Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/1999/CT-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO HỘ LAO ĐỘNG TRONG NGÀNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Ngày 26 tháng 03 năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/1998/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới. Sau một năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, công tác bảo hộ lao động trong ngành Giáo dục - Đào tạo đã được đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, một số trường, một số cơ sở giáo dục chưa thực sự coi trọng công tác bảo hộ lao động; chưa quan tâm đúng mức đến công tác vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ; việc thực hiện Pháp lệnh Bảo hộ lao động chưa thật sự nghiêm; tình trạng vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động còn khá phổ biến.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tăng cường chỉ đạo và thực hiện công tác bảo hộ lao động của ngành Giáo dục - Đào tạo trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Giám đốc Đại học, Hiệu trưởng trường Đại học, Hiệu trưởng trường Cao đẳng và Hiệu trưởng trường Trung học chuyên nghiệp (dưới đây gọi tắt là Thủ trưởng các đơn vị) triển khai các công việc sau:

1. Thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc công tác bảo hộ lao động, có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong đơn vị, trước hết cần tập trung thực hiện:

1.1. Tuyên truyền, giáo dục kiến thức về an toàn lao động, vệ sinh lao động, chú ý đến các đối tượng thường xuyên làm việc có tiếp xúc với các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy phạm kỹ thuật an toàn, đặc biệt chú trọng đến phòng cháy, chữa cháy, các kỹ thuật an toàn điện, cơ khí, thiết bị áp lực, thiết bị nâng chuyển, hoá chất độc hại, bức xạ..., kiên quyết ngừng hoạt động những thiết bị không đảm bảo an toàn.

Thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn vệ sinh lao động, vệ sinh môi trường và các chế độ bảo hộ lao động.

1.2. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ báo cáo, điều tra, thống kê tai nạn lao động. Những tai nạn nghiêm trọng phải được kết luật, xử lý nghiêm túc và báo cáo kịp thời.

Khi tổng kết và xây dựng kế hoạch hàng năm, các đơn vị cần kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo hộ lao động, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo hộ lao động cho năm sau. Các đơn vị gửi báo cáo tổng kết và kế hoạch trên cho Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Giáo dục và Đào tạo (49 Đại Cồ Việt, Hà Nội), Bộ chủ quản và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đơn vị đặt trụ sở vào tháng 09 hàng năm.

1.3. Các Đại học, Trường đại học, trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp cần kiện toàn tổ chức bộ máy và chức năng, nhiệm vụ, của Ban Kỹ thuật an toàn và Bảo hộ lao động theo Thông tư số 25/TT-KHKT ngày 01 tháng 12 năm 1992 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện nghiêm chỉnh việc giảng dạy về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động theo quy định trong chương trình.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công trách nhiệm cho Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ lao động trong ngành Giáo dục - Đào tạo, các Vụ chức năng của Bộ, các Sở Giáo dục - Đào tạo, cụ thể như sau:

2.1. Ban chỉ đạo công tác bảo hộ lao động trong ngành Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch và chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác bảo hộ lao động trong ngành.

2.2. Vụ Khoa học Công nghệ làm đầu mối về công tác bảo hộ lao động của Bộ, phụ trách kỹ thuật an toàn.

2.3. Vụ Tổ chức - Cán bộ phụ trách các việc liên quan đến chế độ, chính sách bảo hộ lao động trong toàn ngành.

2.4. Vụ Đại học chỉ đạo việc rà soát, xây dựng chương trình, giáo trình và tài liệu giáo dục về an toàn lao động, vệ sinh lao động để giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư bảo hộ lao động.

2.5. Vụ Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề chỉ đạo chương trình, giáo trình và tài liệu giáo dục về an toàn lao động, vệ sinh lao động để giảng dạy trong các trường trung học chuyên nghiệp.

2.6. Vụ Giáo viên đưa nội dung bảo hộ lao động vào chương trình bồi dưỡng giáo viên các cấp học, từng bước chuẩn hóa giáo viên giảng dạy về bảo hộ lao động.

2.7. Vụ Kế hoạch và Tài chính theo dõi, kiểm tra việc thực hiện tài chính về bảo hộ lao động theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2.8. Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ tiểu học, Vụ Trung học phổ thông từng bước đưa nội dung bảo hộ lao động vào kế hoạch chỉ đạo hàng năm.

2.9. Các Sở Giáo dục - Đào tạo cử cán bộ phụ trách công tác bảo hộ lao động chịu trách nhiệm về công tác bảo hộ lao động trên địa bàn mình.

3. Các đơn vị cần phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động nơi đơn vị đặt trụ sở và phối hợp với các đoàn thể trong đơn vị triển khai công tác bảo hộ lao động, đưa công tác này vào nền nếp và chở thành phong trào quần chúng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, Giám đốc Đại học, Hiệu trưởng trường Đại học, Hiệu trưởng trường Cao đẳng, Hiệu trưởng trường Trung học chuyên nghiệp và Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thuộc Bộ chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Phát

(Đã ký)