Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 91-TTG-VG

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TIÊU DIỆT BỆNH SỐT RÉT Ở MIỀN BẮC

I. TÌNH HÌNH BỆNH SỐT RÉT TRƯỚC NGÀY CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHỦ TRƯƠNG TIÊU DIỆT BỆNH SỐT RÉT Ở MIỀN BẮC NƯỚC TA

Vùng rừng núi ở miền Bắc nước ta là vùng giầu có về lâm sản, khoáng sản nhưng dưới chế độ phong kiến, đế quốc, nhân dân vùng này thường xuyên bị bệnh sốt rét tác hại: đa số bị bụng báng, da vàng, sức khỏe yếu mòn, phụ nữ mắc bệnh sốt rét thường bị sảy thai, đẻ non, trẻ em chết yểu. Do đó sản xuất bị giảm sút, đời sống nghèo nàn, lạc hậu.

Người dân tộc ít người khi bị mắc bệnh sốt rét thì cho là do ma bắt. Người miền xuôi sợ hãi vùng rừng núi là nơi “ma thiêng nước độc”.

Sau ngày hòa bình được lập lại, tình hình bệnh sốt rét ở miền Bắc cụ thể như sau:

Thái-nguyên

Hà-giang

Bắc-cạn

Tuyên-quang

Nghệ-an (miền núi)

Thái-mèo

Nhiều nơi 80% nhân dân bụng báng.

Tỷ lệ người sưng lá lách

Tỷ lệ người mang ký sinh trùng sốt rét

41,2%

38,55%

37,42%

36,15%

45,2%

28,4%

đến 57%

9,2%

10,76%

10,33%

15,5%

8,8%

7,7%

v.v…

 

Ở các bệnh viện, bệnh xá, nhân dân ốm và chết về bệnh sốt rét chiếm tỷ lệ rất cao so với các bệnh khác.

Thái-mèo

Tuyên-quang

Hà-giang

Người mắc bệnh sốt rét so với tổng số người mắc các bệnh khác

Người chết vì bệnh sốt rét so tổng số người chết vì các bệnh khác

24,13%

47,13%

41,62%

21,42%

41,23%

22,22%

Ở các công trường, nông trường, xí nghiệp, một số lớn công nhân mắc bệnh sốt rét. Tỷ lệ người sưng lá lách so với tổng số công nhân như sau:

Mỏ aqatite Lào-cai   

17,45%

Nông trường sông Con   

31,3%

Nông trường Đông hiếu  

20,21%

Nông trường Tây hiếu 

30,09%

Công trường xây dựng mỏ thiếc Tĩnh-túc 

8,5%

Công trường xây dựng nhà máy thủy điện Tà-xa 

19,19%

Công trường 111 Lai-châu có 34% nhân số mắc bệnh sốt rét; trong 14 tháng có 120 người chết vì bệnh sốt rét và sưng phổi; đội 46 cầu đường Lai-châu có 27 người chết thì 12 người chết vì bệnh sốt rét ác tính.

II. CHỦ TRƯƠNG KẾ HOẠCH TIÊU DIỆT BỆNH SỐT RÉT Ở MIỀN BẮC

Sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ coi việc tiêu diệt bệnh sốt rét là nhiệm vụ hàng đầu của công tác y tế ở miền núi. Nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ III đã ghi rõ nhiệm vụ tiêu diệt bệnh sốt rét và Hội đồng Chính phủ trong phiên hợp thường vụ tháng 5 năm 1961 quyết định tiến hành kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc nước ta.

Nguyên tắc căn bản của việc tiêu diệt bệnh sốt rét là diệt muỗi truyền bệnh sốt rét và diệt hết ký sinh trùng sốt rét ở trong người .

Kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét gồm bốn giai đoạn:

a) Giai đoạn chuẩn bị: 1957 – 1960. Nhiệm vụ của giai đoạn này là điều tra nghiên cứu tình hình bệnh sốt rét, nghiên cứu các biện pháp về tổ chức và kỹ thuật thích hợp trên một thí điểm rộng lớn (toàn tỉnh Thái-nguyên), tích cực chuẩn bị lực lượng vật chất, cán bộ cho giai đoạn sau. Cũng trong giai đoạn này, tiến hành tích cực chống bệnh sốt rét ở các vùng có nông trường, hầm mỏ, biên giới Lào Việt, dọc theo các đường giao thông chính ở Tây bắc.

b) Giai đoạn tấn công bệnh sốt rét trên toàn miền Bắc: 1961 – 1965. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là phun thuốc DDT diệt muỗi truyền bệnh, mỗi năm một lần, liên tục trong thời gian 3, 4 năm, đồng thời xây dựng cơ sở y tế xã, y tế hợp tác xã để phát hiện bệnh sốt rét (thử máu, thử ký sinh trùng…) và cho những người mắc bệnh sốt rét uống thuốc.

