Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-UBND

Hải Dương, ngày 24 tháng 11 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ TRONG LĨNH VỰC KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Trong những năm qua, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thu ngân sách luôn hoàn thành vượt mức dự toán HĐND tỉnh giao, góp phần đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình thất thu thuế vẫn còn xảy ra ở một số lĩnh vực như: bất động sản, kinh doanh đa cấp ..., đặc biệt là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có chiều hướng gia tăng. Mặc dù hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp mới; về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của người tiêu dùng, nhưng công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc thu các sắc thuế theo quy định (như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường) còn chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng gian lận về hóa đơn, đo lường số lượng, chất lượng, nguồn hàng cung cấp và các hành vi mua bán xăng dầu ngoài hệ thống, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực này.

Để góp phần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, chấn chỉnh các tồn tại nêu trên và thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu; Công văn số 4156/TCT-DNL ngày 13/9/2016 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Cục Thuế tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Sở Công thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng của các cột đo (trụ bơm) xăng dầu tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên toàn tỉnh; đồng thời, định kỳ tổ chức ghi chỉ số công tơ, xác định số lượng xăng dầu bán ra trong tháng, quý; quản lý chặt chẽ được số lượng xăng dầu mua vào, bán ra, ngăn chặn việc khai man, trốn thuế, mua bán hóa đơn của các doanh nghiệp, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát giao thông) và các ngành chức năng có liên quan... tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ đối với mặt hàng xăng dầu lưu thông trên thị trường từ các tỉnh khác vào địa bàn tỉnh Hải Dương, nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển xăng dầu không có hóa đơn chứng từ hợp pháp kèm theo hoặc quay vòng hóa đơn để hợp pháp số lượng xăng dầu gian lận với mục đích trốn thuế.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có nghi ngờ về thuế như: ghi chép sổ sách kế toán, sử dụng hóa đơn bán hàng, kê khai thuế, nộp thuế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Công thương làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ngoài tỉnh có bán xăng dầu vào địa bàn tỉnh Hải Dương để vận động, thuyết phục các doanh nghiệp thành lập Chi nhánh tại địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các Doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn và thực hiện kê khai thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế, phí khác theo quy định.

Làm đầu mối cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (nhất là các vi phạm về đo lường, chất lượng, gian lận thương mại) của các doanh nghiệp cho cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về đo lường, chất lượng và các vi phạm khác theo thẩm quyền; thực hiện cấp Giấy chứng nhận kiểm định cột đo nhiên liệu (cột bơm) cho những cột bơm thuộc các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

- Cung cấp cho cơ quan thuế số lượng cơ sở kinh doanh xăng dầu, số lượng cây xăng và cột xăng của đơn vị theo từng địa bàn quản lý.

- Phối hợp với Cục Thuế, Sở Công thương và các cơ quan khác có liên quan thực hiện triển khai kế hoạch dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng.

- Phối hợp với cơ quan thuế thành lập đoàn liên ngành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động kinh doanh xăng dầu của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

- Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về đo lường, chất lượng cho người lao động tại các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu.

3. S Công thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp là Thương nhân phân phối, Tổng đại lý, Đại lý và Nhượng quyền bán lẻ xăng dầu, nhất là các doanh nghiệp có biểu hiện gian lận thương mại, trốn thuế theo quy định.

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với cơ quan Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng... tăng cường công tác kiểm tra xăng dầu lưu thông trên thị trường; các quy định về vận chuyển xăng dầu; số lượng, chất lượng, tình trạng hoạt động của thiết bị đong, đếm, bình đong đối chứng, bồn chứa; hợp đồng đại lý với thương nhân cung cấp xăng dầu và các điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra sau khi có thông báo thay đổi giá bán xăng dầu của cơ quan chức năng (đặc biệt sau khi có thông báo điều chỉnh giá xăng dầu). Xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ đối với các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh xăng dầu.

- Thông báo cho Cục Thuế tỉnh, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng về các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mới thành lập đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

4. Công an tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh xăng dầu; Xử lý các trường hợp chống đối không thực hiện công việc dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng của đoàn liên ngành, không chấp hành xử lý vi phạm pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu, về thực hiện nghĩa vụ thuế; chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, thông qua công tác tuần tra phối hợp kiểm tra hóa đơn, chứng từ đối với các phương tiện vận chuyển xăng dầu lưu thông vào địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính

- Thực hiện việc quản lý giá xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vi phạm về giá bán xăng dầu, không thực hiện niêm yết giá bán xăng dầu theo quy định.

- Định kỳ thông báo giá xăng dầu trên thị trường theo từng thời điểm để cơ quan Thuế tham khảo, xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, mua đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh kê khai thuế không trung thực.

- Chủ trì, phối hợp với Cục Thuế tỉnh, đề xuất và trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí phục vụ cho công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thực hiện hướng dẫn, cấp giấy phép kinh doanh kịp thời cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối thành lập Chi nhánh trên địa bàn tỉnh, cung cấp thông tin cấp giấy phép thành lập mới đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn theo quy định để phối hợp quản lý.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung liên quan để các doanh nghiệp và nhân dân hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu.

8. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh làm tốt công tác quy hoạch, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu và tổ chức thực hiện dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng của các cột đo (trụ bơm) xăng dầu trên địa bàn; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống gian lận thương mại về thuế, nhất là trong khâu lưu thông đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

9. Các sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương

- Có trách nhiệm chấp hành nghiêm Chỉ thị tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Có trách nhiệm cung cấp tài liệu, thực hiện các yêu cầu của Đoàn công tác liên ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu, pháp luật thuế.

10. Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan có liên quan trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương triển khai Chỉ thị này; đồng thời, phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả giải pháp tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu bằng biện pháp dán tem niêm phong đồng hồ đếm tổng các cột đo xăng dầu nhằm góp phần chống thất thu ngân sách. Định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả triển khai cho Cục Thuế tỉnh để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành liên quan;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử của tỉnh;
- Lưu VP, Thư (40b).

CHỦ TỊCH




Nguyễn Dương Thái