bảo hộ lao động cần nghiên cứu giải quyết.

- Có quyền yêu cầu các ngành quản lý sản xuất và các Ủy ban hành chính địa phương cung cấp những tài liệu về tình hình thực hiện công tác bảo hộ lao động tại các ngành, các địa phương, các xí nghiệp.

Điều 22. – Đối với công tác bảo hộ lao động, Bộ y tế có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Nghiên cứu và trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chế độ bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe cho công nhân, các tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện các chế độ, tiêu chuẩn ấy:

- Nghiên cứu và hướng dẫn các biện pháp đề phòng bệnh nghề nghiệp cho các ngành, các cấp, các xí nghiệp.

Điều 23. - Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, khi xét duyệt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất của các ngành, các địa phương, phải đồng thời xét duyệt cả các chỉ tiêu kế hoạch bảo hộ lao động và chú ý giúp đỡ các ngành, các địa phương về mặt phân phối vật tư kỹ thuật cần thiết cho công tác bảo hộ lao động.

Điều 24. - Ủy ban khoa học Nhà nước có nhiệm vụ góp ý kiến với các Bộ quản lý sản xuất về kế hoạch xây dựng các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn áp dụng riêng, cho từng Bộ, cũng như góp ý kiến với Bộ Lao động về kế hoạch xây dựng các quy phạm về kỹ thuật an toàn áp dụng chung cho nhiều Bộ. Đối với các quy phạm dùng cho nhiều Bộ do Bộ Lao động nghiên cứu xây dựng, Ủy ban Khoa học Nhà nước có nhiệm vụ giúp đỡ thẩm tra lại nội dung.

Điều 25. – Các Bộ Nội thương, Ngoại thương, Tổng cục Lương thực có nhiệm vụ bảo đảm lương thực, thực phẩm, vật tư và những vật dụng cần thiết khác để thực hiện tốt các chế độ, chính sách bảo hộ lao động.

IV. THANH TRA VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN VÀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG.

Điều 26. – Thành lập hệ thống tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, gồm có Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thuộc Bộ Lao động và các tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở các địa phương đặt trong các Sở, Ty Lao động.

Điều 27. – Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thuộc Bộ Lao động có nhiệm vụ:

- Giúp Bộ Lao động theo dõi và chỉ đạo chung công tác bảo hộ lao động;

- Nghiên cứu các chế độ thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm về kỹ thuật an toàn áp dụng chung cho nhiều ngành, nghề để Bộ trưởng Bộ Lao động ban hành hoặc trình Hội đồng Chính phủ ban hành;

- Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn tại tất cả các cơ sở sản xuất; riêng về kỹ thuật an toàn, chủ yếu là thanh tra các ngành, nghề kỹ thuật an toàn phức tạp.

Điều 28. – Các tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thuộc các Sở, Ty Lao động có nhiệm vụ:

- Giúp Sở, Ty Lao động theo dõi và chỉ đạo công tác bảo hộ lao động ở địa phương.

- Thanh tra việc chấp hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động tại tất cả các cơ sở sản xuất ở địa phương (kể cả các xí nghiệp của trung ương hoạt động ở địa phương), và thanh tra về kỹ thuật an toàn tại các cơ sở sản xuất do địa phương quản lý, các cơ sở của trung ương đặt tại địa phương theo sự phân cấp cụ thể của Bộ Lao động.

Điều 29. - Trưởng ban và Phó ban thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thuộc Bộ Lao động do Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động.

Cán bộ thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động thuộc Ban Thanh tra do Bộ trưởng Bộ Lao động bổ nhiệm.

Cán bộ thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở địa phương được bổ nhiệm theo chế độ áp dụng đối với các cán bộ lãnh đạo các cơ quan lao động địa phương.

Tổ chức và biên chế của Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở địa phương do Bộ Lao động quy định, sau khi đã được Bộ Nội thỏa thuận

Tổ chức và biên chế bộ máy thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở địa phương do Bộ Lao động và Bộ Nội vụ hướng dẫn cho các Ủy ban hành chính địa phương.

Điều 30. - Trưởng, Phó ban thanh tra và cán bộ thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động, trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, có quyền:

- Vào các xí nghiệp thuộc diện thanh tra của mình, bất cứ lúc nào, sau khi đã xuất trình giấy tờ hợp lê;

- Lập biên bản thanh tra và kiến nghị với xí nghiệp hay cơ quan các biện pháp khắc phục những hiện tượng vi phạm các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn.

- Yêu cầu Giám đốc xí nghiệp tạm thời đình chỉ hoạt động của một số bộ phận máy móc, hoặc bộ phận công tác nếu thấy có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để xí nghiệp tiến hành ngay các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Trường hợp yêu cầu của cán bộ thanh tra lao động không được thực hiện, do đó để xảy ra tai nạn lao động thì Giám đốc xí nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Nếu thấy việc đình chỉ trên phải kéo dài hoặc có ảnh hưởng trực tiếp lớn đến hoạt động chung của cả xí nghiệp thì cán bộ thanh tra lao động cùng với Giám đốc xí nghiệp đề ra những biện pháp phòng ngừa tạm thời để thực hiện ngay đồng thời báo cáo ngay lên Bộ trưởng Bộ Lao động và Bộ chủ quản xí nghiệp hoặc Ủy ban hành chính địa phương (đối với những xí nghiệp của địa phương) để quyết định.

Chế độ công tác của cán bộ thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động do Bộ trưởng Bộ Lao độgn quy định sua khi đựơc Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Điều 31. – Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ cung cấp những tài liệu cần thiết, giúp đỡ cán bộ thanh tra tiến hành công tác trong những điều kiện thuận lợi nhất, phải thực hiện đầy đủ những biện pháp cần thiết do cán bộ thanh tra kiến nghị và báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động hoặc tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ở địa phương biết. Trường hợp không thực hiện được đầy đủ những yêu cầu của cán bộ thanh tra thì phải nói rõ lý do.

Điều 32. - Việc tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động tại các xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, và thiết bị lưu động khác thuộc ngành giao thông sẽ do Liên bộ Quốc phòng – Lao động, Liên bộ Giao thông vận tải – Lao động và Liên bộ Công an – Lao động quy định.

V. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG.

Điều 33. - Nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn các cấp về bảo hộ lao động như sau:

- Tham gia việc xây dựng các chế độ, thể lệ, kế hoạch bảo hộ lao động, các quy phạm và quy trình về an toàn lao động và các tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp. Khi nghiên cứu xây dựng hoặc bổ sung các thể lệ, chế độ đó, các cơ quan Nhà nước cần thảo luận với Công đoàn cùng cấp trước khi quyết định. Trường hợp có những vấn đề chưa nhất trí thì phải tôn trọng ý kiến của các cơ quan Nhà nước, đồng thời cả hai bên phải xin ý kiến cấp trên.

- Phối hợp với ngành chủ quản, xí nghiệp cùng cấp tổ chức việc tuyên truyền phổ biến các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động trong công nhân, viên chức, động viên tổ chức công nhân, viên chức tham gia giám sát việc thực hiện kế hoạch và chấp hành các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động.

Điều 34. – Công đoàn cơ sở có trách nhiệm tổ chức, lãnh đạo lưới an toàn viên trong các tổ sản xuất. An toàn viên không thoát ly sản xuất, có nhiệm vụ đôn đốc, nhắc nhở công nhân chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ, chế độ bảo hộ lao động, các quy phạm, quy trình về an toàn lao động, đồng thời phát hiện những hiện tượng vi phạm luật lệ, chế độ, hiện tượng thiếu vệ sinh công nghiệp và kỹ thuật an toàn, giúp đỡ và giám sát tổ trưởng sản xuất thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

Điều 35. – Tổng công đoàn Việt-nam được quyền cử cán bộ của Công đoàn các cấp làm cán bộ kiểm tra bảo hộ lao động đến các xí nghiệp kiểm tra tình hình bảo hộ lao động.

Cán bộ kiểm tra của công đoàn có quyền kiến nghị với Giám đốc xí nghiệp thi hành những biện pháp cần thiết để tăng cường công tác bảo hộ lao động, khắc phục những hiện tượng vi phạm chế độ, thể lệ bảo hộ lao động và thông báo kết quả kiểm tra và những kiến nghị của mình cho cơ quan thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động cùng cấp biết.

Giám đốc xí nghiệp có nhiệm vụ giúp đỡ cán bộ kiểm tra bảo hộ lao động của Công đoàn tiến hành tốt công tác kiểm tra, cung cấp những tài liệu cần thiết, nghiên cứu thực hiện những kiến nghị của cán bộ kiểm tra, báo cho tổ chức Công đoàn sở quan và cơ quan thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động biết cách giải quyết của mình và giải thích rõ lý do không thực hiện những kiến nghị nhất định của cán bộ kiểm tra bảo hộ lao động của Công đoàn.

VI. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 36. – Xí nghiệp và cá nhân có thành tích trong công tác bảo hộ lao động sẽ được xét để khen thưởng.

Khi xét khen thưởng xí nghiệp hay cá nhân có thành tích lao động, sản xuất, cơ quan có thẩm quyền phải đồng thời xét cả về mặt thành tích công tác bảo hộ lao động.

Điều 37. – Cán bộ lãnh đạo sản xuất hoặc trực tiếp hướng dẫn sản xuất không thực hiện đúng các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động, vi phạm các quy phạm, quy trình về kỹ thuật an toàn sẽ bị thi hành kỷ luật. Nếu do những thiếu sót đó mà xẩy ra tai nạn lao động gây thiệt hại đến tính mạng của công nhân và tài sản của Nhà nước thì ngoài việc bị thi hành kỷ luật còn bị truy tố trước tòa án.

Điều 38. – Công nhân đã được huấn luyện về phương pháp làm việc an toàn mà không chấp hành nghiêm chỉnh các quy phạm, quy trình về an toàn lao động sẽ bị thi hành kỷ luật. Nếu do thiếu sót trên để xảy ra tai nạn nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng của người khác và tài sản của Nhà nước thì ngoài việc bị thi hành kỷ luật còn bị truy tố trước tòa án.