c) Giai đoạn củng cố: từ ba đến năm năm. Khi các cơ sở y tế xã, hợp tác xã được vững chắc, bảo đảm phát hiện tốt bệnh sốt rét, khi số người mắc bệnh sốt rét có ký sinh trùng ở một vùng chỉ còn 50/000 trong tổng số nhân dân, khi các trẻ em dưới hai tuổi không còn em nào bị bệnh sốt rét thì vùng đó sẽ chuyển sang giai đoạn củng cố. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện cho được bệnh nhân sốt rét còn sót và điều trị kịp thời; chỉ phun thuốc DDT ở những nhà có người mắc bệnh sốt rét và những nhà chung quanh

d) Giai đoạn bảo vệ những thành quả đã đạt được : khi bệnh sốt rét không còn nữa, công tác chủ yếu là không cho bệnh sốt rét ở nước ngoài thâm nhập vào miền Bắc, phát hiện kịp thời và tiêu diệt cấp tốc các ổ dịch bệnh sốt rét có thể xảy ra.

III. KẾT QUẢ THI HÀNH CHO ĐẾN NAY

Giai đoạn điều tra nghiên cứu làm thí điểm đã hoàn thành tốt. Giai đoạn tấn công của kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét bắt đầu từ năm 1961.

Hàng năm những vùng có bệnh sốt rét đã được phun thuốc DDT một lần: đến nay 3.007 xã trong 183 huyện của 28 tỉnh có bệnh sốt rét đã được phun thuốc DDT, bảo vệ 5.300.000 người. Những người mắc bệnh sốt rét đều được điều trị.

Bệnh sốt rét ở các nhà máy, nông trường, hầm mỏ, hợp tác xã khai hoang đã giảm nhiều so với mấy năm trước. Ở tỉnh Thái-nguyên, tỷ lệ người sưng lá lách từ 41,2% năm 1957 xuống 3,15% năm 1961; tỷ lệ người mang ký sinh trùng sốt rét từ 9,2% năm 1957 xuống 0,018% năm 1963. Số bệnh nhân vào điều trị và chết vì bệnh sốt rét ở các bệnh viện, bệnh xá ở vùng có bệnh sốt rét hạ thấp rõ rệt.

Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh sốt rét so với tổng số bệnh nhân mắc các bệnh khác:

 

1958

1963

Thái Mèo

24,13%

7,93%

Tuyên-quang 

47,13%

16,28%

Hà-giang

41,62% 

5,64%

Yên-bái

52,54% 

5,14%

Bệnh nhân chết vì bệnh sốt rét so với tổng số bệnh nhân chết vì các bệnh khác:

 

1958  

1963

 Thái Mèo 

21,41% 

0,039%

Tuyên-quang

46,25%

 0,85%

Hà-giang 

 22,22%

 0,41%

Ở các công trường, nông trường, nhà máy, tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét so với tổng số công nhân nói chung giảm xuống rất thấp trong 6 tháng đầu năm 1964:

Nông trường Tây hiếu  

 0,15%

Nông trường Đông hiếu 

0,32%

Nông trường sông Con  

0,85%

Xí nghiệp apatite Lào-cai 

 0,85%

Mỏ thiếc Cao-bằng 

0,31%

Khu gang thép Thái-nguyên

0,01%

Công trường thủy điện Thác-bà  

0,04%

Các xã viên hợp tác xã khai hoang đều sức khỏe mạnh, tỷ lệ ốm đau hàng ngày không cao hơn lúc còn ở đồng bằng.

Chúng ta đã chuyển 500 xã qua giai đoạn củng cố, trong đó có toàn tỉnh Thái-nguyên và 2/3 số xã vùng núi Nghệ-an.

Ngày nay, bệnh sốt rét đã giảm thấp nên sức khỏe của đồng bào miền núi được tăng dần, nạn có đẻ không có nuôi coi như không còn nữa. Trẻ em hồng hào, người lớn khỏe mạnh. Dân số miền núi phát triển đông vui hơn trước. Nạn mê tính dị đoan giảm nhiều. Sức sản xuất tăng lên rõ rệt. Đời sống được nâng cao dần. Những vùng trước đây có tiếng là “ma thiêng nước độc” thì nay ở đó nhà máy, nông trường đang mọc lên ngày một thêm nhiều. Hàng chục vạn đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi đang cùng đồng bào các dân tộc xây dựng miền núi thành những vùng kinh tế phồn vinh của Tổ quốc

IV. NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC TIÊU DIỆT BỆNH

SỐT RÉT

Đạt được những thành tích trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của nhân dân, của các đoàn thể và các ngành. Tuy nhiên những thắng lợi trên chỉ là những kết quả bước đầu vì bệnh sốt rét chưa bị tiêu diệt hoàn toàn; bệnh sốt rét còn có thể trở lại, nếu chúng ta không quyết tâm tiêu diệt triệt để nó.

