ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 06 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY
Trong 5 năm qua, công tác phòng cháy và chữa cháy ở thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Do các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện, ý thức phòng cháy của mọi người được nâng cao, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ và chuyên nghiệp đã kịp thời dập tắt nhiều vụ cháy.
Tuy vậy, tình hình cháy còn xảy ra nhiều, gây tổn thất nghiêm trọng về người và tài sản. Số vụ cháy do sơ hở trong sinh hoạt và sản xuất chiếm tỷ lệ cao. Công tác tổ chức phòng cháy ở một số địa phương, đơn vị chưa cụ thể, thiếu quan tâm kiểm tra để uốn nắn kịp thời.
Để thực hiện Chỉ thị số 237/TTg ngày 19/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và để khắc phục những thiếu sót nêu trên, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
1/ Thủ trưởng các đơn vị Trung ương đóng ở thành phố, thủ trưởng các sở, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác phòng cháy chữa cháy ở đơn vị, địa phương mình để có giải pháp củng cố kịp thời. Phải có kế hoạch phòng ngừa cháy, nổ và đề án xử lý khi có cháy, nổ. Tăng cường các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để lực lượng cảnh sát chữa cháy hoàn thành nhiệm vụ. Chú trọng xây dựng lực lượng bảo vệ, phòng cháy chữa cháy tại chỗ, bố trí thời gian thích hợp cho lực lượng này luyện tập các thao tác chữa cháy. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong cơ sở, đặc biệt là lúc giao ca, tan tầm, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện kịp thời cháy nổ và tổ chức cứu chữa ngay.
2/ Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các ban ngành trực thuộc, Ủy ban nhân dân phường, xã tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy sát thực tế từng khu phố, từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, Công ty, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện trên địa bàn phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, xây dựng lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ. Các cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp mà công nghệ, nguyên liệu dễ phát cháy, nổ, nếu không thực hiện đúng các quy định về an toàn phòng cháy thì đình chỉ không cho hoạt động.
Chỉ đạo giải tỏa việc lấn chiếm các hẻm, tuyên truyền nhân dân thực hiện các quy ước về phòng cháy chữa cháy. Xây bể chứa nước, mua máy bơm chữa cháy cho lực lượng dân phòng bằng ngân sách của địa phương hoặc vận động nhân dân, các tổ chức, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí.
3/ Các sở, ban, ngành, các công ty, doanh nghiệp hàng năm phải dành khoản kinh phí để nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy phù hợp với qui mô và công nghệ của đơn vị để việc phòng cháy cũng như chữa cháy đạt hiệu quả, chống hình thức.
4/ Công an thành phố có kế hoạch chủ động với các ngành có liên quan của thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện để tổ chức kỷ niệm 35 năm thi hành pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy chữa cháy (4/10/1961-4/10/1996). Trên cơ sở đó bổ sung kế hoạch phòng cháy chữa cháy một cách cụ thể, thiết thực, đạt kết quả tốt.
Tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy cho các lực lượng tại chỗ. Ngày 4/10/1996, tổ chức thao diễn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện tháng an toàn phòng cháy chữa cháy lần thứ 6 ở thành phố.
Tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến về phòng cháy chữa cháy từ cấp cơ sở đến cấp thành phố vào tháng 10/1996, kết hợp với tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 175/CP ngày 31/5/1991 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy.
5/ Cần đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện quy hoạch phát triển đô thị với công tác phòng cháy chữa cháy từ nay đến năm 2000 như sau :
- Sở Xây dựng, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố, Phòng Xây dựng-quản lý đô thị các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với Công an thành phố trong việc thẩm định về mặt phòng cháy chữa cháy cho tất cả các loại công trình bao gồm xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng và chỉ cấp giấy phép khi có ý kiến của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Sở Thương mại, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chỉ cấp giấy phép hoạt động khi các công trình nói trên được Cảnh sát phòng cháy chữa cháy nghiệm thu về mặt an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Công ty Điện lực thành phố phối hợp với Công an thành phố, Công an quận, huyện kiểm tra nắm lại tình hình vi phạm trong khâu mắc sử dụng điện, hướng dẫn các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn, đề phòng cháy do chạm chập, quá tải… cùng với Ủy ban nhân dân các quận, huyện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn lành lang lưới điện và chiếm dụng đất ở tại các trạm biến áp.
- Sở Giao thông công chánh phối hợp với Công an thành phố, Viện Quy hoạch, Sở Tài chánh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Xây dựng thành phố để thực hiện Chỉ thị số 38/CT-UB ngày 05/8/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố và Thông tư số 10/LB ngày 31/12/1994 của Liên Bộ Nội vụ - Xây dựng về cấp nước chữa cháy ở thành phố, cần sớm có kế hoạch xây các trụ nước chữa cháy ở các đường mới mở, các đường sẽ mở nằm trong quy hoạch đã duyệt để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy theo tiêu chuẩn và quy định hiện hành.
- Công an thành phố phối hợp với Sở Địa chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thành phố chọn vị trí và diện tích thích hợp cho việc lập thêm các đội chữa cháy mới theo quy hoạch đô thị đến năm 2000 phù hợp với tiêu chuẩn nhà nước.
- Trong năm nay, Công an thành phố phối hợp với Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố xác định vị trí xây dựng doanh trại, cầu cảng nhỏ cho đội phòng cháy chữa cháy trên sông với quy mô 2 (hai) tàu chữa cháy hiện đại để Công an thành phố lập dự án đầu tư.
6/ Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố, các đơn vị Trung ương đóng ở thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường trách nhiệm, chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này. Công an thành phố có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giúp các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |