Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 331-CT

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THƯỜNG XUYÊN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÓ ĐÔNG NGƯỜI ĂN THEO MÀ ĐỜI SỐNG GẶP KHÓ KHĂN

Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang đã ghi: "Dành một khoản trong ngân sách Nhà nước để trợ cấp cho những công nhân, viên chức và những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang có đông người ăn theo mà đời sống thật sự gặp khó khăn" (Điều 12)

Để thực hiện chủ trương trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quy định cụ thể như sau:

1. Đối tượng được xét trợ cấp là tất cả công nhân, viên chức và những người hưởng lương trong các lực lượng vũ trang (kể cả những người về hưu và nghỉ do mất sức lao động) có đông người phải nuôi dưỡng mà đời sống thực sự gặp khó khăn. Khi xét trợ cấp cần chú ý trước đến những người lâu nay được hưởng chế độ cung cấp tem phiếu cho người ăn theo mà nay do xoá bỏ chế độ tem phiếu, đời sống gia đình thực sự có nhiều khó khăn.

2. Về điều kiện để xét trợ cấp:

Công đoàn cơ sở và Thủ trưởng cơ quan , đơn vị nơi công nhân, viên chức công tác căn cứ tình hình thu nhập và đời sống thực tế của công nhân, viên chức để xem xét, người nào mà đời sống gia đình thực sự khó khăn thì quyết định cho hưởng trợ cấp. Mỗi quý xét trợ cấp một lần vào đầu quý, nhưng tiền trợ cấp thì phát hàng tháng.

3. Về mức trợ cấp: Tuỳ theo giá sinh hoạt của từng vùng, mỗi suất trợ cấp được ấn định bằng giá trị khoảng 10 kg gạo, tính theo giá bán lẻ của Nhà nước ở địa phương. Mỗi gia đình được hưởng bao nhiêu suất trợ cấp là tuỳ ở hoàn cảnh gia đình khó khăn nhiều hay ít.

4. Ngoài chế độ trợ cấp thường xuyên nói trong Điều 12 Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985, chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất vẫn được thực hiện như quy định hiện hành.

Cả hai khoản trợ cấp này đều do quỹ xã hội trích từ ngân sách Nhà nước đài thọ, không hạch toán vào giá thành.

5. Các Bộ Tài chính, Lao động phối hợp với Tổng Công đoàn Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên này cho công nhân, viên chức. Các Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Thương binh và xã hội, sau khi thoả thuận với Bộ Tài chính và Bộ Lao động hướng dẫn thi hành đối với các đối tượng do mình quản lý.

6. Chế độ trợ cấp khó khăn thường xuyên này thi hành từ ngày 1-9-1985 cùng với chế độ tiền lương mới như đã quy định trong Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985. Nơi nào trong khi thực hiện bù giá từ tháng 9 trở về trước đã bù giá cho cả người ăn theo thì xét trợ cấp từ tháng 10 trở đi.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)