Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 26 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, GIÁM SÁT THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI NĂM 2014

Năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế có nhiều khó khăn và thách thức ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là việc thực hiện chỉ tiêu về tạo việc làm, giảm nghèo. Nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh các nhiệm vụ về lao động, an toàn lao động, người có công và xã hội đã vượt qua khó khăn, thách thức; góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bước vào năm 2014, cùng với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của phát triển kinh tế, với mục tiêu tổng quát về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua, trong đó, chỉ tiêu chủ yếu về an sinh xã hội là: tạo việc làm 16 ngàn người; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 54%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,3%. Để thực hiện tốt chỉ tiêu đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu:

1. Các sở, ban, ngành, cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế:

a) Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Kế hoạch, Chương trình hành động của UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh sản xuất tăng lượng cung hàng hóa, giữ ổn định giá thành sản phẩm.

b) Đặt trọng tâm vào công tác xoá đói, giảm nghèo, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội để nâng cao mức sống chung của nhân dân; thực hiện đầy đủ, đúng, kịp thời các chính sách về tạo việc làm, y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, chính sách đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được ban hành, đặc biệt là người có công với cách mạng, người già cô đơn, trẻ em đặc biệt khó khăn... không để bất kỳ người dân, hộ gia đình nào có chính sách mà không được hưởng; UBND thành phố, thị xã, các huyện cân đối nguồn ngân sách, xem xét hỗ trợ mức trợ cấp xã hội cao hơn mức quy định tối thiểu, mở rộng đối tượng trên địa bàn, tăng mức hỗ trợ cho đối tượng xã hội nuôi dưỡng tập trung; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và đảm bảo kinh phí để thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội đã ban hành;

Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức thực hiện chương trình giảm hộ nghèo, nâng hộ cận nghèo theo hướng phát huy nội lực, kết hợp sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế thông qua các chương trình, dự án, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở,...). Tiếp tục đầu tư và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, ký túc xá cho sinh viên, công nhân; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, cho người lao động có thu nhập thấp.

c) Đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ dạy nghề, thông tin thị trường tạo việc làm … nhằm đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động và tạo việc làm cho hơn 16 ngàn lao động. Cụ thể:

- Chú trọng đầu tư phát triển, khuyến khích, hỗ trợ vào các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, làng nghề sử dụng nhiều lao động.

- Khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch, văn hóa; dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

- Khuyến khích phát triển các vùng khó khăn, sản xuất nhỏ lẻ cần kết hợp giữa hỗ trợ vốn với phát triển sản xuất, kinh doanh với công tác dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư đảm bảo ổn định việc làm, tăng thu nhập và tạo việc làm mới.

d) Trên từng địa bàn, tiếp tục phân công, giao chỉ tiêu cho các đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, các hộ làm kinh tế giỏi... ít nhất giúp hộ nghèo có một lao động được học nghề, có việc làm hoặc xuất khẩu lao động để thoát nghèo. Đối với các địa phương khó khăn cần xây dựng các đề án, giải pháp giảm nghèo cụ thể, tập trung hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tập trung vào các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi cách làm ăn, hỗ trợ pháp lý đồng thời với dạy nghề, truyền nghề theo cây trồng, vật nuôi để các hộ nghèo tự lực vươn lên. Xác định hộ nghèo theo từng nhóm nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo cho từng nhóm đối tượng; lập sổ theo dõi hộ nghèo đến từng huyện, xã, thôn, tổ dân phố để làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch theo dõi, giám sát và đánh giá hộ thoát nghèo.

đ) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp; đồng thời đảm bảo cơ chế công khai, minh bạch trong các hoạt động về an sinh xã hội, kịp thời động viên, khen thưởng những đơn vị, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm minh những sai sót, vi phạm.

2. Ban Chỉ đạo Giảm nghèo bền vững tỉnh: Xây dựng và tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các hoạt động thực hiện “Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015”, cụ thể các giải pháp thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo năm 2014, kế hoạch giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao năm 2014.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Trong dịp Tết Giáp Ngọ, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các ngành, UBND thành phố Huế, thị xã và các huyện đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, cấp thẻ BHYT cho người nghèo đúng thời gian, tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, các hộ nghèo, người neo đơn và các đối tượng lang thang, cơ nhỡ,... trên địa bàn (đặc biệt là không để sót các đối tượng trợ cấp xã hội), để mọi người đều được đón Xuân, vui Tết; hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, chúc Tết các đối tượng chính sách, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ cách mạng lão thành...; tổ chức đi thăm, tặng quà cho người già cô đơn, trẻ em mồ côi ở các cơ sở nuôi dưỡng tập trung và theo dõi việc chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động; nắm chắc tình hình đời sống, sinh hoạt của công nhân. Phối hợp giải quyết kịp thời và nhanh chóng các vụ đình công, không để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh và an ninh trật tự trên địa bàn.

b) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho các đối tượng có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn không nơi nương tựa, người dân tộc….; mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các chính sách giáo dục pháp luật lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

c) Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm giới thiệu việc làm; đa dạng hoá các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục phát huy và nâng cao năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm, góp phần tích cực kết nối cung - cầu lao động; thực hiện việc thu thập cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, tạo tiền đề cho việc hoạch định các chính sách thị trường lao động cũng như quản lý cung - cầu lao động.

d) Theo dõi, kịp thời cập nhật tình hình biến động lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là tại các khu công nghiệp; lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; kịp thời đề xuất giải pháp xử lý những vấn đề mới phát sinh.

đ) Đẩy mạnh công tác tìm hiểu mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, phấn đấu đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao, an toàn cho người lao động; đổi mới công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện lao động trước khi đưa đi làm việc ở nước ngoài.

e) Căn cứ các văn bản hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình thực tế tại các địa phương, chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014 - 2015.

4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ động trong công tác cân đối ngân sách phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố Huế chi trả kịp thời các chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi ngân sách bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực; đặc biệt tập trung giải quyết nhanh các khoản chi lương và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách xã hội, có công trước trong dịp Tết Giáp Ngọ, không để chậm trễ;

- Xây dựng phương án huy động nguồn lực trong và ngoài nước thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

5. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: Đẩy mạnh thực hiện dự án cho vay vốn tạo việc làm với lãi suất thấp thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, đồng thời phải đảm bảo cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng.

6. Sở Xây dựng: Triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, kịp thời và đúng đối tượng việc xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và cải thiện điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên.

7. Ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện và kiểm tra, đánh giá, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo: Kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng về chế độ miễn giảm cho học sinh thuộc hộ nghèo theo Thông tư số 29/2010TTLT-BGDĐDT-BTC-BLĐTBXH ngày 15/01/2010 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP; phát động phong trào các chương trình học bổng cho học sinh nghèo, học sinh người dân tộc thiểu số.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất; theo dõi chặt chẽ, dự báo tình hình dịch bệnh vật nuôi, cây trồng để ra các giải pháp kịp thời khống chế khi có dịch bệnh xảy ra; hỗ trợ vốn với phát triển sản xuất, kinh doanh với công tác dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư đảm bảo ổn định việc làm, tăng thu nhập và tạo việc làm mới.

10. Sở Y tế: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chính sách khám chữa bệnh của đối tượng có bảo hiểm y tế tại các cơ sở: nâng cao trách nhiệm quản lý giá thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế đối với các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc tư nhân đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền..

11. Bảo hiểm Xã hội tỉnh: Xây dựng kế hoạch thực hiện tốt chỉ tiêu thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế cho trẻ em theo Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị và Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức kiểm tra công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua hệ thống Bưu Điện đảm bảo thuận lợi, đúng thời gian, an toàn.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh: Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo: Xây dựng mới, sửa chữa nhà ở; về giống cây, vật nuôi; tổ chức chữa bệnh miễn phí; huy động các nguồn vốn cho các hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế gia đình; xây dựng trường Mẫu giáo cho các vùng xa, thấp trũng, khó khăn đảm bảo an toàn đến trường vào mùa mưa lũ.

13. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thành lập tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp nhất là trong doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; xác định rõ trách nhiệm đại diện cho người lao động của tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp. Đào tạo nâng cao năng lực hoạt động, kỹ năng đàm phán, thương lượng cho cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp để bảo đảm vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

14. Đề nghị Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

- Đẩy mạnh việc xây dựng các hoạt động của tổ chức đoàn về hoạt động tình nguyện đối với việc: Xây dựng nông thôn mới, Đền ơn đáp nghĩa, Ý thức văn minh đô thị...;

- Phối hợp với các ngành, địa phương rút kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả 02 Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạng CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2012 - 2015” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt giai đoạn 2012 - 2015”.

15. Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông báo chí: Thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về công tác thông tin, tuyên truyền, làm tốt công tác cung cấp thông tin về chế độ chính sách đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo… đảm bảo an sinh xã hội công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng, gia đình tham gia về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em,

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành, Cơ quan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Cao