Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 27 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Văn bản số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc tăng cường công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

I- Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, ngăn ngừa hành vi kinh doanh xăng dầu nhập lậu, trôi nổi, không đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần làm trong sạch thị trường, tạo môi trường kinh doanh xăng dầu lành mạnh cho các doanh nghiệp chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu phát triển.

2. Yêu cầu:

- Việc tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu phải đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật thuế;

- Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu; Không gây phiền hà cho người nộp thuế, phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

- Thực hiện dán tem vào đồng hồ (công tơ), quản lý sản lượng xăng, dầu đã tiêu thụ tại thời điểm dán tem, lập biên bản chốt số đã hiện trên đồng hồ (công tơ) để xác định số lượng xăng dầu nhập, xuất sau thời điểm dán tem; Có biện pháp ngăn chặn, xử lý để các đơn vị kinh doanh xăng, dầu không được tự ý tháo dỡ tem niêm phong.

II. Đối tượng tham gia:

1. Đoàn liên ngành thực hiện việc dán tem, nẹp chì niêm phong các công tơ tổng gồm đại diện của các sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài chính; Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

2. Các tổ chức kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

III- Nội dung và thời gian triển khai:

1. Công tác chuẩn bị (xong trong tháng 12/2016)

- Cục Thuế tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương thống kê chính xác số lượng doanh nghiệp, cửa hàng, số lượng cột bơm xăng, dầu trên toàn tỉnh.

- Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) phối hợp Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện đặt in tem niêm phong đồng hồ Công tơ.

2. Tổ chức tuyên truyền (Thực hiện xong trong tháng 01/2017)

Cục Thuế tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thông báo, tuyên truyền công khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh, mục đích, ý nghĩa của việc dán tem các phương tiện đo xăng dầu gắn với nội dung chính sách, pháp luật Thuế và hóa đơn chứng từ ... nhằm giúp cho các doanh nghiệp và nhân dân biết để thực hiện và giám sát việc thực hiện.

3. Triển khai thực hiện:

- Thành lập Ban Chỉ đạo quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và Đoàn liên ngành thực hiện việc dán tem, nẹp chì niêm phong các công tơ tổng gồm:

+ Ban chỉ đạo quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh: Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm trưởng Ban; các thành viên gồm: đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở: Công thương, Khoa học Công nghệ.

+ Đoàn liên ngành thực hiện việc dán tem, nẹp chì niêm phong các công tơ tổng: Đồng chí đại diện lãnh đạo Cục Thuế tỉnh làm trưởng đoàn, các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương làm Phó Đoàn kiểm tra. Các thành viên gồm Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chẩn Đo lường Chất lượng), Sở Công thương (Phòng Quản lý Thương mại, Chi cục Quản lý thị trường), Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thành phố (Dự kiến: Cục Thuế tỉnh 04 cán bộ, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh 04 cán bộ, Sở Công thương 02 cán bộ, Công an tỉnh 02 cán bộ).

- Nhiệm vụ cụ thể của đoàn liên ngành:

+ Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng): Hướng dẫn vị trí dán tem và kỹ thuật dán tem các đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu.

+ Cơ quan thuế: thực hiện ghi chỉ số công tơ tại thời điểm dán tem, chốt số lượng hóa đơn đã sử dụng, chưa sử dụng của đơn vị tại thời điểm dán tem.

+ Đoàn liên ngành: Lập biên bản về tình trạng đồng hồ tổng, số xăng, dầu bán ra tại thời điểm dán tem trên đồng hồ (công tơ) và số hóa đơn cuối cùng đã viết tại thời điểm dán tem. Biên bản được lập thành 03 bản và mỗi bên giữ 01 bản (mẫu biên bản do cơ quan thuế xây dựng).

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 03/01/2017, hoàn thành trong tháng 01/2017.

IV- Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức kinh doanh xăng dầu:

1. Cục Thuế tỉnh:

- Cục Thuế tỉnh là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện kế hoạch.

- Thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Kế hoạch dán tem các phương tiện đo xăng dầu của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

- Hàng tháng (quý), cơ quan thuế kiểm tra chốt số liệu trên đồng hồ tổng và các hợp đồng kinh tế giao thẳng đến chân công trình không qua công tơ tổng để xác định doanh thu bán hàng, kết hợp với đối chiếu với kê khai hàng tháng/quý để xác định tính trung thực trong việc kê khai thuế của cơ sở kinh doanh.

- Trường hợp qua kiểm tra phát hiện niêm phong bị tự ý tháo dỡ, làm rách nhưng không báo cáo kịp thời, phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh lập ngay biên bản để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cử cán bộ kịp thời đến xác nhận chỉ số công tơ tại thời điểm sửa chữa trong trường hợp các cột bơm xăng dầu phải sửa chữa liên quan đến việc tháo dỡ tem.

- Hàng quý tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chịu trách nhiệm liên hệ với Bộ Công an để chuẩn bị tem, dán tem các đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng dầu.

- Công khai số điện thoại, số fax, địa chỉ email để các tổ chức kinh doanh xăng dầu liên hệ kịp thời khi phát hiện tem bị rách hỏng hoặc sửa chữa cần phải dán lại tem.

- Ngay sau khi nhận được thông báo của cơ sở kinh doanh về việc sửa chữa các cột bơm xăng dầu liên quan đến việc tháo dỡ tem, phối hợp với Cục Thuế cử cán bộ kịp thời đến xác nhận chỉ số công tơ tại thời điểm sửa chữa và dán tem sau khi hoàn thành việc sửa chữa. Việc giải quyết phải kịp thời trong thời gian 24 tiếng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi.

- Hàng quý đột xuất kiểm tra ngẫu nhiên một số cây xăng dầu về việc thực hiện dán tem đồng hồ (công tơ).

3. Sở Công Thương (Phòng Quản lý Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường):

- Thường xuyên cung cấp cho đoàn kiểm tra liên ngành các điểm bán xăng dầu mới thành lập (gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ cây xăng dầu) để đoàn kiểm tra liên ngành dán tem ngay sau khi điểm bán xăng dầu đi vào hoạt động.

4. Sở Tài chính:

- Quản lý chặt chẽ giá xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, thông báo về giá cả thị trường của một số sản phẩm xăng, dầu theo từng thời điểm để cơ quan thuế tham khảo, xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, mua đối với các cơ sở kinh doanh kê khai thuế không trung thực.

- Thẩm định dự toán kinh phí và đề xuất và trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí phục vụ cho công tác chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.

5. Đoàn liên ngành: Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ thành lập tổ thường trực để xử lý các công việc đột xuất; hàng quý đột xuất kiểm tra ngẫu nhiên một số cây xăng, dầu về việc thực hiện kẹp chì và niêm phong công tơ tổng.

6. Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố: Cử đại diện tham gia theo kế hoạch, phối hợp tốt với Cục Thuế tỉnh, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, thẩm quyền được giao.

7. Công tác phối hợp: Các Sở, ngành chủ động phối hợp trong việc trao đổi, cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất (trường hợp tem bị hỏng, ngừng kinh doanh để sửa chữa cột bơm, có dấu hiệu vi phạm quy định...) về hoạt động kinh doanh xăng dầu thuộc chức năng nhiệm vụ.

8. Các tổ chức kinh doanh xăng dầu:

- Thực hiện đầy đủ và đúng nội dung quy định của pháp luật về kế toán và các quy định của nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Khi bán xăng, dầu phải xuất đầy đủ hóa đơn theo quy định cho người tiêu dùng.

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng, dầu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được kiểm tra.

- Thực hiện theo quy định của Nhà nước về giá bán xăng, dầu; thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lượng xăng, dầu tồn kho tại thời điểm nhà nước điều chỉnh giá bán xăng, dầu trên thị trường và chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo.

- Trong trường hợp các cột bơm xăng dầu phải sửa chữa liên quan đến việc tháo dỡ tem thì phải thông báo ngay bằng văn bản gửi Sở Khoa học và Công nghệ trước khi sửa chữa.

- Trường hợp tem bị rách, hỏng do nguyên nhân khách quan, các tổ chức kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm kịp thời thông báo đến Sở Khoa học và Công nghệ để có biện pháp giải quyết theo quy định (hình thức thông báo: điện thoại, email, fax).

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Công an tỉnh;
- Các sở: Tài chính, Khoa học Công nghệ, Công thương;
- Cục Thuế tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh;
- Lưu VT, VP5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Chung Phụng