Hiện nay trong cán bộ lãnh đạo và nhân dân có tư tưởng thỏa mãn với kết quả đã đạt được, cho là bệnh sốt rét không còn nữa và coi nhẹ công tác tiêu diệt bệnh sốt rét .

Nhiều Ủy ban hành chính tỉnh, huyện buông lơi việc chỉ đạo công tác tiêu diệt bệnh sốt rét, thiếu kiểm tra đôn đốc cấp dưới thi hành. Nhân dân chưa được giáo dục về nhiệm vụ cần phải làm như bảo vệ thuốc DDT đã phun, khai báo khi mắc bệnh sốt, cho thử máu để phát hiện bệnh sốt rét và điều trị triệt để.

Mọi số ngành chưa tích cực lãnh đạo công tác tiêu diệt bệnh sốt rét trong các cơ sở sản xuất, xây dựng của mình ở các vùng rừng núi.

Các xã đã chuyển sang giai đoạn củng cố còn xem thường công tác phát hiện bệnh sốt rét.

Các công trình thủy lợi ngày càng phát triển thêm nhiều, nhung chúng ta vẫn chưa có kế hoạch ngăn ngừa muỗi sốt rét phát triển và truyền đi theo các bể chứa nước và các kênh máng.

Tổ chức trạm sốt rét tỉnh, huyện chưa được kiện toàn, thiếu biên chế, cơ sở y tế còn non yếu. Ở nhiều xã, cán bộ không có cấp phí, cán bộ y tế hợp tác xã không được thù lao trong những ngày làm công tác y tế, chỉ hoạt động trong đợt phun thuốc DDT rồi đi làm công tác khác, không làm được đầy đủ nhiệm vụ phát hiện và điều trị bệnh nhân sốt rét.

Ở đồng bằng, chúng ta cho là không có bệnh sốt rét thì nay đã phát hiện có bệnh sốt rét, dịch sốt rét đã xẩy ra ở một số xã thuộc hai tỉnh Nam-định và Thái-bình và có khả năng lan tràn sang vùng khác.

Tiêu diệt bệnh sốt rét là công tác của toàn Đảng, toàn dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban hành chính các cấp phải chỉ đạo chặt chẽ các ngành, các giới ra sức thi hành công tác này.

V. NHỮNG CÔNG VIỆC CẤP THIẾT CÒN PHẢI LÀM

Năm 1964 và 1965 là năm cuối của giai đoạn tấn công bệnh sốt rét để chuyển qua giai đoạn củng cố. Để bảo vệ thành quả đã đạt được và tiến tới tiêu diệt bệnh sốt rét hoàn toàn trên toàn miền Bắc nước ta, Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ ngày 12 tháng 8 năm 1964 quyết định:

1. Chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo công tác tiêu diệt bệnh sốt rét, cụ thể là:

Điều quan trọng bậc nhất là chống tư tưởng chủ quan cho là bệnh sốt rét không còn nữa; cần làm cho cán bộ và nhân dân thấy rõ sự cần thiết phải bảo vệ những thành quả đã đạt được để ra sức đẩy mạnh công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.

Cần phải củng cố Ủy ban tiêu diệt bệnh sốt rét các cấp, củng cố và phát triển cơ sở y tế xã, hợp tác xã, cần giúp đỡ cho cán bộ y tế xã có cấp phí thường xuyên, cán bộ y tế hợp tác xã được thù lao trong khi làm công tác y tế để cán bộ y tế hoạt động được liên tục trong công tác phát hiện bệnh, lấy máu để xét nghiệm và điều trị kịp thời những bệnh nhân sốt rét còn sót lại. Cần xây dựng trạm tiêu diệt bệnh sốt rét tỉnh và tổ tiêu diệt bệnh sốt rét huyện; bố trí hàng ngũ cán bộ làm công tác tiêu diệt bệnh sốt rét cho hợp lý theo chỉ tiêu biên chế của kế hoạch Nhà nước.

2. Các ngành có cơ sở sản xuất, xây dựng ở miền núi như Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Nông trường, Bộ Thủy lợi, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Khai hoang… cần tích cực chỉ đạo các cơ sở trực thuộc thực hiện tốt công tác tiêu diệt bệnh sốt rét .

3. Bộ y tế cần có kế hoạch nghiên cứu toàn bộ bệnh sốt rét ở đồng bằng vá có kế hoạch khẩn trương tiêu diệt bệnh sốt rét ở hai tỉnh Thái-bình và Nam-định.

Bộ Thủy lợi, Bộ Y tế và Cục Điện lực cần nghiên cứu và thi hành và các biện pháp phòng muỗi sốt rét phát triển và lan truyền theo các bể chứa nước và các kênh máng.

4. Các ngành giáo dục, văn hóa, có nhiệm vụ phối hợp với các đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… tích cực tuyên truyền giáo dục nhân dân ra sức thi hành công tác tiêu diệt bệnh sốt rét.

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Phạm Hùng