Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2003/CT-UB 

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2003 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2003

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Đồng bằng Bắc bộ, trong năm 2003 Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng của một đến hai cơn bão và có lũ trên báo động số 3. Những năm qua đê, kè, cống đã được đầu tư gia cố, tu bổ; công tác đắp đê, làm kè theo kế hoạch năm 2003 cơ bản đã hoàn thành. Tuy vậy, thời gia qua hệ thống đê, kè, cống chưa được thử thách nhiều, lũ năm 2002 chưa đạt tới lũ thiết kế, song đê, kè Hà Nội đã xảy ra một số sự cố. Các sự cố được xử lý trong điều kiện thời tiết bình thường nên đạt hiệu quả cao. Để đối phó với điều kiện thời tiết phức tạp hơn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2003, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1- Chủ tịch UBND các cấp, lãnh đạo các sở, ban, ngành các cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội tập trung chỉ đạo, lãnh đạo: sẵn sàng mọi điều kiện để chủ động phòng, chống lụt, bão tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai.

- Xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, úng và tìm kiếm cứu nạn, phương án phục hồi sản xuất. Kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão phải được xây dựng cụ thể, chi tiết, sát thực tế theo phương châm 4 tại chỗ.

- Các điạ phương có đê bối phải tuân thủ nghị định 62/1999/NĐ-CP của Chính phủ, chủ động cho nước tràn theo quy định khi lũ lớn.

- Tổ chức diễn tập, thực tập theo các phương án đã đặt ra, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

-Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão; có biện pháp ngăn chặn xe quá tải đi trên đê; khai thác cát, lập bến bãi trung chuyển vật liệu khi chưa có phép.

2- Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Thành phố có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện các sở, ngành thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống lụt, bão, úng và tìm kiếm cứu nạn và đặt ra; chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lụt, bão, úng và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố thật cụ thể, có hiệu quả.

3- Công tác thông tin tuyên truyền phải thường xuyên, phải đảm bảo thông suốt trong mùa mưa, bão; thông tin kịp thời các bản tin dự báo Khí tượng thủy văn cho các cấp, các ngành khi có lũ, bão.

Tuyên truyền để mọi tổ chức, cá nhân và các cơ qưan đóng trên địa bàn Thủ đô hiểu về công tác phòng, chống lụt, bão, tránh tư tưởng chủ quan.

4- Yêu cầu Cấp ủy, Chính quyền, Đoàn thể ở các địa phương, các ngành nhận thức đầy đủ, đúng đắn về công tác phòng, chống lụt, bão, úng và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để lãnh đạo, chỉ đạo đối phó với mọi tình huống lũ, bão có thể xảy ra đối với địa phương mình, ngành mình..

5- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chống lụt bão năm 2003 được xem xét khen thưởng. Những tổ chức, cá nhân vi phạm, tùy theo mức độ mà xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

 UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, úng và tìm kiếm cứu nạn hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong mùa lũ năm 2003./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên