THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 261-TTg | Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THANH TOÁN BỆNH SỐT RÉT TRONG CẢ NƯỚC
Qua nhiều năm tiến hành công tác thanh toán bệnh sốt rét, đến nay tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét ở các tỉnh phía Bắc so với dân số chỉ còn 4 phần vạn. Tuy vậy, một số ổ bệnh có tính chất dịch vẫn còn ở một số địa phương, chủ yếu là các tỉnh miền núi và các tỉnh khu 4 cũ.
Ở các tỉnh phía Nam, dưới chế độ Mỹ - ngụy, bệnh sốt rét hoành hành khắp nơi, nặng nhất là vùng Tây Nguyên, vùng khu 5 và khu 6 cũ, gây tử vong cao. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, chính quyền cách mạng đã có nhiều cố gắng trong công tác chống sốt rét, và đã đạt những kết quả đáng kể. Nhưng bệnh sốt rét vẫn còn nghiêm trọng. Đến nay, còn khoảng 10 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành: tỷ lệ người có lá lách sưng và người mang ký sinh trùng sốt rét còn rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhân dân, đến công tác khôi phục và phát triển sản xuất.
Căn cứ vào tình hình bệnh sốt rét trong cả nước, để thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng và nhiệm vụ tiêu diệt bệnh sốt rét trong cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Từ nay đến hết năm 1980, phải thanh toán về cơ bản bệnh sốt rét trong cả nước. Đây là một yêu cầu rất quan trọng và cấp bách, nhằm bảo vệ và tăng cường sức khỏe của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và văn hóa theo phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ hai, và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm lần thứ ba.
Các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể ở các cấp tuyên truyền giải thích cho mọi người thấy rõ ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế và văn hóa của công tác thanh toán bệnh sốt rét, động viên cán bộ, nhân viên, công nhân, các lực lượng vũ trang, lực lượng thanh niên xung phong, v.v… và nhân dân tích cực tham gia chiến dịch thanh toán bệnh sốt rét do Bộ Y tế được Chính phủ ủy nhiệm thống nhất chỉ đạo trong cả nước.
2. Mục tiêu cần đạt từ nay đến năm 1980 là: Ở các tỉnh phía Bắc, phải hoàn thành việc tiêu diệt bệnh sốt rét, bảo vệ cho đồng bào ở những vùng trọng điểm, như vùng kinh tế mới, vùng có dịch cũ và vùng dịch sốt rét có khả năng trở lại. Ở các tỉnh phía Nam, trong 2 năm 1977 – 1978, phải tập trung sức đẩy mạnh công tác chống sốt rét, bảo vệ cho 4 triệu người ở những vùng trọng điểm, như vùng có sốt rét nặng, vùng kinh tế mới, vùng căn cứ kháng chiến cũ, vùng bị chiến tranh tàn phá, và các cơ quan, công trường, nông trường, lâm trường, nhà máy, đơn vị vũ trang đóng trong vùng có sốt rét; trong 2 năm 1979 – 1980, phải thanh toán về cơ bản bệnh sốt rét cho tất cả các tỉnh, thành phía Nam.
3. Căn cứ vào sự hướng dẫn của Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các cấp ở những vùng có bệnh sốt rét phải có kế hoạch từng bước thanh toán bệnh sốt rét trong địa phương mình; có trách nhiệm điều động nhân lực, giải quyết kinh phí và lương thực cho các lực lượng tham gia phun thuốc diệt muỗi, và điều trị bệnh sốt rét cho dân. Các cơ quan Nhà nước, các đơn vị vũ trang, v.v… đóng ở địa phương cần tích cực tham gia việc tiêu diệt bệnh sốt rét theo kế hoạch thống nhất, để hình thành những vùng liên hoàn, tiết kiệm lao động, vật tư, thuốc men, hóa chất, v.v…
4. Phải tiến hành chiến dịch thanh toán bệnh sốt rét với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao, vừa thực hiện tốt những biện pháp cấp bách phòng và chống sốt rét, vừa đào tạo và bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa về sốt rét, đẩy mạnh điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới y tế cơ sở phục vụ công tác thanh toán bệnh sốt rét.
Phải nhanh chóng xây dựng và củng cố lực lượng chuyên môn làm công tác chống sốt rét, nhất là các tỉnh phía Nam, bao gồm các phân viện chống sốt rét khu vực, các trạm chống sốt rét tỉnh, thành, các tổ chống sốt rét trong các đội vệ sinh phòng dịch hay đội y tế lưu động huyện, quận, thị xã, khu phố. Ở vùng có bệnh sốt rét, tuyến cơ sở (trạm y tế xã, cơ quan, đơn vị, công trường, nông trường, lâm trường, nhà máy, trường học, v.v…) cần có cán bộ y tế chuyên trách chống sốt rét.
Ở cấp tỉnh, thành, huyện, quận, thị xã, khu phố thuộc vùng có bệnh sốt rét. Ban thể dục vệ sinh yêu nước (trong đó cơ quan y tế là nòng cốt) sẽ đảm nhiệm việc chỉ đạo thống nhất công tác chống sốt rét; ở cấp xã thì chủ tịch hoặc một phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm; ở cơ quan, công trong, lâm trường, nhà máy, đơn vị vũ trang, v.v… thì thủ trưởng chịu trách nhiệm.
5. Bộ Y tế cần rất coi trọng chỉ đạo công tác chống sốt rét ở các tỉnh, thành phía Nam, cử cán bộ có năng lực đến tận nơi giúp đỡ, điều động lực lượng cán bộ chuyên môn cần thiết từ các tỉnh phía Bắc vào bổ sung; đẩy mạnh việc cung cấp thuốc men, hóa chất, trang bị, thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ cho công tác thanh toán bệnh sốt rét.
6. Các ngành văn hóa thông tin, báo chí, truyền thanh, truyền hình và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác tuyên truyền giáo dục sâu rộng công tác phòng và chống bệnh sốt rét.
7. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban tổ chức của Chính phủ có trách nhiệm giải quyết kịp thời những yêu cầu cụ thể về kinh phí, vật tư, phương tiện, lao động cần thiết cho công tác thanh toán bệnh sốt rét.
8. Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này và từng thời gian báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1 Chỉ thị 10-BYT/CT năm 1969 về tiếp tục tăng cường công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trong giai đoạn hiện nay do Bộ Y tế ban hành
- 2 Chỉ thị 91-TTg-VG năm 1964 về tăng cường tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Thông tư liên bộ 09/TTLT năm 1991 bổ sung cấp phát và quản lý kinh phí chi tiêu cho công tác phòng, chống bệnh sốt rét do Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành