CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 201-CT | Hà Nội, ngày 08 tháng 6 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUÂN ĐỘI THAM GIA QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG
Theo tinh thần của Luật bảo vệ và phát triển rừng; rừng là tài nguyên quý báu của đất nước là một bộ phận quan trọng của môi trường sinh thái, gắn liền với đời sống của nhân dân và sự sống còn của dân tộc. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và mọi công dân có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Do có nhiều đơn vị đóng trên các địa bàn rừng núi, biên giới, hải đảo của Tổ quốc với đông đảo lực lượng trẻ, lại được tổ chức, chỉ huy chặt chẽ nên quân đội ta có nhiều khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo vệ và phát triển rừng, tham gia quản lý rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Để tổ chức cho bộ đội tham gia một cách thiết thực, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Từ nay cùng với việc thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và các nhiệm vụ khác, quân đội có trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng với những nội dung cụ thể sau đây:
- Tại địa bàn đóng quân, thủ trưởng các đơn vị quân đội có nhiệm vụ tổ chức giáo dục bộ đội thực hiện nghiêm chỉnh Luật bảo vệ và phát triển rừng, tự giác tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng, không chặt cây, khai thác rừng sai quy định.
Trước mắt, Bộ Quốc phòng cần phối hợp với các ngành để chỉ đạo các đơn vị bộ đội đóng quân ở các vùng có rừng nghiên cứu chất đốt thay gỗ, củi. ở những nơi có điều kiện thay thế gỗ, củi bằng các chất đốt khác thì phải thực hiện ngay trong năm 1992. ở những nơi chưa có điều kiện thay thế, thì các đơn vị bộ đội chỉ được mua củi của các tổ chức được phép kinh doanh củi hoặc chỉ được thu hái củi khi được cơ quan có thẩm quyền của ngành lâm nghiệp quy hoạch vùng cho phép và chịu sự hướng dẫn của chủ rừng.
- Tổ chức trồng các loài cây lấy gỗ, lấy củi, cây ăn quả, cây đặc sản, cây phong cảnh... xung quanh doanh trại để cải thiện môi sinh, làm đẹp phong cảnh, che khuất doanh trại, tự túc gỗ củi, cải thiện đời sống bộ đội.
- Cùng với các tổ chức kinh tế khác tham gia các dự án trồng rừng, tập trung góp phần hoàn thành thắng lợi chương trình của Nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc.
2. Để tạo điều kiện cho quân đội thực hiện được những nhiệm vụ nói trên, các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp phải thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
- Hàng năm căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, chức năng nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của từng đơn vị, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch để trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn quân; chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc sử dụng kinh phí trồng rừng được cấp và báo cáo quyết toán với Bộ Tài chính.
- Căn cứ vào quỹ đất lâm nghiệp, Bộ lâm nghiệp cùng với Tổng cục quản lý ruộng đất xác định rõ quy mô diện tích và giao cho quân đội quản lý hoặc để trồng cây gây rừng theo quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chế độ thể lệ hiện hành của Nhà nước, cùng với Bộ Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị được giao đất, giao rừng lập các phương án hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật để trình duyệt theo chế độ hiện hành, nghiên cứu chính sách khuyến khích bộ đội tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Căn cứ vào kế hoạch Nhà nước hàng năm về trồng cây, gây rừng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính cân đối hỗ trợ vốn cho Bộ Quốc phòng để phân bổ cho các đơn vị quân đội. Tuỳ theo nhiệm vụ trồng cây (phân tán, tập trung) và đối tượng đơn vị quân đội cụ thể, chính sách đầu tư hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng sau đây:
+ Nhà nước hỗ trợ cây giống cho việc trồng cây phân tán trong phạm vi doanh trại.
+ Nhà nước đầu tư đủ chi phí cây giống, phân bón và hỗ trợ một phần công cụ lao động cho những đơn vị quân đội kết hợp làm kinh tế.
+ Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư hiện hành đối với từng loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) cho các đơn vị quân đội chuyên xây dựng kinh tế như đối với các đơn vị quốc doanh khác.
+ Mỗi khi có việc thuyên chuyển nơi đóng quân, các đơn vị quân đội nhất thiết phải bàn giao tài sản (trong đó có tài sản về rừng mà đơn vị đã trồng hoặc đang quản lý) cho đơn vị mới trực tiếp quản lý theo chế độ hiện hành.
- Căn cứ vào quy hoạch đất đai của địa phương, hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp, Tổng cục quản lý ruộng đất và yêu cầu của Bộ Quốc phòng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và thành phố thực hiện kế hoạch giao đất, giao rừng cho các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, ưu tiên các đơn vị quân đội được tham gia các dự án trồng rừng bằng vốn nước ngoài, hỗ trợ vật tư kỹ thuật để các đơn vị này trồng cây trong doanh trại...
Bộ Quốc phòng phối hợp với các Bộ Lâm nghiệp, Tài chính, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Tổng cục quản lý ruộng đất và các Bộ, ngành có liên quan khác tổ chức thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và bảo vệ rừng ngay từ kế hoạch năm 1992 và hàng năm báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Bộ Lâm nghiệp phối hợp với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, hướng dẫn giúp đỡ để các đơn vị quân đội trồng cây, gây rừng đạt được hiệu quả thiết thực và làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của chính sách hiện hành.
| Phan Văn Khải (Đã ký)
|
- 1 Chỉ thị 52/2001/CT/BNN-KL về việc đẩy mạnh công tác xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn, làng, buôn, bản, ấp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Thông tư liên bộ về tổ chức cho các lực lượng quân đội tham gia làm nghề rừng do Bộ Lâm nghiệp - Bộ Quốc phòng ban hành
- 3 Nghị quyết liên tịch số 03 về việc tổ chức và động viên tuổi trẻ xung kích đẩy mạnh trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp do Bộ Lâm nghiệp - Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ban hành