UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UBND | Yên Bái, ngày 25 tháng 8 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIẢM NGHÈO VÀ CÁC CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, mỗi năm giảm 4% hộ nghèo (tương ứng giảm 6.000 hộ), trong cả giai đoạn từ 2005 - 2010 giảm 30.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34,71% năm 2005 xuống còn 14,7% năm 2010. Trong hơn 2 năm qua, với tinh thần chủ động, tích cực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Yên Bái đã đạt mục tiêu quan trọng, công tác xoá đói giảm nghèo được duy trì và giữ vững, cơ bản đã giải quyết được hậu quả của thiên tai, dịch bệnh và đói giáp hạt, toàn tỉnh đã giảm gần 14.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 34,71% năm 2005 xuống còn 24,16% năm 2007.
Tuy nhiên kết quả giảm nghèo trên còn kém bền vững, nguy cơ tái nghèo cao, phát sinh đói giáp hạt ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ngoài ra trong năm 2008 tỉnh Yên Bái chịu tác động bởi nhiều yếu tố rủi ro trực tiếp tổn thương tới nhóm hộ nghèo, đó là:
- Rét đậm, rét hại đầu năm làm chết nhiều gia súc, hoa màu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, nhất là các huyện vùng cao, khó khăn của tỉnh.
- Do ảnh hưởng của Bão số 4 (tháng 8/2008) trực tiếp ảnh hưởng trên địa bàn rộng thuộc 5 huyện và thành phố Yên Bái, trong đó có 4 huyện trọng điểm lúa của tỉnh (Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên).
- Thị trường thế giới nhiều biến động xấu, giá cả tăng cao, mức thu nhập tối thiểu hộ nghèo không còn phù hợp, đời sống của hộ nghèo khó khăn hơn, số hộ nghèo có xu thế tăng.
Bên cạnh đó công tác chỉ đạo, quản lý và kiểm tra của các cấp chính quyền cơ sở còn nhiều yếu kém, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa có sự phối hợp chặt chẽ:
- Đa số các xã, thị trấn không xây dựng kế hoạch cụ thể, không lập danh sách hộ thoát nghèo trong năm; Không có sự tập trung đầu tư, phân công giúp đỡ để mục tiêu thoát nghèo có địa chỉ rõ ràng, không có đơn và cam kết của hộ nghèo.
- Một số chính sách hỗ trợ cho người nghèo còn thực hiện chưa tốt, chưa triệt để, như: Bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất..., đặc biệt việc triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế xã hội 2 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu còn rất chậm.
- Việc tiếp cận để vay vốn tín dụng ưu đãi của người nghèo còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo được vay vốn rất thấp.
- Việc thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội chậm, theo khảo sát, toàn tỉnh có gần 11.000 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội nhưng tới nay mới có 7.000 đối tượng có đủ hồ sơ được duyệt.
Để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo từ nay đến năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái yêu cầu:
1- Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực của BCĐ giảm nghèo tỉnh):
- Hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố hoàn thiện hồ sơ xét duyệt đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP để đảm bảo cho các đối tượng hưởng trợ cấp kịp thời, đúng đối tượng, phấn đấu thời gian hoàn thành trước 30/9/2008.
- Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác giáo dục - đào tạo, tập trung nguồn lực cho công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên, nông dân, đồng bào dân tộc ít người, tăng cường năng lực cho cán bộ giảm nghèo cơ sở và hộ nghèo để vùng nghèo, người nghèo có việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
- Kiện toàn lại Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động; Xây dựng đề án về xuất khẩu lao động, trong đó cần chú ý lựa chọn thị trường lao động có thu nhập cao và việc làm ổn định; Chủ động đào tạo nghề phục vụ cho xuất khẩu lao động, coi xuất khẩu lao động là mũi nhọn trong công tác giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.
2- Uỷ ban nhân dân các huỵên, thị, thành phố:
- Tranh thủ mọi nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, thực hiện các chính sách an sinh xã hội nhằm giúp nhân dân vùng bão lũ và hộ nghèo vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo theo kế hoạch đề ra.
- Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương cụ thể hóa kế hoạch giảm nghèo của tỉnh; Tổ chức chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các phòng ban liên quan tiến hành lập danh sách các hộ phấn đấu thoát nghèo hàng năm; Tập trung nguồn lực, phân công các đoàn thể, cán bộ, đảng viên tư vấn, giúp đỡ để hộ nghèo đăng ký thoát nghèo.
3- Đối với các ngành, đoàn thể liên quan:
- Ngân hàng chính sách xã hội căn cứ danh sách giảm nghèo hàng năm của các xã, phường, thị trấn, ưu tiên vốn vay ưu đãi, chỉ đạo tổ trưởng tín dụng thôn bản đảm bảo cho vay kịp thời, tư vấn sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo đúng kế hoạch, địa chỉ.
- Ban Dân tộc phối hợp với các ngành liên quan rà soát lại các chương trình mục tiêu liên quan đến công tác giảm nghèo do ngành phụ trách, có biện pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng nghèo, xã nghèo, đặc biệt là các chương trình dự án đầu tư trực tiếp cho người nghèo về các lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo, dạy nghề, cai nghiện, dân số - KHHGĐ...
- Sở Tài Chính phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đảm bảo đủ kinh phí chi trả các đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn sớm triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía Tây của tỉnh nhằm giúp các hộ nghèo vùng cao vượt qua khó khăn, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh.
- Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác vận động, tham gia tích cực các hoạt động giảm nghèo, tạo việc làm, thực hiện trách nhiệm xã hội của Doanh nghiệp trong điều kiện địa phương, vùng nghèo, người nghèo chịu thiệt hại của thiên tai, bão lũ và các yếu tố rủi ro khác.
Thực hiện công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của từng đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện, trong quá trình triển khai thực hiện thường xuyên tổng hợp báo cáo kết quả về Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.
| CHỦ TỊCH |
- 1 Kế hoạch 1928/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chương trình hành động 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2 Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội năm 2014 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 3 Nghị định 67/2007/NĐ-CP về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội
- 1 Chỉ thị 28/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện chế độ chính sách đảm bảo an sinh xã hội năm 2014 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Kế hoạch 1928/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chương trình hành động 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết về một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012-2020 do tỉnh Bến Tre ban hành
- 3 Kế hoạch 696/KH-UBND thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kon Tum