ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UB-NCVX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 6 năm 1995 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC LẬP LẠI TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Tình hình trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra ngày càng phức tạp : luồng lạch bị bồi lấp ; nhiều chướng ngại vật chưa được giải tỏa ; tình trạng nhà cửa, bến bãi xây dựng, lấn chiếm trái phép trên sông, kinh, rạch một cách tùy tiện ngày càng gia tăng, xâm phạm luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ các công trình giao thông.
Tình hình trên đây không bảo đảm trật tự an toàn giao thông, số vụ vi phạm và tai nạn giao thông đường thủy ngày càng tăng, nhiều vụ xảy ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, cảnh quan đô thị và môi trường sinh thái của thành phố.
Để thực hiện tốt Pháp lệnh bảo vệ công trình giao thông đã được Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công bố ngày 10/12/1994 và “Quy định quản lý trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa và bến cảng sông thành phố Hồ Chí Minh” do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành theo quyết định số 2549/QĐ-UB ngày 26/10/1992.
Nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông, làm giảm số vụ và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, từng bước khôi phục và phát triển ngành giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn thành phố. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị các sở, ban, ngành và quận, huyện và các cơ quan có liên quan tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách sau đây :
1- Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm :
a) Điều tra, thống kê nhà cửa, công trình, bến bãi xây dựng lấn chiếm trên sông, kinh, rạch (kể cả vùng đất ven bờ theo quy định) thuộc địa bàn quận, huyện. Lập kế hoạch di dời, giải tỏa các trường hợp xây dựng lấn chiếm trái phép, chậm nhất là quí 4/1995, Ủy ban nhân dân quận, huyện phải có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt để tổ chức di dời, giải tỏa. Báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố những trường hợp cấp phép xây dựng, cấp phép lập bến bãi trái với quy định của Nhà nước (nêu rõ tên cơ quan cấp phép).
b) Tiến hành giải tỏa ngay những nhà cửa xây dựng trái phép đang xâm phạm luồng tàu chạy và hành lang bảo vệ an toàn các công trình giao thông, riêng tuyến kinh Tẻ, đoạn từ vàm cầu Tân Thuận đến tim cầu Rạch Ông về phía Nhà Bè, tiến hành giải tỏa nhà cửa lấn chiếm từ luồng tàu chạy cho đến mép bờ kinh. Không thực hiện chính sách đền bù mà bắt buộc những người vi phạm phải tự tháo dỡ có thời hạn để đảm bảo an toàn tuyệt đối giao thông, nếu không tự tháo dỡ thì Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức lực lượng tháo dỡ.
Đến quý II/1996, phải cơ bản thực hiện xong công tác này.
c) Ngăn chận, xử lý buộc tháo dỡ ngay những trường hợp đang xây dựng lấn chiếm trái phép trên sông, kinh, rạch (kể cả hành lang bảo vệ các công trình giao thông và vùng đất ven bờ theo quy định) thuộc địa bàn quận, huyện mới phát sinh sau Chỉ thị này.
d) Chận đứng ngay việc xả rác xuống các sông rạch. Tổ chức chặt chẽ việc đổ rác của các hộ dân đang sống trên kênh rạch. Những vi phạm phải được xử lý nghiêm.
2- Ban Vật giá thành phố phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện xác lập khung giá và chính sách đền bù cho việc di dời, giải tỏa nhà cửa lấn chiếm theo khung chính sách của Chính phủ, chú ý mọi trường hợp xây dựng bất hợp pháp thì không đền bù, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, đáp ứng đúng yêu cầu tiến độ nói ở điểm 1.
3- Sở Giao thông công chánh có trách nhiệm chỉ đạo khu đường sông :
a) Tổ chức, điều tra, khảo sát, đo dò hiện trạng hệ thống đường sông do thành phố quản lý để xác lập danh bạ đường sông, chỉ giới trên các tuyến, lập kế hoạch quản lý thường xuyên và quy hoạch luồng tuyến, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân quận, huyện có số liệu lập kế hoạch giải tỏa, di dời nhà cửa lấn chiếm.
b) Thực hiện ngay công tác trục vớt, giải tỏa các chướng ngại vật. Nạo vét những bãi cạn làm tắt nghẽn lưu thông và luồng tàu chạy sau khi quận, huyện giải tỏa xong nhà cửa lấn chiếm. Lắp đặt phao tiêu biểu báo trên những tuyến chính.
c) Phối hợp Công an thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện sở tại tổ chức, sắp xếp các bến bãi kinh doanh xếp dỡ và vị trí neo đậu phương tiện thủy nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và an ninh xã hội.
Những tuyến của Trung ương do Trung ương đầu tư kinh phí và tổ chức thực hiện.
d) Sở Giao thông công chánh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện phổ biến, tuyên truyền luật lệ giao thông vận tải, trật tự an toàn giao thông, với nhiều hình thức và nội dung đến từng hộ dân ở trên và ven sông, kinh, rạch. Vận động nhân dân tích cực tham gia làm sạch đẹp sông, kinh, rạch và bảo vệ công trình giao thông đường sông.
4- Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng, Sở Nhà đất, Ủy ban nhân dân quận, huyện không cấp giấy phép xây dựng các công trình dân dụng, không hợp thức hóa chủ quyền nhà cửa lấn chiếm trên sông, kinh, rạch (kể cả vùng đất ven bờ theo quy định).
Kiến trúc sư trưởng phối hợp Sở Giao thông công chánh xác lập chỉ giới hai bên bờ sông, kinh, rạch. Chậm nhất là cuối quý I/1996 trình Ủy ban nhân dân thành phố.
Mọi công trình thiết kế, xây dựng có sử dụng khoảng sông hay ngang qua sông, kinh, rạch (cầu, đường dây điện, điện thoại, đường ống,… kể cả công trình kỹ thuật ngầm) phải được Sở Giao thông công chánh thỏa thuận bằng văn bản thì cơ quan thẩm quyền mới xét duyệt dự án đầu tư, hồ sơ thiết kế kỹ thuật và chủ công trình mới cho thi công.
5- Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở kinh tế đổ chất thải, nước thải làm ô nhiễm dòng nước. Có biện pháp hướng dẫn, ngăn ngừa, xử lý chất thải, nước thải trước khi đổ ra sông, kinh, rạch. Đến quí IV/1995, cơ quan, đơn vị nào còn đổ chất thải chưa được xử lý ra sông thì phải xử phạt ở mức cao nhất.
6- Công an thành phố có trách nhiệm :
a) Kiểm tra việc chấp hành luật lệ giao thông vận tải đường thủy, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo pháp luật quy định.
b) Quy định chặt chẽ việc đăng ký, quản lý hộ khẩu ở những khu vực giải tỏa trên sông, kinh, rạch trên địa bàn thành phố và quy định việc quản lý người cư trú, hoạt động trên các phương tiện thủy, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành trong quí III/1995. Trước mắt, tuyệt đối không cấp hộ khẩu cho những hộ xây dựng trái phép trên sông, kinh, rạch.
c) Phối hợp với Sở Giao thông công chánh :
Hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận, huyện trong công tác điều tra, thống kê số liệu nhà cửa, bến bãi xây dựng lấn chiếm trên sông, kinh, rạch.
7- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành liên quan tiến hành hệ thống hóa các quy định về luật lệ giao thông vận tải đường thủy, giúp các cấp các ngành và nhân dân thực hiện pháp luật tiện lợi, nhằm nhanh chóng thiết lập trật tự, an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố và tăng cường ý thức chấp hành trong cơ quan Nhà nước và trong nhân dân về lãnh vực này.
8- Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chánh cân đối nguồn vốn để bổ sung kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị này, đồng thời, có kế hoạch trang bị thêm các phương tiện chuyên dùng cho khu đường sông và lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy để đảm bảo thực thi nhiệm vụ ngay trong năm 1995 một phần, còn lại trang bị trong năm 1996.
9- Sở Giao thông công chánh là cơ quan thường trực giúp Ủy ban nhân dân thành phố theo dõi, thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị này. Hàng quí, các quận, huyện gởi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông công chánh, để Sở Giao thông công chánh tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề gì còn vướng mắc thì các sở, ban, ngành, quận, huyện báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo.
Yêu cầu các Ủy ban nhân dân quận, huyện, Giám đốc các sở, ngành thi hành triệt để chỉ thị này.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |