Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 308-CT

Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI

Ngày 18 tháng 10 năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Nghị định số 161-HĐBT ban hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 10 tháng 6 năm 1989 ra Nghị định số 64- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng và ngày 18 tháng 8 năm 1989 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 218-CT đã quy định nghĩa vụ của các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu và dịch vụ (kể cả xuất khẩu và dịch vụ trong nước thu ngoại tệ) phải bán một tỷ lệ ngoại tế thu được cho Nhà nước và phải gửi phần ngoại tệ còn lại vào Ngân hàng Ngoại thương hoặc Ngân hàng khác được Nhà nước cho phép (gọi tắt là Ngân hàng được uỷ quyền); quy định các khoản nộp bắt buộc cho quỹ ngoại tệ tập trung của trung ương.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) tháng 3 năm 1989 cũng đã đề ra chủ trương "Nhà nước phải quản lý tốt việc sử dụng ngoại tệ, nhất là ngoại tệ mạnh" và giao nhiệm vụ cho " Ngân hàng Ngoại thương kinh doanh mua, bán ngoại tệ với mọi đối tượng thuộc tất cả các thành phần kinh tế và người nước ngoài".

Tuy nhiên, đến nay đã được một năm, Việc quản lý ngoại hối vẫn chưa được tăng cường. Vẫn còn nhiều hiện tượng vi phạm Điều lệ đã ban hành như không gửi ngoại tệ thu được vào Ngân hàng, tuỳ tiện giữ lại hoặc gửi ở Ngân hàng nước ngoài lấy lãi mà không được phép và không báo cáo cho Ngân hàng; sử dụng không đúng mục đích, nhiều trường hợp sử dụng rất lãng phí. Nghiêm trọng hơn, có những khoản phải nộp bắt buộc cho quỹ ngoại tế tập trung của trung ương nhưng không nộp mà giữ lại ở đơn vị cho vay, góp vốn liên doanh, liên kết, thậm chí gửi ở ngân hàng nước ngoài lấy lãi.

Để quản lý tốt việc sử dụng ngoại tệ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Các ngành, địa phương, cơ sở phải thanh toán, quyết toán thu chi ngoại tệ của mình từ khi bắt đầu có thu chi đến ngày 30 tháng 10 năm 1989 và lập dự toán thu chi ngoại tệ cho năm 1990. Cụ thể là:

- Các tổ chức kinh tế và hành chính sự nghiệp do các Bộ quản lý lập bảng thanh quyết và bản dự toán cho năm 1990 gửi lên Bộ chủ quản. Bộ chủ quản tổng hợp cùng với thanh quyết toán và dự toán của bản thân Bộ thành bản thanh quyết toán và dự toán của toàn ngành.

- Các tổ chức kinh tế và hành chính sự nghiệp do Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương quản lý (kể cả các tổ chức do Uỷ ban Nhân dân các quận, huyện quản lý, nếu có) lập bản thanh quyết toán và bản dự toán cho năm 1990 lên Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu chủ quản để tổng hợp thành bản thanh quyết toán và dự toán của toàn tỉnh, thành phố, đặc khu.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập thanh quyết toán thu chi ngoại tệ trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ và kế hoạch thu chi ngoại tệ năm 1990 của ngành.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính tổng hợp thành bản thanh quyết toán và bản cân đối kế hoạch thu, chi ngoại tệ của cả nước cho năm 1990 trình Hội đồng Bộ trưởng trước ngày 30-11-1989.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn các Bộ, các địa phương và cơ sở thực hiện việc này bảo đảm chất lượng và thời gian quy định.

2. Từ nay, tất cả các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ sở có thu chi ngoại tệ nhất thiết phải chấp hành nghiêm chỉnh Điều lệ quản lý ngoại hối và phải tôn trọng việc Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại hối và kinh doanh ngoại hối như đã quy định trong các Nghị định số 161-HĐBT ngày 18-10-1988 và số 64-HĐBT ngày 10-6-1989, Quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng số 218 - CT ngày 18-8-1989 cụ thể là:

a) Phải nộp các khoản nộp bắt buộc cho quỹ ngoại tệ tập trung của trung ương theo điều 2 của Quyết định số 218-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầy đủ và đúng thời hạn, không được giữ kại để sử dụng cho bất cứ việc gì khác. Các Bộ, tỉnh, thành phố, đặc khu chủ quản có trách nhiệm theo dõi đôn đốc các cơ sở của mình chấp hành đầy đủ chế độ quản lý ngoại hối của Nhà nước. Nếu muốn được sử dụng một phần ngoại tệ ngoài chế độ quy định thì phải xin phép và phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chấp thuận.

b) Các tổ chức và công dân Việt Nam xuất khẩu hàng hoá và kinh doanh dịch vụ có thu ngoại tệ phải gửi vào tài khoản tại Ngân hàng và phải thực hiện nghĩa vụ bán cho Nhà nước theo quy định trong điều 7 trong của Điều lệ quản lý ngoại hối và Điều 3 của Quyết định 218-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Việc sử dụng ngoại tệ phải có kế hoạch theo đúng điều 5 Điều lệ quản lý ngoại hối.

c) Các tổ chức và công dân Việt Nam có yêu cầu chi ngoại tệ, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận thì được mua hoặc vay ngoại tệ của Ngân hàng theo quy định trong các điều 8 và 9 của Điều lệ quản lý ngoại hối.

d) Việc chuyển ngoại hối ra nước ngoài, việc mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài nhất thiết phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp được phép mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài phải phải định kỳ báo cáo cho Ngân hàng về tình hình thu chi ngoại tệ gửi ở nước ngoài.

Cùng với việc hoạt động mở rộng kinh tế đối ngoại, khối lượng thu chi ngoại tệ trong thời gian tới ngày càng lớn và việc Nhà nước thống nhất quản lý theo kế hoạch là yêu cầu ngày càng bức bách.

Để việc quản lý ngoại hối đi vào nề nếp, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Bộ Tài chính soạn thảo luật hoặc pháp lệnh về quản lý ngoại hối để trình Hội đồng Bộ trưởng vào cuối tháng 12 năm 1989.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các địa phương, các cơ sở thực hiện tốt Chỉ thị này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)